Kiến nghị đầu năm của các lãnh đạo ngân hàng

Kiến nghị đầu năm của các lãnh đạo ngân hàng

(ĐTCK) Một trong những vấn đề chính được các lãnh đạo ngân hàng trăn trở và đề xuất được giải quyết trong năm 2020 liên quan tới khung khổ pháp lý, bao gồm Sandbox, ngân hàng số, thanh toán số… 

Thúc đẩy các chương trình số hóa

Ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank.

Ðề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép VietinBank sắp xếp, phân bổ lại mạng lưới phòng giao dịch khác địa bàn tỉnh/thành phố, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho các địa bàn, đặc biệt là những khu vực đang có nhu cầu phát triển kinh tế, khu vực nông nghiệp - nông thôn, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Ðề nghị Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các chương trình số hóa, áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống, xã hội; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và có cách thức khai thác hiệu quả vào các hoạt động kinh tế, tài chính, phục vụ phát triển đất nước và quản lý xã hội; chú trọng đầu tư đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong các giải pháp ngân hàng dựa trên nền tảng số hóa.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng cần mở rộng, phát triển thị trường vốn có độ sâu tài chính hơn, có chính sách cởi mở cho phép các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận thị trường dễ dàng hơn; cải cách hệ thống thể chế, giải pháp kỹ thuật để đáp ứng các tiêu chí xếp hạng về thị trường chứng khoán để tăng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thời gian tới.

Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng

Ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.

Thứ nhất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cho hoạt động ngân hàng, ban hành Nghị định về thị trường mua bán nợ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội; sửa đổi Ðề án thanh toán không dùng tiền mặt; khung pháp lý (kể cả cơ chế quản lý thử nghiệm - Regulatory Sandbox) cho hoạt động Fintech, ngân hàng số, cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền di động (mobile money), hợp tác ngân hàng - Fintech và Big Tech, chia sẻ dữ liệu... tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai ngân hàng số thành công.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, đặc biệt là dữ liệu dân cư. Ðây là cơ sở, tiền đề để các ngân hàng xây dựng chương trình sản phẩm hiện đại phục vụ nền kinh tế.

Thứ ba, về thị trường chứng khoán, hiện nay, vốn hóa thị trường này đạt 81% GDP (quý III/2019), nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực…, nên cần được tiếp tục phát triển mạnh, đảm bảo là kênh dẫn vốn dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, giảm áp lực và rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại… 

Tiếp tục cơ chế đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nước ngoài trong năm 2020

Bà Jodi West, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, đại diện Nhóm công tác ngân hàng (BWG).

Chúng tôi khuyến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát triển số hoá ngành ngân hàng và đẩy nhanh chương trình kỹ thuật số, đồng thời Ngân hàng Nhà nước hợp tác với các bộ, ngành liên quan để xây dựng khung pháp lý phù hợp;

Chuyển đổi toàn bộ áp dụng Basel II khi có cơ hội để cải thiện sự ổn định và quản trị thị trường, nhờ đó tăng cường niềm tin của người gửi tiền, nhà đầu tư và cơ quan xếp hạng;

Thực hiện mạnh mẽ hơn các cải cách về cơ cấu, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng cao nhiều hơn…

Chúng tôi rất mong tiếp tục cơ chế đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng nước ngoài trong năm 2020.

Cần yêu cầu doanh nghiệp FDI sử dụng dịch vụ ngân hàng nội địa tương ứng với ưu đãi được hưởng

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank.

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về chủ động, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, một số văn bản chỉ đạo để tháo gỡ, hoàn thiện thể chế, chính sách.

Tuy nhiên, về hoạt động ngân hàng với kỳ vọng đổi mới ngân hàng số ở Việt Nam, xin đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo, ban hành, hoàn thiện các thể chế, môi trường pháp lý cho việc phát triển ngân hàng số, thanh toán số và sớm ban hành thể chế cho thử nghiệm Fintech trong hoạt động ngân hàng.

Liên quan đến doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), những năm gần đây, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn ngoại với những ưu đãi, chính sách thuận lợi.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp FDI sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các ngân hàng nội địa rất hạn chế, chủ yếu là những sản phẩm lõi như thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ, tiền gửi…

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được, thậm chí có thể đáp ứng tương đương với những dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài.

Do vậy, cần yêu cầu khối doanh nghiệp FDI sử dụng các dịch vụ ngân hàng nội địa tương ứng với ưu đãi được hưởng.

Cho phép xác định hệ số rủi ro khoản cho vay không tài sản đảm bảo theo Nghị định 55/2015

Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank.

Cho phép các ngân hàng được xác định hệ số rủi ro 50% các khoản cho vay không có tài sản đảm bảo đối với hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Tại Agribank, dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn là 750.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm khoảng 200.000 tỷ đồng, chiếm 50% các khoản vay có hệ số rủi ro 100%, dẫn đến làm tăng tài sản có rủi ro, giảm hệ số an toàn vốn (CAR).

Cho phép Agribank được sử dụng một phần nguồn tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước để cân đối vào tiền gửi của Agribank phải duy trì tại Ngân hàng Chính sách xã hội (gần 23.000 tỷ đồng) và bổ sung nguồn vốn này để cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn, các lĩnh vực ưu tiên.

Về cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014, hiện Agribank có dư nợ 5.300 tỷ đồng, nhưng do có nhiều tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu không hợp tác tốt với ngân hàng… dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao (16%).

Do vậy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Ban Chỉ đạo 67 và các cấp chính quyền địa phương.

Thực hiện Quyết định 58 và Quyết định 26 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Agribank đã cơ bản hoàn thành các công việc chuẩn bị cổ phần hoá, chỉ còn lại duy nhất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất tại TP.HCM đang chờ Bộ Tài chính phê duyệt.

Nghị định 126 của Chính phủ đã quy định rất chi tiết, cụ thể quy trình thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, Agribank nhận thấy còn một số bất cập như về kiểm kê, đối chiếu các khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân, bàn giao các khoản nợ đã xử lý rủi ro cho DATC…

Về vấn đề này, Agribank đã có báo cáo cụ thể, kính đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét sửa đổi để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá.

Chủ động triển khai chiến lược M&A để tăng quy mô, tăng chất lượng hoạt động

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, HDBank đã chủ động triển khai chiến lược M&A để tăng quy mô, chất lượng hoạt động, giảm các định chế nhỏ, yếu.

Khi HDBank mua lại Société Générale (Pháp), công ty tài chính tiêu dùng này trong tình trạng lỗ lũy kế kéo dài, tổng tài sản chưa tới 1.000 tỷ đồng.

Về với HDBank, tổng tài sản nay đã nâng lên 12.000 tỷ đồng, tạo ra gần 9.000 việc làm với 14.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên 62 tỉnh/thành phố, góp phần mang đồng vốn lành mạnh tới người dân vùng sâu, vùng xa, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Tương tự, trong năm đầu nhận sáp nhập Dai A Bank, nợ xấu tăng lên hơn 3%, nhưng rất nhanh được kéo giảm về trên dưới 1%.

Khu vực Dai A Bank cũ hiện nay luôn là đơn vị xuất sắc trong hệ thống. Cả 2 chương trình M&A đều đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho khách hàng, người lao động, nên nhận được sự đồng thuận cao và có kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của HDBank và cả ngành.

Chúng tôi mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động ngân hàng số và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng…

Tin bài liên quan