Hạn chế room ngoại trong trung gian thanh toán: Ví tiền phải trong túi áo vest

Hạn chế room ngoại trong trung gian thanh toán: Ví tiền phải trong túi áo vest

(ĐTCK) Trước đây, ngân hàng đóng vai trò đơn vị thanh toán cho nền kinh tế, nhưng giờ đây đang được thay thế một phần bởi Fintech. Tự chủ thanh toán là điều cần phải giữ!

Tại Dự thảo Nghị định quy định thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế cho Nghị định 101/2012/NÐ-CP của Chính phủ đang được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến đóng góp, cơ quan này đề xuất tỷ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là 49%.

Ðiểm cần chú ý ở đây, các Fintech là các công ty công nghệ tài chính có khái niệm rộng hơn, sự hạn chế nằm ở các Fintech thực hiện chức năng trung gian thanh toán.

49% đã khá thoáng!

Theo nhà điều hành, quy định này nhằm tạo thuận lợi cho các công ty Fintech thu hút vốn đầu tư, nhưng vẫn tránh được sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động, chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Bên cạnh đó, đây là loại hình hoạt động mới, dự báo thị trường đầy tiềm năng, việc tạo môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp trong nước là thực sự cần thiết.

Cơ quan quản lý chuyên ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội, tính chủ động trong hoạt động kinh doanh của mình.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đề xuất trên dựa vào kinh nghiệm của Indonesia, nước này giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 20% trong lĩnh vực thanh toán đối với các tổ chức chủ trì vận hành hệ thống, vận hành bù trừ, chuyển mạch, quyết toán cuối cùng.

So với dự thảo trước, room ngoại đã được nới hơn (trước đó là 30%), nhưng xung quanh quy định này hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến trái chiều.

Tổng giám đốc một tổ chức trung gian thanh toán cho rằng, lĩnh vực thanh toán đòi hỏi đầu tư và đổi mới về công nghệ liên tục, do đó, công ty thanh toán trung gian luôn cần thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thực tế cho thấy, hàng loạt ví điện tử đã bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ngay khi được đối tác ngoại có tiềm lực “ngỏ lời”.

Mới đây, MoMo nhận được khoản đầu tư từ Warburg Pincus, song cam kết của hai bên là không tiết lộ giá trị đầu tư.

Trước Warburg Pincus, MoMo thu hút được nguồn vốn hơn 28 triệu USD từ Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE).

Payoo đã có cổ đông nước ngoài Nhật Bản tham gia và không ngừng mở rộng chiến lược tăng trưởng.

Ðáng chú ý hơn, một số ví điện tử như 1Pay đã bán 90% cổ phần cho TrueMoney - một doanh nghiệp Thái Lan có cổ đông lớn là Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc); VNPT Epay bán 65% vốn cho hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service (64,99%) và UTC Investment Co., Ltd (0,83%).

Hay MOL Accessportal mua 50% vốn của Ngân Lượng. Một nhóm nhà đầu tư ngoại khác cũng mua 25% cổ phần của Bảo Kim.

Với nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ từ Warburg Pincus, MoMo cho biết, sẽ tiếp tục củng cố nguồn lực, tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng mạng lưới khách hàng và đối tác, tăng điểm chấp nhận thanh toán và đầu tư vào nguồn nhân lực để tạo ra được hệ sinh thái đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dùng.

MoMo hiện đang hợp tác với hơn 10.000 đối tác trong nhiều lĩnh lực khác nhau như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán dịch vụ tiện ích, giải trí…

Vì thế, chiến lược phát triển của tổ chức thanh toán trung gian này và các Fintech khác nói chung là tiếp tục thu hút vốn đầu tư.

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, lĩnh vực thanh toán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp tới hoạt động tài chính - ngân hàng, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, do đó, để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, khả năng không loại trừ trung gian thanh toán.

Hiện các ngân hàng đã bắt tay với trung gian thanh toán trong nước, thiết lập liên minh để làm đối trọng với nước ngoài, nếu không muốn thị trường Việt Nam giống như Trung Quốc, nơi mà thị phần thanh toán của nhiều ngân hàng đã bị các ví điện tử như Alipay, WeChat Pay nuốt trọn.

Tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech”, diễn ra trung tuần tháng 8/2019 tại Hà Nội, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh một ý: Không nên đánh đồng trung gian thanh toán với Fintech bởi trung gian thanh toán chỉ là một trong hàng chục lĩnh vực Fintech.

