Với ngân hàng, một hành trình chuyển đổi số toàn diện phải luôn đặt khách hàng làm trọng tâm.

Với ngân hàng, một hành trình chuyển đổi số toàn diện phải luôn đặt khách hàng làm trọng tâm.

Hành trình chuyển đối số của ngân hàng: Cần đặt khách hàng làm trọng tâm

(ĐTCK) Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường tài chính - ngân hàng hiện nay, ngân hàng số là chủ đề được các ngân hàng, tổ chức tài chính và bảo hiểm trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất quan tâm. Theo giới chuyên gia, một hành trình chuyển đổi số toàn diện phải luôn xác định khách hàng là trọng tâm. 

Số hóa tài chính lan tỏa

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra số liệu khảo sát mới nhất của hãng kiểm toán EY: Có 64% khách hàng trên thế giới đã tiếp cận với các công ty tài chính công nghệ (Fintech).

Đó là triển vọng và tiềm năng của ngành ngân hàng. Xu hướng này cũng đang diễn ra tại Việt Nam.

Cũng theo khảo sát của EY, 50% ngân hàng trên thế giới đã hợp tác với Fintech, với động cơ hợp tác là môi trường pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, tăng tính chuyên môn hóa (quản lý tuân thủ), giảm chi phí tuân thủ, công nghệ cho phép đổi mới sáng tạo...

Theo TS Lực, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế: Mô hình ngân hàng mở để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Vị chuyên gia này đưa ra 4 kịch bản là truyền thống, chuyển đổi số, xuất khẩu số, tiêu dùng số và cho biết, Việt Nam đang chọn chuyển đổi số.

Riêng lĩnh vực ngân hàng, quy trình số hóa được dẫn dắt bởi hoạt động kinh doanh, thiết lập mảng kinh doanh mới và hợp tác với các Fintech...

Trong bối cảnh thế giới số ngày một phát triển cùng với những tiện ích mang lại, nhiều ngân hàng bắt đầu chuyển dịch mô hình hoạt động để giúp khách hàng có được những trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo.

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ giao dịch trực tuyến, các ứng dụng ngân hàng số, công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ góp phần đa dạng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ, đồng thời mang đến nhiều gói tiện ích toàn diện cho người dùng.

Chia sẻ về trải nghiệm của mình, anh Hoàng Hải - một cán bộ nhà nước cho hay, từ khi được bạn bè đồng nghiệp “phổ cập” việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, anh thấy tiện hơn rất nhiều khi giao dịch và quản lý chi tiêu.

“Đặc biệt, ứng dụng Mobile Banking phiên bản mới của nhiều ngân hàng hiện nay có nhiều tính năng hữu ích như tư vấn gửi tiết kiệm, nhận thông tin khuyến mãi của ngân hàng hay chuyển tiền qua số điện thoại… Ngoài ra, các thao tác thực hiện đơn giản, phù hợp với những người không am hiểu nhiều về công nghệ”, anh Hải nói.

Cuộc đua không có điểm dừng

Từ thực tế trên cho thấy, trong thời đại công nghệ số ngày càng lan tỏa hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại kết nối Internet, chúng ta có thể kiểm soát các giao dịch tài chính, cũng như quản lý dòng tiền của mình một cách nhanh chóng, đơn giản và hoàn toàn bảo mật.

Việc áp dụng công nghệ số hóa vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng là bước đột phá đặc biệt, giúp người dùng có thể trải nghiệm các dịch vụ tài chính một cách tiện lợi nhất có thể. Đó là lý do để các nhà băng chạy đua đầu tư công nghệ.

Chẳng hạn, BIDV vừa ra mắt Trung tâm Ngân hàng số, đánh dấu bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển và tầm nhìn đến 2030, trong đó công nghệ và ngân hàng số là 1 trong 3 trụ cột chính.

Trung tâm Ngân hàng số BIDV ra đời với mục tiêu trở thành Trung tâm sáng tạo của BIDV, là nơi sản sinh các sản phẩm tiên tiến, hiện đại, hướng tới khách hàng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ.

Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú nhìn nhận, chuyển đổi số không còn là một khái niệm, mà là hành động cụ thể, quyết định sự sống còn, tồn vong của bất kỳ tổ chức kinh tế nào, trong đó có các ngân hàng.

“BIDV xác định mục tiêu hiệu quả là đầu tiên, lấy công nghệ hiện đại để đột phá, khách hàng là trung tâm và nguồn nhân lực là cốt lõi. Cũng trong dịp này, BIDV và hãng kiểm toán EY chính thức ký kết hợp đồng tư vấn xây dựng chiến lược triển khai số hóa BIDV giai đoạn 2019 -2025, tầm nhìn 2030”, ông Tú chia sẻ thêm.

Tại Nam A Bank, ngân hàng này đã đưa công nghệ robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào giao dịch. Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, việc “cài” AI vào các “gương mặt đại diện” cho ngân hàng có thể trở thành cuộc cách mạng mới trong xu hướng tiêu dùng sản phẩm tài chính.

Theo ông Tâm, quyết định đầu tư vào công nghệ của các ông chủ nhà băng ngày nay đang dần hình thành diện mạo ngân hàng trong tương lai.

Có thể thấy, trong thời gian gần đây, công nghệ AI đi cùng sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big Data) đang được khai thác nhiều nhờ khả năng phân tích dữ liệu về thông tin và hành vi người dùng.

Theo Business Insider, các ứng dụng AI có thể giúp ngân hàng trên toàn cầu tiết kiệm được 447 tỷ USD.

Nếu đưa AI vào các hoạt động ở khối văn phòng và khối kinh doanh, có thể tiết kiệm được thêm 420 tỷ USD.

Phát triển hệ sinh thái dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số được dự đoán là một trong những xu thế đột phá mạnh mẽ trong tương lai.

Với sự đầu tư lớn cho hạ tầng công nghệ, các ngân hàng Việt được cho là sẽ còn cho ra mắt nhiều giải pháp ngân hàng số, trải nghiệm mới mẻ và tiện ích vượt trội hơn thời gian tới.

Một chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra nhận định, với sự quan tâm của Chính phủ đối với cách mạng công nghiệp 4.0 bằng việc áp dụng thành quả công nghệ số, Big Data, Blockchain (công nghệ chuỗi khối)… để đổi mới bộ mặt kinh tế, Việt Nam sẽ có sự chuyển mình và chuyển đổi số ngân hàng là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn ghi nhận thành công trong tương lai.

Tin bài liên quan