Techcombank lùi thời gian tổ chức Ðại hội cổ đông sang tháng 6

Techcombank lùi thời gian tổ chức Ðại hội cổ đông sang tháng 6

Đại hội cổ đông và chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng chậm lại vì dịch bệnh

(ĐTCK) Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19, hội đồng quản trị các ngân hàng vừa đưa ra quyết định hoãn đại hội cổ đông theo lịch đã công bố trước đó.

Không thể đại hội trong mùa dịch

Ngày 20/3, UBND TP.HCM đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố thông tin đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn về việc tạm thời chưa tổ chức đại hội thành viên (đối với các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) và đại hội đồng cổ đông thường niên (đối với các ngân hàng thương mại cổ phần) trong thời điểm hiện nay.

Việc này nhằm hạn chế tiếp xúc đông người tại các hội nghị, hội thảo theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06 về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, liên quan đến việc tổ chức họp đại hội cổ đông của các ngân hàng, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động phối hợp với NHNN chi nhánh trên địa bàn xin ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương về việc tổ chức ÐHCÐ, đại hội thành viên để có hình thức tổ chức phù hợp hoặc xin lùi thời điểm tổ chức.

Vì vậy, Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB vừa công bố thông tin về việc hoãn tổ chức Ðại hội cổ đông vào ngày 7/4 tới. Ngày họp sẽ được ACB thông báo sau.

Năm nay, ACB dự kiến trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận 8.700 tỷ đồng trước thuế; cổ tức chia ở mức 20% bằng cổ phiếu, tiền mặt.

Hội đồng quản trị Techcombank cũng thông qua nghị quyết về việc lùi thời gian tổ chức Ðại hội cổ đông sang tháng 6.

Các năm trước, phiên họp cổ đông thường được Ngân hàng thực hiện vào tháng 4. Trước đó, Techcombank đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng tham dự Ðại hội là 24/3.

Kienlongbank lên lịch tổ chức Ðại hội cổ đông thường niên 2020 vào ngày 27/3 tới tại tỉnh Kiên Giang và đã chốt danh sách cổ đông tham dự Ðại hội vào ngày 5/3.

Tuy không tổ chức ở các điểm nóng dịch Covid-19, song theo lãnh đạo cấp cao của Kienlongbank, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và số lượng cổ đông đăng ký tham dự, Ngân hàng mới quyết định có tổ chức hay không.

Trước đó, ngày 3/3 vừa qua, chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, Eximbank đã quyết định dời kế hoạch tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường sang thời điểm thích hợp khác.

Sẽ điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận?

Báo cáo đánh giá các ngân hàng tại Việt Nam mới đây của Moody's cho rằng, các rủi ro đối với chất lượng tài sản có thể phát sinh do sự bùng phát của dịch Covid-19.

Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn tới sự gia tăng các khoản nợ xấu từ những doanh nghiệp sản xuất, thương mại và doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực có mối quan hệ chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Hội nghị gỡ khó cho doanh nghiệp của ngành ngân hàng tổ chức hôm 2/3, con số được Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra rất đáng chú ý, đó là có ít nhất 926.000 tỷ đồng dư nợ của 23 ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm hơn 11% dư nợ toàn hệ thống).

Tính đến nay, các ngân hàng đã hỗ trợ hơn 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ.

Nhiều tổ chức tín dụng đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi tổng giá trị 285.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 0,5 - 1%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Cụ thể, BIDV đăng ký hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Agribank 100.000 tỷ đồng, MB 35.000 tỷ đồng, ACB 15.000 tỷ đồng…

Việc đẩy mạnh tái cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất khó tránh ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, nhà băng phải hy sinh ít nhất 300 - 450 tỷ đồng lợi nhuận để giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng vì dịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu cũng như mức trích lập dự phòng.

Trong khi đó, ông Phan Ðức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho hay, tổng dư nợ các ngành có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp... tại BIDV vào khoảng 140.000 tỷ đồng.

Vì thế, mục tiêu lợi nhuận đặt ra đầu năm trong kịch bản dịch bệnh kết thúc vào tháng 3 trở nên khó khăn với Ngân hàng.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, Ngân hàng Bản Việt đang có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng (cả doanh nghiệp và cá nhân) bị tác động.

Khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm và 1%/năm, tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Gói vay hỗ trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 1.000 tỷ đồng.

Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền trong ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng nên giai đoạn này Ngân hàng quan tâm nhiều đến vấn đề cơ cấu lại nợ hơn là cho vay mới. Hiện có khoảng 20% tổng dư nợ cho vay khách hàng có khả năng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang hoành hành.

Với những diễn biến trên, có thể mục tiêu lợi nhuận của nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh giảm so với dự kiến hồi đầu năm.             

Tin bài liên quan