Ảnh Internet

Ảnh Internet

Khi người chăn trâu xem smartphone, ngân hàng phải thay đổi

(ĐTCK) Những con số được đưa ra tại “Diễn đàn ngân hàng bán lẻ năm 2019” cuối tuần qua tại TP.HCM cho thấy, ngành ngân hàng đang chuyển đổi số khá nhanh theo xu thế của xã hội. 

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, theo NHNN, đến hết tháng 9/2019, Việt Nam có 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn các đơn vị này cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử (các Fintech).

Bên cạnh các công ty Fintech, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới, cụ thể có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.

Ngoài ra, có 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động và khả năng tăng mạnh tới đây. 

Ông Phan Ðình Ðiền, Giám đốc Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cho biết, hiện có 58 triệu người dùng trên thiết bị mạng di động, tăng 8 triệu người so với năm trước. Làn sóng công nghệ không chỉ phát triển mạnh mẽ tại các thành phố, thành thị mà còn lan rộng ra cả vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Nếu như ngày xưa, các cậu bé chăn trâu ngồi trên lưng trâu thổi sáo, nhưng hiện người chăn trâu ngồi trên lưng trâu xem điện thoại”, ông Ðiền nói.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có khoảng 25% người dân ở khu vực nông thôn có tài khoản ngân hàng. Thị trường nông thôn đầy tiềm năng với khoảng 30 triệu người ở khu vực này.

Với Agribank tuy có thể mạnh ở khu vực nông thôn về cung ứng dịch vụ ngân hàng, song hiện cũng phải cạnh tranh rất lớn khi số hóa ngày càng lan rộng và tăng nhanh. Khách hàng sử dụng thiết bị di động để giao dịch với dịch vụ ngân hàng. Agribank cũng đã có những sản phẩm cụ thể để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, để thu hút được khách hàng ngân hàng phải luôn đầu tư.

Còn theo ông Lê Quang Huy, Giám đốc Khối thẻ và Ngân hàng số SCB, việc thanh toán dùng tiền mặt là hành vi và thói quen của người dân Việt Nam, nhưng đang có tín hiệu đáng mừng khi dần thay đổi với làn sóng số hóa.

Vấn đề ở chỗ, hiện 99% người dân Việt Nam dùng thiết bị di động, trong đó có 50% sử dụng mobile banking, tuy nhiên thanh toán trên di động chỉ mới có 39%. Ðiều này đang hy vọng được thay đổi khi tăng trưởng về thanh toán online để mua hàng qua mạng rất lớn.

Sẽ có rất nhiều phương thức thanh toán mới

Phân tích về các phương thức thanh toán, ông Lê Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, xu hướng thanh toán không tiếp xúc đang ngày càng tăng trưởng, nhất là với mã QR code.

Tuy nhiên, QR code trên thị trường hiện nay chủ yếu phát triển QR tĩnh nhiều hơn, mà theo ông Tâm cần phát triển QR động.

“Nếu sử dụng QR động, khách hàng sẽ dễ dàng trong thanh toán và nhận được nhiều ưu đãi. Từ thanh toán tại bàn ăn đến rút tiền mặt tại ATM, chuyển tiền giữa cá nhân. QR code phù hợp các loại hình giao dịch trực tuyến, dễ triển khai tại các cửa hàng, nhà hàng, tạp hóa, phù hợp triển khai tại các cửa hàng lớn, siêu thị, khách sạn, xe buýt... vận tải công cộng như sân bay và các điểm thanh toán tự động…”, ông Tâm nói và cho biết, các phương thức thanh toán trên sẽ còn được bổ sung, chẳng hạn như dùng đến sinh trắc học trong giao dịch thanh toán.

Chung nhận định này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, công nghệ hiện tại đã cho phép việc xác thực khách hàng bằng giọng nói, các cuộc gọi đến hotline sẽ dễ dàng phát hiện các trường hợp mạo danh, ghi âm sẵn hay anh chị em sinh đôi…

“Khi khách hàng nộp tiền và thực hiện một số giao dịch bằng vân tay. So sánh khuôn mặt khách hàng trên chứng minh nhân dân với khuôn mặt đăng ký; đối chiếu khuôn mặt khách hàng với cơ sở dữ liệu của ngân hàng nhằm phát hiện kẻ gian. Hàng tháng, giao dịch vân tay tương đương 15% giao dịch thẻ và có xu hướng gia tăng”, ông Hưng nói và cho rằng, việc kết hợp các giải pháp nhận dạng sinh trắc học và xây dựng digital identity hoàn chỉnh cho khách hàng sẽ giúp ngân hàng xác thực khách hàng một cách nhanh chóng hơn, sẵn sàng 24/7. Ðồng thời, qua đó giảm thiểu tối đa rủi ro sai sót con người gian lận; phòng tránh nguy cơ khách hàng bị nghe lén đánh cắp thông tin.

Tin bài liên quan