Chủ tịch OCB: “Ngân hàng rất muốn niêm yết càng sớm càng tốt“

Chủ tịch OCB: “Ngân hàng rất muốn niêm yết càng sớm càng tốt“

(ĐTCK) Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời câu hỏi của cổ đông về việc chưa đưa cổ phiếu lên sàn trong cuộc họp ĐHCĐ diễn ra sáng 30/6.

Hoàn tất bán 15% vốn cho Aozora, tăng vốn, niêm yết

Sáng ngày 30/6/2020, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020 thông qua chỉ tiêu kinh doanh 2020 và kế hoạch niêm yết cổ phiếu sàn HOSE.

Trả lời cổ đông về việc vì sao OCB lùi việc niêm yết từ năm này sang năm khác và liệu có thực hiện trong năm 2020 hay lại tiếp tục dời sang năm 2021, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, chủ trương của HĐQT muốn niêm yết càng sớm càng tốt, nhằm nâng tính thanh khoản cho cổ phần, minh bạch hoạt động.

Tuy nhiên, việc niêm yết còn phải phụ thuộc vào điều kiện thị trường. Nếu thị trường không thuận lợi, việc niêm yết sẽ khó đem lại lợi ích cho cổ đông nếu giá cổ phiếu thấp, vì vậy HĐQT OCB muốn chọn thời điểm thị trường thuận lợi niêm yết để đảm bảo lợi ích cho cổ đông. 

Mặt khác, chủ trương của HĐQT OCB là muốn hoàn tất việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, việc tăng vốn bằng phát hành cho cổ đông nước ngoài, kéo dài hơn 2 năm vừa qua. Cuối năm 2017 và đầu năm 2018 là cơ hội vàng để niêm yết, nhưng thời điểm ấy mới có đối tác chiến lược nước ngoài của OCB là BNP Paribas đã bán toàn bộ hơn 74 triệu cổ phiếu, tương đương với 18,68% vốn điều lệ của OCB sau 10 năm đổ vốn vào Ngân hàng.

Sau khi  BNP Paribas rút khỏi OCB, Ngân hàng phải tìm cổ đông chiến lược khác thay thế. Ngày 29/6, OCB đã phát hành thành công cho Aozora Bank (AOZ - Nhật Bản).

"Các bài toán mô hình tài chính, định giá OCB hơn 1 tỷ USD, với vốn điều lệ chưa đến 9.000 tỷ đồng sẽ ra mức giá phát hành cho Aozora Bank", ông Tuấn cho biết thêm.

Vì vậy, theo ông Tuấn, OCB đã có đầy đủ cơ sở, chỉ còn phụ thuộc vào thị trường. Trước quy định của pháp luật, nhắc nhở ngân hàng chưa niêm yết phải niêm yết, phải tuân thủ pháp luật, OCB sẽ tập trung cố gắng hoàn thành việc niêm yết đúng quy định trong năm nay.

Một trong các nội dung đáng chú ý trong Đại hội là việc thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2020 lên hơn 11.275 tỷ đồng, trong đó bao gồm việc phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, Ngân hàng Aozora.

Chủ tịch OCB: “Ngân hàng rất muốn niêm yết càng sớm càng tốt“ ảnh 1

Trước đó, vào ngày 17/6, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc cho phép AOZ mua cổ phần của OCB để trở thành cổ đông nước ngoài sở hữu 15% vốn điều lệ của Ngân hàng.

Hai ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, AOZ cam kết đầu tư lâu dài tại OCB qua việc cử các chuyên gia tham gia vào hoạt động quản trị và điều hành, hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ các hoạt động bán lẻ, quản lý rủi ro, nâng cao công nghệ, ngân hàng số.

Đồng thời, liên kết cung cấp dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại thị trường Việt Nam. Đây là thông tin tích cực được các cổ đông quan tâm và là tiền đề trong việc triển khai công tác chuẩn bị niêm yết cổ phiếu OCB tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). 

