Cloud Banking, tương lai của ngành ngân hàng

Cloud Banking, tương lai của ngành ngân hàng

(ĐTCK) Sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng, các công nghệ mới nổi và các mô hình kinh doanh thay thế đã trở thành động lực chính buộc các ngân hàng áp dụng công nghệ điện toán đám mây. 

Công nghệ điện toán đám mây (Cloud) đã và đang thâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, khiến các nhà lãnh đạo thị trường vốn và ngân hàng ngày càng nhận ra rằng “đám mây” không còn là khái niệm mang tính công nghệ, mà nó thực sự là một chiến lược có thể giúp các ngân hàng tăng cường sự hài lòng của khách hàng và đưa sản phẩm dịch vụ ra thị trường nhanh hơn, cho phép họ tối đa hóa lợi nhuận đầu tư của mình.

Công nghệ hiện nay đang tạo ra cho khách hàng những mong muốn về trải nghiệm dịch vụ mới và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi, ngay tức thì.

Theo một kết quả nghiên cứu thị trường được thực hiện trên toàn cầu năm 2019, cứ 4/10 người tiêu dùng hy vọng có thể mở tài khoản ngân hàng ngay lập tức, mặc dù trên thực tế chỉ có 1/3 ngân hàng truyền thống có thể đáp ứng được dịch vụ. Do đó, nếu ngân hàng truyền thống không đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng, họ sẽ đối diện với nguy cơ mất thị phần.

Tại sao nên là Cloud Banking?

Tuân thủ hoàn toàn các quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng

Trước đây, phần lớn các ngân hàng đều lo lắng về vấn đề bảo mật khi đưa dữ liệu lên Public Cloud (đám mây công cộng, được cung cấp bởi bên thứ ba).

Tuy nhiên, theo khảo sát tất cả các khách hàng của AWS - nhà cung cấp Public Cloud lớn nhất thế giới, lý do quan trọng nhất để các tổ chức dịch chuyển lên Cloud là vì lãnh đạo đã nhận thức được rằng, Public Cloud an toàn hơn các hệ thống họ tự phát triển bằng nguồn lực của họ.

Mặc dù hệ thống của ngân hàng được đặt trên Cloud, nhưng họ vẫn có toàn quyền quản trị, xử lý và luôn hiểu rõ ràng về dữ liệu của họ. Với thị trường Việt Nam, AWS và một số nhà cung cấp Public Cloud khác đảm bảo tuân thủ theo Luật An ninh mạng và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Giảm chi phí

Bà Trần Thị Phương Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TECHX.

Theo IDC, một ngân hàng dịch chuyển hệ thống lên Cloud của AWS sẽ tiết kiệm được trung bình 31% chi phí hạ tầng công nghệ thông tin.

Hơn nữa, với mô hình thanh toán Pay-as-you-go (dùng bao nhiêu, trả bấy nhiêu) sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro và chi phí thử nghiệm với sản phẩm, dịch vụ mới.

Với mô hình Subscription fee của các nhà cung cấp phần mềm SaaS, cho phép ngân hàng phân bổ chi phí theo hàng năm hoặc thậm chí là hàng tháng, giảm chi phí vận hành và bảo trì hệ thống theo mô hình công nghệ truyền thống.

Ngân hàng có thể tập trung hoàn toàn vào việc sáng tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng mong muốn của khách hàng và sự tăng trưởng của kinh doanh.

Tăng tốc độ phát triển các sản phẩm mới, dịch vụ mới, dễ dàng mở rộng thị trường và nâng cao năng suất lao động

Với hệ thống công nghệ truyền thống hiện nay của hầu hết ngân hàng, thời gian để ra mắt một sản phẩm mới cần từ 9 tháng trở lên. Với Cloud Banking, sản phẩm được đưa ra thị trường một cách nhanh chóng, thời gian tính bằng vài tuần.

Đặc biệt, khi cấu hình hoặc chỉnh sửa sản phẩm, quy trình, đội ngũ kinh doanh có thể tự thực hiện mà không phụ thuộc quá nhiều vào đội ngũ chuyên gia công nghệ. Lãnh đạo của ngân hàng cũng yên tâm vì công nghệ của các nhà cung cấp Public Cloud và của các SaaS luôn được cập nhật.

