Lãi suất cho vay khó giảm trong những tháng cuối năm nay.

Lãi suất cho vay khó giảm trong những tháng cuối năm nay.

Lãi suất cho vay dự báo giảm từ đầu năm 2020

(ĐTCK) Sau động thái giảm lãi suất USD lần thứ 3 trong năm 2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lãi suất VND tại một số ngân hàng đã giảm nhẹ. Điều này được kỳ vọng sẽ kéo giảm lãi suất cho vay giảm thời gian tới.

Lãi suất đầu vào giảm nhẹ

Việc Fed liên tục cắt giảm lãi suất thời gian qua đã tác động tích cực lên thị trường ngoại hối, cũng như giảm bớt áp lực tỷ giá tiền đồng trong, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng hạn chế dần cho vay ngoại tệ và hướng chuyển sang quan hệ "mua - bán", thay vì quan hệ "vay - mượn" như trước.

Việc tỷ giá được điều hành linh hoạt cũng đã phần nào tác động tích cực lên lãi suất tiền đồng trong bối cảnh các ngân hàng cạnh tranh huy động khốc liệt. Do đó, đợt giảm lãi suất lần này của Fed được xem là thêm phần hỗ trợ cho lãi suất tiền đồng.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động vào đầu tháng 11 này, cho dù đây bắt đầu là tháng cao điểm kinh doanh.

Đơn cử, tại VietCapital Bank, lãi suất giảm nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng, từ 7,4%/năm về 7,3%/năm, kỳ hạn 9 tháng từ 7,8%/năm về 7,7%/năm.

Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại nhà băng này cũng giảm 0,1 điểm phần trăm về 8,5%/năm áp dụng cho các kỳ hạn 24-60 tháng.

Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ ngày 7/11/2019, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 8,1%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7%/năm.

Tại VPBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại quầy giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,2-7,5%/năm; lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5%/năm, thấp hơn so với mức 7,6%/năm trước đó.

Với Nam A Bank, tại biểu lãi suất mới có hiệu lực từ ngày 5/11/2019, kỳ hạn 16 tháng và 17 tháng lãi suất giảm 0,3 điểm phần trăm về 7,4%/năm.

Không chỉ ngân hàng tư nhân, các ngân hàng có vốn nhà nước cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn, tại BIDV, lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng, giảm từ mức 4,5%/năm trước đó về 4,3%/năm như hiện tại. Tại Vietcombank, mức lãi suất tại 2 kỳ hạn này là 4,5%/năm.

Lãi cho vay sẽ giảm theo?

Thực tế, mặc dù còn khó khăn trong việc tiết giảm chi phí đầu vào do phải tăng huy động kỳ hạn dài ngày để tái cơ cấu nguồn vốn, đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN, song nhiều ngân hàng bắt đầu tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hút khách hàng cuối năm.

Thêm vào đó, NHNN giảm thêm lãi suất tín phiếu lần thứ ba, hiện ở mức 2,25%/năm - cũng là điều kiện để các ngân hàng giảm thêm lãi suất, kích cầu tín dụng. Khi chi phí đầu vào giảm, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất đầu ra cũng sẽ giảm theo.

Chẳng hạn, tại Eximbank, ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, bên cạnh các gói sản phẩm tín dụng được cung cấp cho doanh nghiệp theo từng ngành nghề, Eximbank còn dành 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, lãi suất từ 6,99%/năm với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp này có thể chủ động được nguồn vốn kinh doanh.

VPBank có chương trình hỗ trợ 80% giá trị khoản vay, thời gian vay tối đa 8 năm. Khách hàng được lựa chọn một trong các mức lãi suất 6,9%/năm, 7,9%/năm và 8,9%/năm cố định trong lần lượt từ 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng đầu tiên… Đáng chú ý, khách hàng sẽ được giải ngân trong vòng 4 giờ sau khi hồ sơ được phê duyệt.

Tại Nam A Bank, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, Ngân hàng đưa ra mức lãi vay từ 6,5%/năm đối với các khoản vay dài hạn (36-120 tháng), từ 7,5%/năm với các khoản vay trung hạn (từ 24 tháng đến dưới 36 tháng). Lĩnh vực tín dụng xanh được Nam A Bank ưu đãi lãi vay 7,5%/năm.

Vietbank cũng dành 500 tỷ đồng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ…, lãi vay từ 7%/năm. ABBank dành hạn mức 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có doanh thu năm gần nhất tối đa là 200 tỷ đồng, lãi vay cố định trong 3 tháng đầu từ 7,8%/năm hoặc 6 tháng đầu chỉ từ 8,3%/năm.

Tại ACB, từ nay đến 31/12/2019, ngân hàng này đưa ra gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động, lãi suất vay từ 7,5%/năm.

Hiện một số ngân hàng đã dần cạn room tín dụng như OCB, TPBank... Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, phần lớn ngân hàng tăng trưởng cho vay cao đều có quy mô tài sản không quá lớn.

Tác động của tăng trưởng cho vay mỗi nhà băng đối với hệ thống sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng tuyệt đối dư nợ. Có những ngân hàng nhỏ tăng dư nợ đến 30-40% cũng chỉ thêm được 1.000-2.000 tỷ đồng.

Ngược lại, với các ngân hàng lớn như Agribank, chỉ cần tăng 10% là dư nợ toàn hệ thống đã tăng thêm 100.000 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng lớn (Agribank, VietinBank) chỉ tăng trưởng cho vay khoảng 6%.

Liên quan tới tăng trưởng tín dụng, tính đến hết tháng 9/2019, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 9,4% so cuối năm 2018. Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% đặt ra từ đầu năm, dư địa để tăng dư nợ quý cuối năm vẫn rất cao.

Do đó, theo nhận định của ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất đầu ra khó có thể tăng mạnh, bởi nếu tăng, các ngân hàng khó có thể thu hút được khách hàng vay vốn, kể cả với tín dụng nhỏ lẻ, tiêu dùng hay cho vay mua nhà.

Nhóm phân tích SSI Retail Research (Công ty Chứng khoán SSI) cho rằng, khả năng việc giảm lãi suất huy động trong quý IV/2019 là khá thấp do tính chất mùa vụ, nhưng khả năng sẽ giảm từ đầu năm 2020.

Báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất của nhóm này cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 11/2019, NHNN đã phát hành 46.000 tỷ đồng tín phiếu và có 52.000 tỷ đồng tín phiếu đến hạn, tương đương bơm ròng 6.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Kênh thị trường mở (OMO) không phát sinh giao dịch mới, duy trì số dư bằng 0. Nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng 11 khiến thanh khoản bớt dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhích tăng khoảng 30 điểm cơ bản, lên 2,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần - hiện ở vùng tương đương với lãi suất tín phiếu và cao hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng khoảng 50 điểm cơ bản.

Trong bối cảnh đó, NHNN có động thái nới lỏng hơn khi gia tăng lượng tiền đồng thông qua bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch mua ngoại tệ.

Phát biểu tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu giảm thêm tối thiểu 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên.

Tin bài liên quan