Doanh nghiệp vừa và nhỏ, những lưu ý khi nhận gói hỗ trợ từ ngân hàng

Doanh nghiệp vừa và nhỏ, những lưu ý khi nhận gói hỗ trợ từ ngân hàng

(ĐTCK) Thiếu hụt dòng tiền, dù là ngắn hạn, cũng có thể đẩy một doanh nghiệp vào tình trạng phá sản.

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank nhận định, đối với mỗi doanh nghiệp, điều cơ bản nhất để đi qua khó khăn đó chính là: Thứ nhất, đảm bảo được năng lực tài chính và dòng tiền thông suốt, đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu; thứ hai, bảo vệ được lực lượng lao động là những người sẽ cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tiếp tục sự phát triển.

Ðây chính là lý do mà các doanh nghiệp hiện tại đang rất quan tâm tới các gói hỗ trợ từ phía ngân hàng, không chỉ là giảm lãi hay cơ cấu lại các khoản vay cũ, mà còn với cả những khoản vay mới. Dù là ngắn hạn và giá trị không cao, nhưng có chính chất “duy trì huyết mạch” rất quan trọng khi khó khăn vẫn đang hiện hữu.

Theo ghi nhận trên thị trường, có những doanh nghiệp khá thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản hỗ trợ từ ngân hàng, nhưng không ít doanh nghiệp đã “kêu” vì sự phiền hà khi muốn được hỗ trợ.

Tuy nhiên, phản hồi từ phía ngân hàng cho biết, nhiều phản ánh khó khăn được ghi nhận, khi tìm hiểu lại là câu chuyện thủ tục, nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu điều kiện, nhưng vẫn “khăng khăng đòi hỗ trợ”.

Từ Gói hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội...

Với Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính được vay vốn tại tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với lãi suất 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Theo đó, NHCSXH vừa ban hành hướng dẫn cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với điều kiện xét duyệt cho vay, người sử dụng lao động có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020;

Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả cho người lao động ngừng việc. Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.

Khách hàng có tên trong danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Khách hàng có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động, có kế hoạch và cam kết trả nợ đầy đủ, đúng hạn.

Ðược biết, mức cho vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020).

Lãi suất cho vay: 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn: 12%/năm. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng không quá 12 tháng.  

Ðối với quy trình, thủ tục phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, NHCSXH cho biết, theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QÐ-TTg ngày 24/4/2020, chậm nhất ngày mùng 5 hàng tháng, người sử dụng lao động có nhu cầu gửi Hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi có trụ sở hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc nơi cư trú (đối với hộ kinh doanh, cá nhân).

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, UBND cấp huyện thẩm định, tổng hợp danh sách, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trong 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt Danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc, Danh sách người lao động bị ngừng việc, gửi chi nhánh NHCSXH cùng cấp và người sử dụng lao động trong danh sách. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.

Sau khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn, khách hàng lập hồ sơ vay vốn gửi đến NHCSXH.

Trong 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của NHCSXH và Quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, NHCSXH nơi cho vay phê duyệt cho vay. Trường hợp không đủ điều kiện cho vay, NHCSXH nơi cho vay thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối gửi khách hàng.

Số tiền khách hàng vay được NHCSXH nơi cho vay chi trả hàng tháng đến người lao động bị ngừng việc trên cơ sở danh sách người lao động bị ngừng việc được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt hàng tháng và theo đề nghị của khách hàng.

NHCSXH nơi cho vay chi trả đến người lao động bị ngừng việc bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của người lao động hoặc chi trả bằng tiền mặt tại trụ sở NHCSXH nơi cho vay. Việc giải ngân của NHCSXH được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020.

... Tới các gói vay thương mại

Quả thực, do yêu cầu về giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh đã phải tạm dừng; nhiều ngành nghề sản xuất - kinh doanh bị thu hẹp…, nhiều ngân hàng đã chủ động đưa cán bộ tín dụng xuống “nằm vùng” với doanh nghiệp để hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ðơn cử, VPBank đã khẩn trương triển khai chương trình “Học viện Tiểu thương” trên toàn quốc, gồm những khóa đào tạo online và nhân sự hỗ trợ trực tiếp tại địa điểm kinh doanh, nhằm giúp tiểu thương chuyển đổi mô hình bán hàng từ truyền thống sang online, qua đó có thể duy trì kinh doanh trong mùa dịch. Toàn bộ hỗ trợ cho tiểu thương là hoàn toàn miễn phí.

Ðại diện VPBank cho biết, khảo sát của Ngân hàng cho thấy, tuy 100% tiểu thương có điện thoại thông minh và 80% đã tham gia mạng xã hội, nhưng hầu hết chỉ để giao tiếp và giải trí, 70% hộ cá thể chưa hề kinh doanh trên mạng chủ yếu do quá quen với cách bán hàng truyền thống và lý do phổ biến hơn là còn e ngại vì chưa được hướng dẫn kinh doanh online.

“Ðiều này lý giải tại sao đa số tiểu thương rất chật vật trong thời gian cách ly xã hội diện rộng diễn ra. Thậm chí, nhiều hộ thua lỗ nặng và đứng trước khả năng đóng cửa. Vì vậy, chúng tôi đẩy nhanh việc triển khai chương trình 'Học viện Tiểu thương' để giúp bà con thêm 'cần câu' mới trong kỷ nguyên số”, đại diện VPBank nhấn mạnh.

Ðối với vấn đề bảo vệ năng lực tài chính doanh nghiệp, các ngân hàng vẫn đang thực hiện giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ…

“Tại VPBank đang triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp và chương trình này sẽ được thực hiện đến khi khách hàng không còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nghĩa là nếu dịch kéo dài đến thời điểm nào, Ngân hàng sẽ song hành với doanh nghiệp tới thời điểm đó.

Ðiều lưu ý quan trọng nhất của Ngân hàng đối với doanh nghiệp là chứng minh một cách minh bạch, rõ ràng về sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp”, lãnh đạo cao cấp VPBank chia sẻ.

Cùng chung quan điểm, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, cũng không ít doanh nghiệp không chịu ảnh hưởng thực sự từ đại dịch, nhưng vẫn muốn trục lợi từ chính sách. Ðiều này làm “khó” cho cả ngân hàng và những doanh nghiệp thực sự cần được hỗ trợ.

“Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp hãy thực sự minh bạch trong việc đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích: “Ðể áp dụng các chính sách hỗ trợ, các tổ chức tín dụng phải tính toán rất chi li về khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp yếu hoặc không chứng minh được khả năng trả nợ ngắn hạn thì chắc chắn không thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ của ngân hàng”.      

Tin bài liên quan