Theo ông Sơn, liên quan tới vấn đề này, Dự thảo Nghị định cũng đã lường trước và quy định: “Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động đa ngành, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại tổ chức cung ứng này không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề hoạt động của tổ chức này có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác”.  

Fintech, thị trường rất tiềm năng

Trong khi đó, giới phân tích tài chính lại cho rằng, sự phát triển của các ví điện tử là xu hướng tất yếu và đang hỗ trợ rất tốt cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh, vốn đang ở giai đoạn đầu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, với tiềm lực vốn nhỏ bé và công nghệ sơ khai của các ví điện tử hiện nay, rất cần mở cửa để hút vốn và công nghệ nước ngoài vào phát triển thị trường này.

Ðánh giá được đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước tổ chức tháng 11/2019, lĩnh vực Fintech đã có sự phát triển rất mạnh mẽ, với số lượng công ty hoạt động trong lĩnh vực này tăng từ 40 lên 150 trong vòng 4 năm qua.

Riêng các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, có 32 đơn vị, trong đó TP.HCM có 10 đơn vị. Hoạt động của các đơn vị này phát triển rất mạnh, với sự hợp tác, nối kết thanh toán rộng khắp.

Ðơn cử, CTCP Dịch vụ di động trực tuyến (MoMo) ký kết hợp tác với 16 ngân hàng, 474 đơn vị chấp nhận thanh toán; CTCP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt ký kết hợp tác với 14 ngân hàng, 211 đơn vị chấp nhận thanh toán…

Hoạt động của các tổ chức trung gian thanh toán này đã góp phần thay đổi mạnh mẽ trong ý thức và hành vi tiêu dùng của đại bộ phận người dân.

Theo thống kê Ngân hàng Nhà nước, số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. 32 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn các đơn vị này đang cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ chi hộ, chuyển tiền điện tử.

Bên cạnh các công ty Fintech, các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới, cụ thể có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code.

Ngoài ra, có 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động.

Ông Nguyễn Văn Nguyện, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, xu hướng phát triển hợp tác và cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán của các ngân hàng ngày càng trở nên mạnh mẽ và gay gắt hơn, đòi hỏi các ngân hàng phải có sự nhận thức sâu sắc về vấn đề này, nếu không muốn bị tụt hậu và mất thị phần, mất khách hàng trong tay các đối thủ cũng là các đối tác như các công ty Fintech, các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch CTCP Công nghệ và dịch vụ Moca cũng đưa ra nhận định, thị trường công nghệ tài chính nói chung vẫn còn những lĩnh vực tiềm năng chưa được khai phá như cho vay, không chỉ là cho vay ngang hàng.

Nhu cầu vốn vay của khách hàng rất lớn, nhất là với những khách hàng không tiếp cận được khoản vay ngân hàng.

Trong đó, phải kể đến là những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đối với Fintech là khung pháp lý chưa được hoàn thiện và rào cản tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân Việt Nam chưa thực sự giảm thiểu.

Room ngoại đối với Fintech đã được nới lên 49%, cao hơn so với mức 30% như ý tưởng ban đầu.

Thế nhưng, liệu nó đã đủ để thỏa mãn các nhà đầu tư nước ngoài? Tất nhiên, với nhà đầu tư ngoại khi xác định đây là “mảnh đất màu mỡ” thì việc hạn chế đầu tư luôn là điều không mong muốn.

Theo ông Seck Yee Chung - Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham), “Việc áp dụng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán và Fintech đang tăng trưởng nhanh sẽ hạn chế đáng kể các công ty khởi nghiệp Fintech Việt Nam trong việc huy động vốn từ các tổ chức đầu tư nước ngoài, từ đó, hạn chế khả năng thu hút nhân tài và khiến họ kém cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp khác trong khu vực".

Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, không phải lĩnh vực nào hạn chế vốn ngoại cũng phát triển kém.

Ngành ngân hàng hay viễn thông Việt Nam là ví dụ cụ thể, và trung gian thanh toán, nơi dự báo sẽ dần thay thế ngân hàng thực hiện chức năng “chuyển tiền” cần thiết phải do các doanh nghiệp Việt làm chủ.

Ví tiền cần phải nằm ở túi áo vest của mình, chứ không phải áo của người khác.

Tin bài liên quan