Các ngân hàng đua giảm tiếp lãi suất, có khoản vay được giảm tới 5%/năm so với lãi thông thường

Các ngân hàng đua giảm tiếp lãi suất, có khoản vay được giảm tới 5%/năm so với lãi thông thường

(ĐTCK) Trước tình hình dịch covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Để chung tay chia sẻ khó khăn cùng khách hàng, các ngân hàng mạnh tay cắt giảm tiếp lãi suất cho vay từ mức 0,5-5%/năm so với lãi suất thông thường.

Trong đó, Ngân hàng Bản Việt triển khai đồng loạt các chương trình và các chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong giai đoạn này.

Cụ thể, đối với các khách hàng hiện hữu bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng Bản Việt có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động.

Đối với khách hàng doanh nghiệp đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5%/năm và 1%/năm tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung và dài hạn. Gói vay hỗ trợ dành cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 1.000 tỷ đồng.

Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng cũng có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế.

Ngoài ra, khách hàng gửi tiết kiệm online qua Internet Banking và Mobile Banking của Bản Việt kỳ hạn 7 tháng trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất lên đến 0,5%/năm so với gửi tại quầy.

Tại Nam A Bank, nhằm đồng hành cùng các khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài, Ngân hàng tiếp tục thực hiện giảm lãi vay lên đến 2% hiện hành đối với các khách hàng doanh nghiệp vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Đồng thời, Ngân hàng Nam A Bank tung gói ưu đãi lãi vay 1.000 tỷ đồng, lãi suất từ 9,9%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn ổn định cuộc sống “Happy Finance” từ nay đến 30/06/2020.

Chương trình áp dụng đối với các khách hàng cá nhân vay vốn để phục vụ mục đích tiêu dùng, mua xe, mua đất/nhà hoặc xây dựng sửa chữa nhà với lãi suất ưu đãi từ 9,9%/năm, mức vay tối đa 5 tỷ đồng/khách hàng, thời hạn vay tối thiểu 36 tháng.

Trong khi đó, SCB tung gói vay ưu đãi lãi suất chỉ 8,9%/năm dành cho doanh nghiệp có nhu cầu được SCB cấp tín dụng món vay trung và dài hạn.

Theo đó, khách hàng là doanh nghiệp hoặc cá nhân là chủ doanh nghiệp, các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp khi tham gia mua bảo hiểm Manulife tại SCB, doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lãi suất vay ưu đãi chỉ với 8,9%/năm (cố định 6 tháng đầu) đối với thời gian vay từ 36 tháng trở lên, và chỉ 9,5%/năm (cố định 12 tháng đầu) đối với thời gian vay từ 48 tháng trở lên.

Với những khó khăn hiện nay, SCB cũng đã triển khai gói "Giải pháp vốn tối ưu dành cho doanh nghiệp SB, SE" với tổng mức cấp tín dụng lên đến 5 tỷ đồng/Khách hàng dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ (SB) và doanh nghiệp nhỏ (SE).

Ưu điểm của gói vay này là được thiết kế đơn giản, xử lý nhanh và tài trợ lên đến 100% giá trị sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi và 90% giá trị Bất động sản tạo điều kiện cho các doanh nghiệp SB, SE dễ dàng tiếp cận với các khoản vay của SCB.

HDBank giảm thêm mức lên đến 5%/năm lãi suất so với lãi suất cho vay thông thường, áp dụng cho cá nhân và hộ kinh doanh nhỏ, nhằm có thêm nguồn vốn, hỗ trợ tài chính cho các đối tượng này trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 so với lãi suất thông thường. Chương trình trên triển khai từ nay đến 30/06/2020 dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ.

Đồng hành cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19, HDBank triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho nhiều nhóm khách hàng. Như đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, HDBank dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi, lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%/năm.

HDBank cũng dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế; nhằm đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường sản phẩm (miễn giảm phí thanh toán quốc tế, phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa, phí phát hành các loại bảo lãnh từ 50%-100%; cho vay bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, phát hành L/C bảo lãnh; Ưu đãi lãi suất…).

Bên cạnh đó, HDBank đưa ra gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp Lộc Trời đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước đồng thời tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó là các gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.

HDBank còn dành 10.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn giá, lãi suất 6,5%, hạn mức lên đến 90% của HDBank dành cho khách hàng vay cung ứng sản phẩm thiết yếu góp phần bình ổn thị trường.Tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo lên đến 90% và hạn mức tài trợ hợp đồng cung ứng lên đến 70%.

Còn tại Vietcombank, Ngân hàng sẽ giải ngân mới hơn 41.000 tỷ đồng, giữ nguyên nhóm nợ trên 8.200 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vietcombank cho biết, trong thời gian tới, nhiều trường hợp trong tổng số hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ được Vietcombank xem xét cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.

Đồng thời, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp và người dân, Vietcombank đã thực hiện đồng bộ việc giảm, ưu đãi lãi suất cho vay và giảm phí dịch vụ cho khách hàng. 

Cụ thể, tổng số dư nợ các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được Vietcombank hỗ trợ, ưu đãi lãi suất thấp hơn 0,5% - 1,5% so với mặt bằng lãi suất chung đến nay đã lên tới trên 112.700 tỷ đồng.

Ngày 31/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. NHNN yêu cầu các ngân hàng xem xét cắt giảm chi phí hoạt động và lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung giảm lãi suất.

Thực tế cho thấy, trước diễn biến của dịch bệnh hiện nay, nếu ngân hàng không mạnh tay cắt giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng thì khó khăn không chỉ thuộc về doanh nghiệp mà nợ xấu ngân hàng có nguy cơ tăng.

Chủ tịch MBBank - Thượng tướng Lê Hữu Đức cho hay, MBBank sẽ bám sát chỉ đạo của NHNN, cố gắng kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh, MBBank cho biết sẽ tiết giảm chi phí hoạt động, nhân sự sẽ được duy trì như năm 2019 và tăng năng suất lao động lên. 

Tin bài liên quan