Lãi suất cho vay hợp lý
Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt nhận xét, vài năm trở lại đây, hệ thống ngân hàng đã có rất nhiều cải tiến. Các thủ tục, quy trình vay ngày càng trở nên gần gũi với doanh nghiệp như khâu thẩm định đã được cải thiện và rút ngắn về thời gian.
“Đặc biệt, từ năm 2014, lãi vay ngân hàng liên tục giảm và tới năm 2018, lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn của các ngân hàng quay trở về mức 10 - 12%/năm, lãi vay bổ sung vốn lưu động ở mức 7-7,5%/năm. Đây là lãi suất mà theo tôi là hợp lý nhất đối với doanh nghiệp”, ông Mâu nói.
Ông Lưu Quang Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Trung chia sẻ, kể từ những ngày đầu thành lập (năm 2008) đến nay, Công ty là khách hàng của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Hải Phòng.
Có được mối quan hệ dài lâu này là do các chính sách của BIDV khá thông thoáng với những doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa, cả về điều kiện tài sản bảo đảm lẫn cơ chế lãi suất.
Doanh nghiệp được tiếp cận gần hơn với vốn vay ngắn, trung và dài hạn của Ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tạo lập được cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại, với thời gian và lãi suất phù hợp.
Ngoài ra, Ngân hàng là nơi giúp doanh nghiệp hiểu biết thêm về kiến thức tài chính, tư vấn chính xác cho doanh nghiệp trong nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa…, góp phần không nhỏ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Ông Bùi Sỹ Thiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Genesis cho biết, đầu tư một du thuyền 5 sao hoạt động trên vịnh Hạ Long cần hàng chục tỷ đồng, trong khi số vốn tự có của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu đầu tư.
Theo đó, tìm đến nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giúp Genesis rất lớn trong quá trình đầu tư kinh doanh đóng tàu. Đây cũng là đòn bẩy kinh tế để doanh nghiệp gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn lãi suất cho vay đang khá hấp dẫn.
“Genesis đang được Vietcombank ưu đãi lãi suất cho vay dài hạn đầu tư với mức cố định 8,9%/năm trong 2 năm đầu, lãi suất cho vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động sản xuất - kinh doanh là 7%/năm. Doanh nghiệp còn được Ngân hàng cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích trong thanh toán/giao dịch…, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty”, ông Thiên nói.
Theo ông Thiên, lãi suất vay 8,9%/năm đang ở mức cạnh tranh so với nhiều ngân hàng khác và doanh nghiệp dự kiến sẽ vay thêm vốn để đầu tư.
Ngân hàng vẫn “đốt đuốc” tìm khách hàng
Trong tuần thứ 2 của tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước phát hành 90.000 tỷ đồng tín phiếu, trong khi lượng tín phiếu đến hạn là 87.000 tỷ đồng, hút ròng qua kênh này 3.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan này mua 495 tỷ đồng giấy tờ có giá, kỳ hạn 7 ngày trên thị trường mở (OMO), với lãi suất 4,5%/năm.
Tính chung, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 2.504 tỷ đồng trên thị trường mở. Thanh khoản VND đang dồi dào, nguồn cung VND từ các giao dịch bán ngoại tệ và tâm lý tích cực từ lãi suất tín phiếu giảm khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm.
Lãi suất qua đêm VND trên liên ngân hàng vào cuối tuần qua ở mức 2%/năm, giảm 30 điểm phần trăm so với 1 tuần trước đó, chênh lệch lãi suất VND - USD được thu hẹp.
Trong khi đó, tính đến ngày 4/10/2019, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ở mức 8,95% so với đầu năm, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và còn cách xa hạn mức tăng trưởng 14% của cả năm.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói: “Hiện nay, thanh khoản các ngân hàng rất dồi dào, đủ cung ứng vốn cho nền kinh tế với những nhu cầu vốn một cách hợp pháp”.
Song song với nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã thực hiện đúng các định hướng lãi suất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với các lĩnh vực cho vay ưu tiên; ban hành các chương trình, sản phẩm tín dụng với mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt, góp phần giảm áp lực tài chính cho khách hàng; chủ động nghiên cứu, tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phi tín dụng, tận dụng sự hỗ trợ của công nghệ và đơn giản hóa quy trình phê duyệt của nội bộ Vietcombank…
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), nhà băng này cung cấp đa dạng các dịch vụ qua kênh số, đảm bảo khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi chỉ với các thao tác đơn giản.
SHB triển khai nhiều ưu đãi về phí dành cho khách hàng doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, tài khoản thanh toán, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, tiền vay như miễn phí dịch vụ nộp thuế hải quan điện tử 24/7.
“Với việc xây dựng giải pháp đặc thù theo từng ngành hàng, SHB hướng tới kết nối và xúc tiến các nhà đầu tư - doanh nghiệp tới nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; thu xếp phát hành trái phiếu giúp các doanh nghiệp huy động nguồn vốn dài hạn, hỗ trợ và xúc tiến hoạt động thị trường đầu vào, đầu ra với hệ thống khách hàng, đối tác của SHB, hỗ trợ doanh nghiệp trong quảng bá sản phẩm…”, một lãnh đạo SHB chia sẻ.
Ông Fung Kai Jin, Giám đốc Khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho rằng, để ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn thì bản thân các doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ với ngân hàng một cách nghiêm túc, giống như cách họ thể hiện với các nhà cung cấp quan trọng.
Doanh nghiệp nên thông báo thường xuyên cho ngân hàng các kế hoạch sản xuất - kinh doanh và tình hình tài chính để ngân hàng chủ động có giải pháp trợ giúp doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
“Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có các nguồn lực tài chính để chống lại suy thoái kinh tế trong một thời gian dài. Do đó, điều quan trọng mà doanh nghiệp cần quan tâm là dòng tiền, thay vì lợi nhuận. Lợi nhuận chỉ là một con số quyết toán, còn dòng tiền giúp doanh nghiệp tồn tại”, ông Fung Kai Jin bày tỏ quan điểm.