Dấu ấn vốn chiến lược vào ngân hàng 2019

Dấu ấn vốn chiến lược vào ngân hàng 2019

(ĐTCK) Bên cạnh các nỗ lực gọi vốn ngoại của các nhà băng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước từ lâu đã có chủ trương đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài tham gia tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Dấu ấn các thương vụ lớn

Ngày 11/11/2019 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. Ngoài thương vụ này, lĩnh vực ngân hàng hứa hẹn sẽ có một số thương vụ đình đám thời gian tới khi tái cơ cấu ngành vào giai đoạn cuối.

Theo thỏa thuận, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank số lượng trên 603 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ 15% vốn điều lệ của BIDV sau khi đầu tư. Tổng giá trị của giao dịch là hơn 20.295 tỷ đồng. Sau khi phát hành cho đối tác nêu trên, vốn Nhà nước sẽ giảm còn trên 80% vốn điều lệ từ mức 95,28% hiện nay. Đây được xem là thương vụ mua bán lớn nhất trên thị trường tài chính Việt Nam năm 2019.

Trước đó vào đầu năm 2019, Vietcombank đã phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác GIC của Singapore và Mizuho Bank - một trong những định chế tài chính lớn nhất của Nhật Bản, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Trong khi MUFG - cổ đông chiến lược của VietinBank cho biết, Tập đoàn cũng sẵn sàng hỗ trợ nhà băng tăng vốn điều lệ nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh.

Không chỉ với khối NHTM Nhà nước, nhiều ngân hàng TMCP tư nhân cũng đang lên kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vào tháng 8/2019, Ban lãnh đạo Ngân hàng Quốc Dân (NCB) đã có buổi gặp gỡ với hai nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Singapore.

Cuối tháng 10 vừa qua, NCB đã có buổi làm việc với đoàn nhà đầu tư Singapore. Tại buổi làm việc, hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình ngân hàng bán lẻ và định hướng phát triển Digital Banking trong tương lai, đồng thời cả hai nhà đầu tư này đều mong muốn tham gia mua cổ phần của NCB trong đợt phát hành cổ phiếu mới nhằm tăng vốn điều lệ của nhà băng này.

Theo báo cáo tài chính quý III/2019 của NCB, ngân hàng này đã có những bước tiến dài, khi các chỉ số tài chính đều tăng trưởng mạnh. 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của NCB đạt 23,7 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, kết quả này có được chủ yếu do tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh… Năm 2019, Ngân hàng đề ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 70 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, NCB chỉ mới hoàn thành 34% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.

Các ngân hàng như VPBank, MB cũng có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại. Trong đó, MB dự kiến bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Nam A Bank cũng đặt mục tiêu tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay, trong đó có việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài…Trước đó, trong năm 2018, HDBank cũng đã bán trên 21% cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại thu về 300 triệu USD trước khi niêm yết đầu năm 2018. Tương tự, Techcombank đã bán cổ phần cho Warburg Pincus thu về 370 triệu USD trước khi niêm yết trên HoSE năm 2018…Theo chia sẻ của một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, khi rót vốn vào một ngân hàng, nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn tối đa hoá giá trị cũng như cùng ngân hàng thực hiện chiến lược tăng trưởng.

Những trường hợp trên đã phần nào cho thấy, các ngân hàng Việt Nam đang nhận được sự quan tâm nhất định của giới đầu tư nước ngoài. TS. Châu Đình Linh - Trường đại học Ngân hàng TP. HCM đưa ra nhận định, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc thu hút được vốn ngoại sẽ thêm cơ hội để hình thành thêm tài sản, hoạch định chiến lược kinh doanh có khả năng sinh lời cao hơn trong tương lai; đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu tăng vốn của NHNN theo lộ trình; cải thiện hệ số an toàn vốn...

