UOB Việt Nam triển khai nhiều sản phẩm và dịch vụ đáp ứng sự tiện lợi và nhanh chóng của công nghệ số.

UOB Việt Nam triển khai nhiều sản phẩm và dịch vụ đáp ứng sự tiện lợi và nhanh chóng của công nghệ số.

Khi ngân hàng chuyển đổi…

(ĐTCK) Cuộc sống bận rộn khiến bạn phải tận dụng tối đa thời gian. Các vật dụng đời mới không chỉ thể hiện phong cách sống hiện đại, giúp bạn có thời gian giải trí, mà còn hữu ích cho công việc và gia đình…

Chuyển đổi số, câu chuyện nhìn từ Singapore

Lộ trình chuyển đổi công nghệ tại Singapore được đề cập lần đầu trong buổi họp phân bổ ngân sách quốc đảo này vào năm 2017 với 4,5 tỷ USD tiền vốn sẵn sàng cho hơn 23 ngành nghề (trong đó có ngành ngân hàng) đang chiếm gần 80% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã cho biết, số hóa không phải là mới đối với ngành ngân hàng của Singapore và lưu ý rằng, các ngân hàng đã được phép theo đuổi, phát triển các mô hình kinh doanh kỹ thuật số kể từ năm 2000.

Chẳng hạn, United Overseas Bank, DBS Group Holdings Ltd., và Overseas-Chinese Bank đều có chiến lược kỹ thuật số.

Thậm chí, 3 ngân hàng lớn nhất là DBS, OCBC và UOB đã có bước đi xa hơn khi bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), robot và dữ liệu lớn (Big Data) vào quá trình thu thập, phân tích, dự báo thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh, cũng như phân tích dữ liệu khách hàng nhằm hỗ trợ việc đánh giá, phân loại khách hàng và ra quyết định giải ngân, cho vay rút ngắn thời gian từ nhiều ngày xuống trong ngày.

Theo kế hoạch, giữa năm 2020, MAS sẽ cấp giấy phép cho 5 đơn vị thành lập ngân hàng số. Trong đó, 2 giấy phép được cấp cho ngân hàng số toàn diện và 3 giấy phép cho ngân hàng chỉ bán buôn, phục vụ đối tượng khách doanh nghiệp.

Tiếp cận vốn chỉ bằng một cú nhấp chuột: Tại sao không?

Bước vào thị trường Việt Nam, UOB đã triển khai nhiều sản phẩm và dịch vụ áp dụng sự tiện lợi và nhanh chóng của công nghệ số. Nổi bật nhất trong các sản phẩm ứng dụng công nghệ số của UOB Việt Nam là chương trình vay tín chấp UOB BizMerchant dành cho nhà bán hàng thương mại điện tử.

Đây là chương trình đầu tiên ở Việt Nam cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử và không yêu cầu hồ sơ chứng minh tài chính.

Sau khi nhận được yêu cầu vay, UOB Việt Nam sẽ tiến hành phê duyệt khoản vay dựa vào doanh thu bán hàng thực tế của nhà bán hàng trên các kênh thương mại điện tử có hợp tác với Ngân hàng.

Nguồn dữ liệu được trích xuất từ các kênh thương mại điện tử này giúp Ngân hàng xác minh được một cách minh bạch nhất hiệu quả kinh doanh của nhà bán hàng.

Kết hợp số liệu này với các nguồn thông tin hiện có, UOB Việt Nam có khả năng xác định mức độ tin cậy của nhà bán hàng chính xác hơn, và mở rộng cơ sở tín dụng một cách chắc chắn hơn. Nhà bán hàng sẽ nhận được kết quả phê duyệt khoản vay theo nguyên tắc trong vòng 24 giờ.

Ông Fred Lim, Giám đốc Ngân hàng Bán lẻ, UOB Việt Nam cho biết: “Trong thương mại điện tử, mọi thứ chuyển động nhanh hơn so với mô hình truyền thống. Người bán hàng online cần tiếp cận vốn trong thời gian ngắn hơn để ngay lập tức nắm bắt xu hướng thị trường cũng như cơ hội kinh doanh. Ứng dụng UOB BizMerchant của chúng tôi thể hiện sự cam kết của UOB Việt Nam trong việc giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nắm bắt cơ hội phát triển kinh doanh. Bằng cách phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quá trình duyệt hồ sơ, chúng tôi có thể giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng nhanh hơn, thuận tiện hơn”.

UOB Việt Nam nhận lợi thế từ ngân hàng mẹ, còn các ngân hàng Việt Nam đã làm gì? TPBank có thể là một câu chuyện đáng nói về việc chuyển đổi số.

Với mục tiêu cung cấp nhiều sản phẩm mang tính ứng dụng công nghệ cao, hướng đến trải nghiệm khách hàng, TPBank đã cho ra mắt sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn kinh doanh.

Thông thường, để khoản vay được giải ngân thành công thì khâu chuẩn bị hồ sơ của doanh nghiệp là rất quan trọng. Quá trình này thường mất rất nhiều thời gian và khách hàng phải đi lại nhiều lần để cập nhật và bổ sung hồ sơ.

Sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” được xây dựng để hoàn thiện nền tảng cho vay dành cho khách hàng SMEs, giúp doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn từ hệ thống báo cáo trên phần mềm kế toán MISA và kết nối đến ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ.

Theo đó, khách hàng chỉ cần một click chuột theo hướng dẫn hiển thị trên phần mềm MISA, kê khai và gửi thông tin của doanh nghiệp thông qua nền tảng instant.vn.

