Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Doanh nghiệp Hải Phòng: Trong giai đoạn khó khăn nhất, doanh nghiệp đã nhận được sự chia sẻ của ngân hàng

(ĐTCK) Trên địa bàn TP. Hải Phòng, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.239 khách hàng với dư nợ 1.919 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 2.037 khách hàng với dư nợ 10.728 tỷ đồng, số tiền lãi được miễm, giảm là 12 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,2 - 2%); cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 10.566 tỷ đồng cho 1.997 khách hàng.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp TP. Hải Phòng diễn ra ngày 21/5, ông Trần Trọng Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thép Trang Khanh cho biết, ngay mới chớm dịch trong quý I/2020 doanh thu của Công ty đã sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Tương tự, ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vico (tiền thân là Công ty TNHH Sao Biển được thành lập năm 1994 chuyển sản xuất kinh doanh chất tẩy rửa và hóa mỹ phẩm) chia sẻ, ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh doanh quý I/2020 có sự sụt giảm tương đối lớn về doanh thu. Cụ thể, doanh thu quý I/2020 giảm 7% so với cùng năm ngoái khiến doanh nghiệp bị dồn vào thế khó, khi việc thúc đẩy bán hàng khó khăn, đồng thời các chi phí hoạt động gia tăng.

Cũng trong tình trạng chung, ông Đào Mạnh Sến, Giám đốc Công ty Đầu tư Vidifi Duyên Hải nói: “Đối với các doanh nghiệp hoạt động tại dự án khu dịch vụ cuối tuyến Đình Vũ của Vidifi Duyên Hải, với đặc thù kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực kho bãi, vận tải, dịch vụ, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường châu Âu…  nên đã chịu tác động mạnh mẽ về dịch bệnh”.

Tuy nhiên, điều quan trọng là các doanh nghiệp đã không phải một mình đương đầu với khó khăn, ông Hải cho biết, trong giai đoạn khó khăn nhất khi dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía Ngân hàng BIDV Chi nhánh Đông Hải Phòng. Ngân hàng đã 3 lần liên tục giảm lãi suất cho vay về mức 5,5%/năm như hiện nay và giảm các phí giao dịch trực tuyến.

“Với mặt bằng lãi suất như hiện nay là tương đối phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, thuận lợi hơn trong việc xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, BIDV tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay”, ông Hải nói.

Tại Vidifi Duyên Hải, Vietcombank đã kịp thời triển khai 2 gói ưu đãi lãi suất hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19, trong đó bao gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới.

Cụ thể, ông Sến cho biết, gói ưu đãi lãi suất giai đoạn 1 Vietcombank đã thực hiện ưu đãi lãi suất đối với dư nợ hiện hữu là 226 tỷ đồng giảm thêm 0,9% lãi suất đang áp dụng, thời gian ưu đãi từ 11/2/2020 đến hết 30/4/2020. Tổng số tiền lãi Vidifi Duyên Hải được ưu đãi là 403 triệu đồng.

Với gói ưu đãi lãi suất giai đoạn 2 của Vietcombank tiếp tục thực hiện ưu đãi lãi suất đối với dư nợ hiện hữu là 261 tỷ đồng (giảm 10% số tiền lãi phải trả), thời gian ưu đãi từ 1/5/2020 đến hết 30/9/2020. Tổng số tiền lãi Vidifi Duyên Hải được ưu đãi trong giai đoạn 2 là 805 triệu đồng.

Còn ông Lân thông tin, VietinBank đã giảm lãi suất vay cho Vico đối với các khoản vay VND kỳ hạn đến 5 tháng từ 6,5%/năm xuống còn 6,3%/năm, sau đó tiếp tục giảm còn 6,0%/năm; lãi suất vay đối với các khoản vay USD kỳ hạn đến 5 tháng từ 3,8%/năm xuống còn 3,3%/năm.

"Quy mô dư nợ ngắn hạn của Công ty tại VietinBank Chi nhánh Ngô Quyền là lớn nhất trong các tổ chức tín dụng. Vì thế, việc giảm lãi suất cho vay của Vietinbank Chi nhánh Ngô Quyền là rất thiết thực, giúp Công ty tiết giảm được đáng kể chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh", ông Lân đánh giá.

Với Agribank, thông tin từ nhà băng này cho biết, tính đến thời điểm ngày 18/5/2020, dư nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 1.691 tỷ đồng, trong đó Agribank Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ được 163 khách hàng (129 khách hàng pháp nhân và 34 khách hàng cá nhân). 

Cụ thể, đã cơ cấu 66 khách hàng với dư nợ 455 tỷ đồng (40 doanh nghiệp và 26 cá nhân); Giảm lãi và hạ lãi suất 99 khách hàng số tiền 364 tỷ đồng, trong đó cho vay ưu đãi lãi suất là 317 tỷ đồng với mức lãi suất áp dụng giảm bình quân 2% đối với khách hàng.

Đặc biệt, mặc dù Nhà nước thực hiện cách là xã hội từ ngày 1 - 22/4/2020, nhưng Agribank Hải Phòng vẫn cố gắng đảm bảo hoạt động tốt nhất để đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng đặc biệt cấp đủ vốn cho nền kinh tế.

Theo đó, từ 1/4 đến 18/5, Agribank Hải Phòng đã thực hiện cấp tín dụng với doanh số giải ngân là 1.270 tỷ đồng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 1.255 tỷ đồng.

Ông Trần Hoài Nam, Giám đốc VietinBank Hải Phòng cho biết, chi nhánh đã thực hiện biện pháp cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 15 khách hàng. 15 khách hàng này có tổng dư nợ 289 tỷ đồng, cơ cấu 48.6 tỷ đồng nợ gốc và gần 1 tỷ đồng nợ lãi của các kỳ đến hạn trả nợ gốc/lãi trong tháng 3 đến tháng 6/2020.

Đối với các khoản vay đã giải ngân, Chi nhánh áp dụng giảm lãi suất tiền vay cho 32 khách hàng, tổng dư nợ được điều chỉnh giảm lãi suất 120 tỷ đồng, mức giảm từ 0,2%-1,5%.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhận thức rõ khó khăn của người dân và doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã chủ động nắm bắt, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản, chương trình hành động của ngành Ngân hàng triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ khách hàng vay vốn.

Đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hải Phòng, bà Hồng yêu cầu đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3/1/2020, Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/2020, Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020 theo hướng chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, doanh nghiệp, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

Đồng thời, kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của tổ chức tín dụng.

Tin bài liên quan