Mặt khác, khi các ngân hàng có vốn dồi dào sẽ góp phần ổn định hệ thống, giúp nhà băng cân đối được nguồn vốn, không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường huy động vốn nhỏ lẻ. Còn xét ở góc nhìn vĩ mô, nguồn vốn ngoại nếu đổ vào nhiều cũng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán cởi mở hơn, chuyên nghiệp hơn, thúc đẩy chỉ số chứng khoán của Việt Nam.

Bán 100% vốn ngân hàng yếu

Bên cạnh các nỗ lực gọi vốn ngoại của các nhà băng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ lâu đã có chủ trương đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài tham gia tái cơ cấu những ngân hàng yếu kém, trong đó có Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank).

Tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Hội nghị G20 mới đây, ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết, J.Trust đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của CBBank và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN.

Theo ông Nobiru Adachi, J.Trust tin tưởng sẽ sớm cải tổ được CBBank. Tương tự, Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Maruhan, bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là Oceanbank. NHNN cho biết, đã hoàn thiện, trình Thủ tướng phương án chuyển nhượng, cơ cấu lại OceanBank sau khi bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài.

Với GPBank, Ngân hàng này cũng được nhà đầu tư ngoại đàm phán mua lại. UOB từng muốn mua lại 100% vốn của GPBank trước khi bắt buộc bán lại cho NHNN. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng kêu gọi đối tác nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam. Theo lãnh đạo NHNN, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực, thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường.

Chuyên gia ngân hàng, TS Bùi Quang Tín cho rằng, việc tuân thủ chuẩn mực Basel II kể từ năm 2020 sẽ khiến nhiều ngân hàng nhỏ phải tính đến M&A. Bởi việc tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II là không dễ. M&A trong lĩnh vực ngân hàng thời gian tới sẽ sôi động hơn năm nay khi chỉ có thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank dự kiến sẽ được hoàn tất cuối năm 2019. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ M&A trong lĩnh vực này còn được dự báo sẽ cao hơn. Đáng chú ý là trong thời gian tới khi tái cơ cấu ngành đi vào giai đoạn cuối và các ngân hàng phải áp chuẩn Basel II đầu năm 2020 cũng như các năm tiếp theo. Trong đó, với những ngân hàng yếu kém, đang kiểm soát đặc biệt như DongA Bank sẽ được NHNN đẩy mạnh tái cơ cấu.

DongA Bank cho biết, phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ không được Đại hội đồng cổ đông thông qua, kết quả này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DongA Bank. Ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT DongA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ trình lên NHNN để NHNN có phương án tái cơ cấu tiếp theo.

Trên thị trường đang xuất hiện thông tin DongA Bank sẽ sớm về với một nhà băng quy mô khác, nhưng có thể vẫn giữ lại thương hiệu DongA Bank. Cổ đông của DongA Bank cũng kỳ vọng vào điều này để có thể vực dậy thương hiệu vốn được khách hàng ưa chuộng trong dịch vụ thẻ, khách hàng cá nhân, kiều hối DongA... Thế nhưng, việc mua lại DongA Bank đòi hỏi nhà đầu tư phải có một lượng “tiền tươi, thóc thật” lên gần 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) để bổ sung việc âm vốn, lỗ lũy kế của Ngân hàng. Nhà băng “dám” mua DongA Bank chắc chắn phải có thực lực về tài chính.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đồng nghĩa với việc loại dần ngân hàng yếu kém khỏi hệ thống. M&A ngân hàng tiếp tục có “sóng”, với không ít thương vụ đình đám.

Theo quy định tại Thông tư số 11/2019/TT-NHNN ngày 2/8/2019 của NHNN, từ 1/10/2019, căn cứ vào thực trạng, mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ TCTD, Thống đốc NHNN hoặc Giám đốc NHNN chi nhánh xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện. Thông tư 11 cũng nêu rõ, các trường hợp tổ chức tín dụng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, tạo sức ép cho các ngân hàng yếu kém phải nhanh chóng tái cấu trúc, tìm kiếm nhà đầu tư mới để trở lên lành mạnh hơn.

Tin bài liên quan