TPBank nhận, thẩm định và gửi quyết định cấp vốn cho doanh nghiệp. Toàn bộ quá trình này chỉ mất tối đa 10 phút trong khi bình thường, doanh nghiệp có thể mất từ 1 tuần đến 1 tháng cho việc này.

Hồ sơ tài chính của doanh nghiệp sẽ được trích xuất trực tiếp từ phần mềm kế toán MISA.SMEs dưới sự đồng ý của khách hàng. Dựa trên các thông tin đó, TPBank thẩm định và gửi lại kết quả chủ trương về việc cấp vốn cho doanh nghiệp sau vài giờ làm việc.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Sản phẩm này là sự tích hợp của nhiều tiện ích, hướng tới nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tiết kiệm thời gian và nguồn nhân lực. Với lãi suất cạnh tranh so với thị trường, hạn mức cho vay lớn nhất của sản phẩm này lên tới 4 tỷ đồng. Đặc biệt, dựa trên hồ sơ cấp hạn mức, khách hàng đăng ký vay theo gói này cũng có thể đăng ký mở bảo lãnh L/C”.

Có thể thấy, làn sóng công nghệ từ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) mang đến những cơ hội lớn cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong quá trình phát triển trên nhiều khía cạnh như: Gia tăng việc tiếp cận thị trường quốc tế cho các ngân hàng trong nước; Tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại; Nâng cấp sản phẩm dịch vụ ngân hàng theo hướng hiện đại, hiệu quả hơn để gia tăng lợi nhuận…

Cụ thể hơn, các công nghệ số, công nghệ mới gắn với CMCN 4.0 không chỉ giúp chuyển dịch kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa, giúp tương tác khách hàng nhiều và hiệu quả hơn, mà còn có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa, giúp các ngân hàng từng bước trở thành ngân hàng số, cung cấp tiện ích, trải nghiệm mới mẻ và đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng…

Chuyển đổi số, bước đi sống còn…

Từ năm 2017, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo, sự dịch chuyển nhu cầu thanh toán của khách hàng từ kênh truyền thống sang kênh điện tử đã vượt ngưỡng 50% trên toàn cầu, trong đó kênh thanh toán điện tử đã trở thành kênh chủ đạo tại các nước phát triển với tỷ lệ trên 86% khách hàng trưởng thành có tài khoản sử dụng.

Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61%, từ mức 37% của năm 2018.

Còn báo cáo thị trường quảng cáo số tại Việt Nam năm 2019 do Công ty Adsota cung cấp cho biết, đến năm 2019, số người dùng Internet đã đạt đến con số 68 triệu, chiếm 70% dân số.

Điều này đã tạo những nền tảng vững chắc giúp thanh toán điện tử có cơ hội tiếp tục bùng nổ và phát triển.

Thực tế, công nghệ di động đã làm chuyển dịch nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng sang các kênh giao dịch trực tuyến và điện thoại di động, thay vì phải tới các chi nhánh của ngân hàng để thực hiện hàng loạt các thủ tục.

Đáp ứng xu hướng chung của khách hàng là chuyển dần từ các kênh truyền thống sang sử dụng dịch vụ trên các kênh điện tử, trực tuyến.

Một minh chứng của câu chuyện này nhìn từ Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, số lượng nhân sự của ngân hàng mẹ đã giảm hơn 2.000 người trong năm 2019, trong đó có cả những nhân sự ở vị trí cấp cao.

Được biết, Ngân hàng có thể mạnh tay cắt giảm chi phí nằm ở các cải tiến công nghệ. Thông qua hoạt động số hóa, tỷ lệ giao dịch và sử dụng dịch vụ trực tuyến qua Internet banking và VPBank Online có sự bứt phá mạnh mẽ.

Tính đến cuối năm 2019, kênh ngân hàng trực tuyến của VPBank ghi nhận trung bình 4,2 triệu lượt đăng nhập mỗi ngày, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2018.

Số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử đã chiếm 63% tổng số giao dịch toàn ngân hàng và lượng giao dịch được thực hiện tại các máy giao dịch tự động như ATM chiếm khoảng 33%.

Như vậy, hiện có khoảng 96% lượng giao dịch được thực hiện qua các ứng dụng ngân hàng điện tử và hệ thống ngân hàng tự động.

Chỉ còn khoảng 4% lượng giao dịch tại VPBank là trực tiếp ở các quầy giao dịch và tỷ lệ này sẽ giảm khi VPBank liên tục cải thiện độ ổn định của hệ thống ngân hàng điện tử...

Điểm đáng chú ý, dù giảm mạnh chi phí, doanh thu của VPBank vẫn tăng rất mạnh với tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng mẹ, tính trên hoạt động kinh doanh cốt lõi, trong năm 2019 đạt 17.529 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Rõ ràng, trong kỷ nguyên số, việc các ngân hàng mở rộng mạng lưới chi nhánh có lẽ sẽ không còn nhiều ý nghĩa cạnh tranh nữa.

Thay vào đó, các ngân hàng sẽ giành được nhiều lợi thế phát triển và mở rộng tập khách hàng nếu chú trọng đầu tư đúng hướng vào công nghệ.

Ngày nay, trong không gian kỹ thuật số, một ngân hàng có thể cung cấp những tiện ích ngân hàng cơ bản cho khách hàng tại mọi thời điểm trong ngày thông qua website hoặc/và ứng dụng trên điện thoại di động. 

Tin bài liên quan