Khó khăn, ngân hàng tính giảm chỉ tiêu lợi nhuận

Khó khăn, ngân hàng tính giảm chỉ tiêu lợi nhuận

(ĐTCK) Nợ xấu có khả năng tăng khi doanh nghiệp, người dân kinh doanh khó khăn, đồng thời phải giảm lãi, phí để giữ chân khách hàng trong lúc nhu cầu sử dụng vốn thấp… Các ngân hàng đang đứng trước một năm 2020 nhiều khó khăn.

Tín dụng quý I/2019 vừa được báo cáo chỉ tăng 0,68%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%. Trong khi đó, tính đến 20/3/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm trước tăng 2,54%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%); tín dụng của nền kinh tế tăng 0,68% (cùng kỳ năm trước tăng 1,9%), cho thấy các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, trong đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 3,5%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, những động thái này không có nhiều tác động ở thời điểm hiện tại. Bởi tái cấp vốn và tái chiết khấu không phải là nghiệp vụ được sử dụng thường xuyên, chỉ diễn ra khi một số ngân hàng gặp khó khăn lớn về thanh khoản, buộc phải vay vốn từ NHNN khi không vay được thông qua kênh liên ngân hàng.

Hiện tại, thanh khoản hệ thống đang dồi dào. Việc hạ trần lãi suất huy động của các kỳ hạn dưới 6 tháng có tác động trực tiếp với các ngân hàng thương mại, song không nhiều, do lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung - cầu của thị trường, đặc biệt mức giảm đối với trần lãi suất huy động lần này chỉ ở mức 0,25%/năm.

Trước dịch Covid-19, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp trong năm nay được giới phân tích tài chính nhận định sẽ không tăng mạnh như những năm trước và tình trạng này càng tăng khi dịch bệnh kéo dài.

Như vậy, lợi nhuận từ tăng trưởng tín dụng sẽ giảm. Ðồng thời, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng, dẫn đến việc phải tăng trích lập dự phòng, từ đó kéo giảm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về giãn nợ, giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ làm giảm một phần lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, hoạt động dịch vụ của ngành ngân hàng năm nay cũng có thể sụt giảm.

Các ngân hàng đang phải giảm phí, thậm chí miễn hoàn toàn phí chuyển tiền để giữ chân khách hàng. Dù hoạt động giao dịch trực tuyến có thể khởi sắc, song mức phí thu từ dịch vụ này thấp nên lợi nhuận không đáng kể.

Ðồng thời, dịch vụ bảo hiểm vốn chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng những năm gần đây cũng dự báo có thể sẽ giảm, bởi lẽ, bảo hiểm là một trong những chi phí cần cắt giảm đầu tiên khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Trong năm qua, nhiều ngân hàng lãi ngàn tỷ nhờ bán bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này luôn tính bằng lần.

Cụ thể, năm 2019, chi phí hoa hồng bảo hiểm của VIB tăng gấp 4,6 lần, đạt trên 1.100 tỷ đồng (chiếm gần 50% doanh thu dịch vụ). Hiện các nhà băng chiếm thị phần lớn nhất về bảo hiểm là VIB, MB, Techcombank, VPBank, SCB, ACB, Sacombank…, song năm 2020 tình thế đã thay đổi.

Ông Ðào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho rằng, mức độ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế có tính chất dây chuyền. Nhiều lĩnh vực bị siết lại hoạt động như hàng không, giao thông vận tải…, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông Tú, cần từng bước xác định rõ cách thức và mức độ hỗ trợ của Nhà nước đối với nền kinh tế, cũng như hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp, người dân để bảo đảm mục tiêu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ðiều này cũng chính là giải quyết khó khăn cho ngành ngân hàng.

Mặc dù vẫn còn 3 quý kinh doanh năm 2020, song đến lúc này các nhà băng đã nhìn thấy khó khăn phía trước và cân nhắc mục tiêu lợi nhuận.

Nam A Bank đã đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 ở mức 800 tỷ đồng, thấp hơn 100 tỷ đồng so với lợi nhuận 2019.

Ngay cả ông lớn như BIDV cũng cho biết, trước tình hình khó khăn hiện nay, có khả năng sẽ điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận so với mức 12.600 tỷ đồng đặt ra ban đầu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng, lãi suất huy động đã giảm do tác động từ chính sách giảm lãi suất điều hành của NHNN, nhưng mức giảm không nhiều bởi vẫn cần giữ ở mức đủ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn.

Ông Lực cho biết, các nhà băng cũng đang giảm dần lãi suất cho vay, nhưng mức giảm tùy thuộc vào đối tượng cho vay và thực hiện theo chủ trương hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vượt khó.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có thể sẽ tăng, nỗ lực tái cơ cấu hoạt động ngân hàng nhiều khả năng sẽ chậm lại.

“Ðã có chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng thông qua việc giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, mỗi chính sách đó là chưa đủ. Cũng là một doanh nghiệp, các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn nên cần có thêm nhiều giải pháp như giãn, giảm thuế... để bớt chật vật trong năm nay và những năm sau”, ông Lực cho biết.

Tin bài liên quan