Trả lời cổ đông về đối tác ngoại sẽ hỗ trợ được gì cho OCB, HĐQT OCB cho biết, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, Aozora tuy không phải là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, nhưng là ngân hàng tốt, có quy mô 50 tỷ USD. Aozora là ngân hàng hiệu quả nhất Nhật Bản, quan hệ quốc tế rộng, đủ điều kiện giúp OCB về các mặt.

Tương tự như OCB, tuy không phải tốt nhất, nhưng tỷ suất lợi nhuận của OCB vẫn đứng vị trí cao trong số các ngân hàng. Thỏa thuận giữa hai bên sẽ giúp về quản trị, điều hành, rủi ro, công nghệ, phát triển sản phẩm.

6 tháng hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận 4.400 tỷ dồng 

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016-2020, do đó, OCB đề ra mục tiêu tham vọng hơn với mục tiêu tăng trưởng 25% đối với chỉ tiêu hoạt động (trong điều kiện cơ quan quản lý chấp thuận giới hạn tăng trưởng tín dụng như kỳ vọng), tỷ lệ CIR kiểm soát dưới 37%.

Ngoài ra, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2020 đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.

Để đạt được mục tiêu này, OCB đề ra kế hoạch đạt 103,284 tỷ đồng tổng huy động thị trường 1 và 90,549 tỷ đồng tổng dư nợ thị trường 1 (trên cơ sở phê duyệt của NHNN), lần lượt tăng 21% và 25% so với thực hiện năm 2019.

Tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 27% và vốn điều lệ dự kiến đạt 11.275 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2019. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Với kế hoạch lợi nhuận trên, OCB dự kiến mức cổ tức 2020 từ 25 - 27%/năm, trong khi cổ tức năm 2019 dự kiến trả bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. 

Trả lời cổ đông về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, tính đến 30/6, Ngân hàng hoàn thành 43% kế hoạch lợi nhuận năm 2020, tương đương đạt 1.870 tỷ đồng trước thuế.

Cũng theo ông Tùng, trong 5 năm, tăng trung bình 86% lợi nhuận, với đà như vậy nhưng do Covid-19 nên đây là thách thức, đã bàn điều chỉnh kế hoạch vì đề ra vào lúc tháng 11-12 năm ngoái, nhưng cuối cùng vẫn quyết định giữ nguyên để phấn đấu.

Ngoài ra, OCB là ngân hàng không lớn về quy mô, nhưng đã khẳng định được vị thế, hướng đến hiệu quả, chất lượng tài sản và khả năng sinh lời tốt.

Vì vậy, trước thắc mắc của cổ đông về mục tiêu lợi nhuận năm nay 4.400 tỷ đồng trước thuế có cao trong bối cảnh dịch covid-19, Ban điều hành OCB cho rằng, với mức lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm sẽ là cơ sở để 6 tháng cuối năm sẽ đạt được kế hoạch đưa ra.

Năm 2019, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 3.232 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2018. Chỉ số CIR giảm xuống còn 37%, sự cải thiện này cho thấy năng suất lao động của OCB ngày một cao hơn và hiệu quả quản lý chi phí hoạt động ngày một tốt hơn.

Tốc độ tăng trưởng kép (CARG) từ năm 2016 - 2019 đạt trên 88%. Theo đó, tỷ suất sinh lời tiếp tục cải thiện mạnh, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) lần lượt trên 2,4% và 26,1%. Tỷ suất lợi nhuận trên cổ phần tăng hơn 30,7% đạt mức khoảng 3.264 đồng một cổ phần.

OCB được Moody's Investors, một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới tăng xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA - Counterparty Risk Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR - Counterparty Risk Ratings) của OCB lên mức Ba3 trong năm 2019.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, OCB đặt mục tiêu vào top 10 ngân hàng và là ngân hàng tốt hàng đầu tại Việt Nam. OCB dự báo tiếp tục đà tăng trưởng mức bình quân 20% mỗi năm, duy trì cổ tức 15 - 25%, mở rộng thị phần, đầu tư công nghệ và hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đem đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ và sự trải nghiệm an toàn, tiện nghi.

Tin bài liên quan