Lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa phổ biến từ 8%/năm trở lên.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa phổ biến từ 8%/năm trở lên.

Lãi suất huy động khả năng “giảm nhiệt” sau Tết

(ĐTCK) Cạnh tranh huy động tiền gửi trước Tết Nguyên đán diễn ra gay gắt, song các nhận định được đưa ra, lãi suất huy động khả năng sẽ giảm sau Tết bởi thanh khoản ngân hàng đang dồi dào.

Thời điểm trước Tết, hầu hết nhà băng ồ ạt khuyến mãi để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm. Vì thế, mặt bằng lãi suất được các nhà băng niêm yết ở mức tương đối cao, từ 8%/năm trở lên tại các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ nhằm huy động tiền phục vụ nhu cầu chi trả cao dịp Tết.

Đơn cử, tại VietABank, lãi suất kỳ hạn 7 tháng là 8,3%/năm; 13 tháng là 8,8%/năm... Eximbank có mức lãi suất niêm yết cao nhất ở kỳ hạn 24 tháng với 8,4%/năm.

Tiếp đó là 2 ngân hàng NCB và VietBank với cùng mức lãi suất là 8,2%/năm. Viet Capital Bank có lãi suất kỳ hạn 24 tháng là 8,1%/năm, BAC A BANK và Kienlongbank là 8%/năm.

Ở nhóm ngân hàng quy mô lớn, lãi suất được niêm yết ở mức thấp hơn đáng kể. Chẳng hạn, Techcombank có lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng từ 6-6,2%/năm tuỳ theo số tiền gửi, giảm 1 điểm phần trăm so với đầu tháng 12/2019.

Các ngân hàng có vốn nhà nước, lãi suất huy động phổ biển ở mức 6,8%/năm.

Sau giai đoạn cao điểm, lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ hạ nhiệt dần. Bởi quý đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng thường không cao, tín dụng tăng thấp, nên cạnh tranh trong huy động vốn sẽ không còn quá nóng như thời điểm trước Tết.

Mặt khác, theo giới phân tích tài chính, các yếu tố bên ngoài tác động lên mặt bằng lãi suất không nhiều.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất không tác động nhiều đến thị trường Việt Nam, bởi huy động lãi suất USD bằng 0%.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển từ cơ chế huy động và cho vay sang cơ chế mua và bán, nên việc giảm lãi suất USD không tác động trực tiếp lên VND.

Với thị trường Việt Nam hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ tăng trong năm 2020, nhưng chủ trương của Chính phủ và NHNN là quản lý lãi suất theo hướng ổn định. Theo dự báo 6 tháng đầu năm 2020 của ACB, chưa có dấu hiệu cho thấy lãi suất sẽ tăng.

Dự báo về xu hướng lãi suất trong năm nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới có thể giảm sau một loạt động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN, đặc biệt là quy định hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống mức 5%/năm.

Dưới góc độ của đơn vị tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định so với cuối năm 2019.

“Mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ duy trì ở mức như hiện tại và khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn”, BVSC nhận định.

Các nhận định đưa ra, mặt bằng lãi suất trong năm 2020 nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định do tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn, kéo theo nhu cầu về vốn giảm xuống.

Bên cạnh đó, việc NHNN cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống 5%/năm cũng sẽ giúp cải thiện nguồn tiền gửi dài hạn.

Năm 2020, tác động từ quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn được cho là sẽ không lớn bởi các ngân hàng đã có sự chuẩn bị từ trước.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá và lạm phát được dự báo không có biến động mạnh cũng là yếu tố hỗ trợ sự ổn định của lãi suất.

Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước năm 2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân dưới 4%; ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.

Tin bài liên quan