Hơn nữa, nền tảng Cloud cung cấp cho các ngân hàng và tổ chức tài chính một loạt sản phẩm, dịch vụ của bên thứ ba. Mô hình Plug and Play (cắm và chạy) này giúp các ngân hàng dễ dàng sử dụng những cải tiến mới nhất của các công ty tài chính công nghệ (Fintech) và dễ dàng mở rộng sang các thị trường mới.

Theo một báo cáo của IDC, AWS đang giúp hàng nghìn tổ chức, bao gồm các ngân hàng như DBS, NAB, Capital One, Standard Charter..., các doanh nghiệp như Coca-Cola, GE, BP, Enel, Samsung, NewsCorp, Twenty-First Century Fox... di chuyển thành công phần lớn hệ thống lên Cloud. Các tổ chức này đã tiết kiệm chi phí công nghệ thông tin đáng kể, cũng như nâng cao năng suất lao động lên mức trung bình 62%.

Nâng cao khả năng phát triển bền vững và minh bạch hơn cho ngân hàng

Bằng cách sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, học máy, nền tảng Internet of Things, nhận diện khuôn mặt, xử lý ngôn ngữ tự nhiên...,

Cloud Banking giúp các bộ phận kinh doanh gắn kết chặt chẽ với nhau hơn thông qua việc chia sẻ dữ liệu, sử dụng phân tích dữ liệu để giải quyết nhanh các vấn đề của khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng...

Chính sự sáng tạo và gắn kết này giúp ngân hàng giữ được những nhân sự tài năng, tăng khả năng nhất quán trong tổ chức, tạo ra môi trường làm việc sáng tạo và minh bạch.

Làm thế nào để dịch chuyển ngân hàng truyền thống thành Cloud Bank?

Joseph D. Giarraputo, Giám đốc Biên tập của Global Finance cho biết: “Với sự phát triển như vũ bão của ngành dịch vụ tài chính ngày nay, để trở thành ngân hàng tốt nhất trên thế giới cần có sự kết hợp đặc biệt giữa an toàn và đổi mới.

Ngân hàng DBS đang chỉ đường cho tương lai của toàn bộ ngành dịch vụ tài chính, đó chính là sự chuyển đổi số, tài chính mạnh và liên kết công dân toàn cầu”.

Từ năm 2014, DBS đã bắt tay vào một chương trình chuyển đổi số được cho là toàn diện nhất đối với một ngân hàng, từ hệ thống công nghệ thông tin, đến tư duy quản lý, văn hóa và phương pháp đánh giá hiệu quả lao động.

Quá trình dịch chuyển từ hệ thống truyền thống sang Cloud Banking của DBS kéo dài 5 năm.

Tương lai của toàn bộ ngành dịch vụ tài chính đó chính là sự chuyển đổi số, tài chính mạnh và liên kết công dân toàn cầu.Joseph D. Giarraputo, Giám đốc Biên tập Global Finance 

Tại Việt Nam, các lãnh đạo, bộ phận kinh doanh và công nghệ của ngân hàng khá quen thuộc với một hệ thống trung tâm dữ liệu đặt ở trong nước và do đội ngũ công nghệ thông tin của ngân hàng quản lý.

Họ thấy được tiềm năng của Cloud Banking, nhưng việc nâng cấp hay thay thế hệ thống truyền thống bằng hệ thống Cloud không phải dễ, thậm chí rất nhiều khó khăn và rào cản về luật, về con người và khả năng thích ứng của hệ thống quản lý hiện tại. Vậy các ngân hàng ở Việt Nam nên bắt đầu dịch chuyển như thế nào?

Rất may mắn, các ngân hàng có thể tiếp cận sự chuyển đổi này dần dần. Họ có thể kết hợp giữa hệ thống hiện tại ở Việt Nam với các nhà cung cấp Cloud khác nhau hoặc một nhà cung cấp Cloud, tùy theo nhu cầu của tổ chức, sự sẵn sàng và trưởng thành của nhân sự và hệ thống. Bất kỳ mô hình Cloud nào được triển khai, mô hình lưu trữ ở Cloud vẫn an toàn hơn ở trung tâm dữ liệu.

