Dự báo sớm kết quả kinh doanh 2019 các ngân hàng

Dự báo sớm kết quả kinh doanh 2019 các ngân hàng

(ĐTCK) Quý IV là mùa kinh doanh cao điểm của ngành ngân hàng, dự báo lợi nhuận quý này sẽ giúp nhiều nhà băng đạt và vượt kế hoạch năm 2019, trong khi 9 tháng đầu năm lãi cao. 

Năm 2019, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 19.500 tỷ đồng cho ngân hàng riêng lẻ và 20.000 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất.

Tính đến cuối tháng 9, Ngân hàng thực hiện được trên 85% chỉ tiêu khi đạt 17.500 tỷ đồng lợi nhuận. Ðây là một trong những ngân hàng được dự báo sẽ thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm, bởi hoạt động tín dụng thường tăng cao trong quý cuối năm, trong khi Vietcombank có nguồn thu từ dịch vụ đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận.

Lãnh đạo Vietcombank cho hay, Ngân hàng phấn đấu đạt 2 tỷ USD lợi nhuận vào năm 2025. Ðộng lực tăng trưởng chính là bán lẻ và ngân hàng số; trong đó, bán lẻ chiếm khoảng một nửa lợi nhuận, tức khoảng 1 tỷ USD. Còn về ngân hàng số, Vietcombank định hướng giữ vị trí số 1 trên thị trường tài chính.

Với Ngân hàng TMCP Phương Ðông (OCB), lợi nhuận trước thuế quý III/2019 đạt 825 tỷ đồng, tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2018; luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 1.942 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ.

So với mục tiêu đề ra cho cả năm 2019 là 3.200 tỷ đồng lợi nhuận, thì OCB mới thực hiện được khoảng 1/3.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB, riêng trong tháng 10/2019, Ngân hàng đã thu về thêm hơn 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Vì thế, ngân hàng này cũng có khả năng thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.

OCB hiện có mức tăng trưởng tín dụng 20%, ông Tùng cho biết, Ngân hàng nỗ lực thu hồi nợ để có thêm dư địa cho vay và đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ để quanh nhanh vòng vốn.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận 7.199 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 76% kế hoạch năm 2019.

Trong đó, tỷ trọng lợi nhuận FE Credit đóng góp cho ngân hàng mẹ VPBank là không nhỏ. Quý cuối năm là mùa kinh doanh của ngân hàng, nhất là hoạt động cho vay tiêu dùng của FE Credit. Do đó, VPBank tự tin sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng đã đề ra cho năm 2019.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đạt gần 8.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2019 so với kế hoạch cả năm là 11.750 tỷ đồng, nên việc hoàn thành kế hoạch cũng không khó.

Không chỉ với các nhà băng lớn, mà ngay cả những ngân hàng nhỏ như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)... cũng đang tiến dần đến đích lợi nhuận năm 2019, thậm chí có nhà băng đã sớm hoàn thành chỉ tiêu.

Chẳng hạn, Saigonbank đang trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu..., nhưng dự phòng giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm, nên nhà băng này đã thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 175 tỷ đồng cả năm.

Theo báo cáo tài chính, 9 tháng đầu năm 2019, Saigonbank đạt 221 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Nợ xấu nội bảng thời điểm cuối tháng 9 của Ngân hàng là 294 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo đó, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% xuống 2,03%. Ðiểm đáng lưu ý là trong cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn của Saigonbank chiếm 72% (211 tỷ đồng).

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, lợi nhuận ngành ngân hàng dần cải thiện trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, nhất là sau giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cơ cấu.

Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là mối lo đối với hoạt động ngân hàng. Bởi thực chất, các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sau 5 năm sẽ quay lại ngân hàng và buộc nhà băng dùng nguồn lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng.

Khi ngân hàng xử lý được các khoản nợ xấu này thì mới được hoàn nhập dự phòng và lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, áp dụng Basel II sẽ ảnh hưởng đến biên lãi ròng, tăng trưởng thu nhập lãi của các nhà băng. Mặt khác, tỷ trọng dư nợ bán lẻ liên tục tăng, trong đó hướng vào cho vay mua nhà vẫn đang chiếm ưu thế, dẫn đến rủi ro nếu ngành bất động sản rơi vào chu kỳ đi xuống. Ngoài ra, tài chính tiêu dùng đang có dấu hiệu bão hòa trong nhu cầu, trong khi cạnh tranh gia tăng do nhiều đối thủ mới gia nhập thị trường…

Tin bài liên quan