Hãy bắt đầu với các giải pháp dùng cho kinh doanh đã được phát triển trên Cloud, ví dụ như CRM, quản lý tài chính, quản lý hiệu suất doanh nghiệp (EPM)... Mỗi một bài toán kinh doanh trên nền tảng Cloud (Cloud Business Case) cần hiểu rõ và nhấn mạnh việc làm thế nào ngân hàng có thể khai thác hiệu quả các giải pháp được phát triển trên Cloud, nhằm thúc đẩy sự thấu hiểu mong muốn và trải nghiệm của khách hàng, đưa đến cho từng khách hàng những sản phẩm phù hợp, giúp tăng doanh thu với chi phí thấp, tìm kiếm được những nhân sự tài năng và tạo ra sự nhất quán cho nền tảng hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên xây dựng một mô hình cơ bản đánh giá giá trị do Cloud mang lại, sau đó lập kế hoạch cho việc thay đổi nguồn lực tiếp cận thị trường, khung giá mới và các giả định kinh doanh khác.

Cuối cùng, đối với mỗi bài toán kinh doanh trên nền tảng Cloud, ngân hàng cần nhận thức rõ và lên kịch bản cho những thay đổi về quản trị. Công nghệ Cloud sẽ làm thay đổi vai trò của nhân viên, các bước cần chuẩn bị để nhân viên phù hợp với văn hóa và tư duy mới của tổ chức.

Song song với đó, việc dịch chuyển dữ liệu của ngân hàng lên Cloud nhằm tận dụng các công cụ phân tích dữ liệu, học máy và trí tuệ nhân tạo giúp cho việc tăng tốc độ ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới cũng vô cùng quan trọng.

Để thực hiện được việc này, ngân hàng cần hiểu rõ các loại dữ liệu nào được phép đưa lên Public Cloud. Chọn nhà cung cấp dịch vụ Public Cloud có kinh nghiệm hợp tác với ngân hàng, bởi họ có thể cung cấp giá linh hoạt hơn và nền tảng Cloud cho phép dịch chuyển qua nhà cung cấp Cloud khác khi cần thiết.

Việc áp dụng chiến lược nhiều nhà cung cấp có thể phức tạp và đầy thách thức, nên nếu không phải quá cần thiết, ngân hàng nên chọn nhà cung cấp đơn lẻ để tiết kiệm thời gian chuyển đổi, tiết kiệm chi phí, tận dụng hoàn toàn lợi thế của một nhà cung cấp hạ tầng Cloud.

Bảo mật dữ liệu và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về dữ liệu và hạ tầng là điều quan tâm đầu tiên và quan trọng nhất của ngân hàng. Hiện nay, các nhà cung cấp Public Cloud có thể giúp ngân hàng đảm bảo tuân thủ theo Luật An ninh mạng của Chính phủ.

Cloud còn có thể giúp các ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính đáp ứng các yêu cầu báo cáo theo quy định ngày càng phát triển trong nhiều khu vực pháp lý (ví dụ như phân tích và đánh giá an toàn vốn, khả năng thanh toán...).

Cloud cũng có thể giúp các ngân hàng tiến hành tính toán thanh khoản và rủi ro trong ngày, khai thác dữ liệu giám sát thương mại để phát hiện các giao dịch rửa tiền và các vấn đề gian lận khác.

Hiện một số ngân hàng Việt Nam đã hiểu được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ Cloud và đang khai thác công nghệ này cho hoạt động quản trị hệ thống, sáng tạo dịch vụ mới... và họ đã giảm được chi phí điều hành, trong một số trường hợp, chi phí giảm trên 50% và thời gian ra mắt sản phẩm chỉ bằng 20-40% thời gian triển khai hệ thống truyền thống.

Về lâu dài, điều này có thể sẽ quyết định những ngân hàng thắng hay thua cuộc trong cuộc đua của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính.

Tin bài liên quan