Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị

6 tháng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 3,26%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết như vậy tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp diễn ra ở TP.HCM chiều ngày 2/7.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ ở mức 3,26%, chỉ bằng phân nữa so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực TP.HCM tín dụng chỉ tăng trưởng 2,5% thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong khi, những năm trước đây, tín dụng khu vực TP.HCM luôn tăng cao hơn toàn ngành.

 Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 14%, nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cầu vốn của khách hàng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tín dụng cũng khó tăng cao. 

Cũng tại hội nghị trên, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, NHNN đã ban hành một số chính sách giữa tháng 3/2020. Thực tế, ngay sau khi nhận diện ra dịch, ngành ngân hàng đã sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bởi ngay sau khi các doanh nghiệp không có nguồn thu để trả nợ, dòng tiền không có chứ không phải là các doanh nghiệp hoạt động yếu kém. Nhưng ở thời điểm đó, chỉ một số lĩnh vực doanh nghiệp (du lịch, vận tải) hết sức khó khăn, còn hiện nay có thêm nhiều lĩnh vực.

Vì thế, việc ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cũng là một giải pháp kịp thời của ngành để hỗ trợ khách hàng. Bởi thực tế, việc hỗ trợ khách hàng cũng chính là để giúp ngân hàng.

Tuy nhiên, trong thời gian từ đó đến nay đã có những thay đổi, có thể thị trường còn khó khăn, nhưng cũng thuận lợi hơn trước. Do vậy, ngành ngân hàng cũng đã có sự nghiên cứu để có cơ chế điều chỉnh kịp thời với thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp. NHNN đã và đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Về lãi suất hiện ngành ngân hàng cũng đang nỗ lực để giảm thêm. 

 Lãi suất của các ngân hàng cũng đã cố gắng để kéo giảm xuống, đồng thời các nhà băng cũng đã nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí, lương nhân viên để tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng cũng phải cạnh tranh để tìm kiếm khách hàng tốt cho vay, đồng hành và trở thành người bạn thực sự đối với doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại được, kiểm soát nợ xấu. 

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Phan Đình Tuệ, Phó tổng giám đốc Sacombank cho biết, đến nay Sacombank cơ cấu được 10.000 tỷ đồng dư nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19. Nhưng Sacombank mới đáp ứng được việc tái cơ cấu cho hơn 50% dư nợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch covid-19.

Sacombank đã nỗ lực giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho khách hàng vay mới sau dịch covid-19. Đồng thời, Sacombank cũng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng, song khó giải ngân sau dịch, vì nhu cầu vốn của khách hàng giảm, cho dù lãi suất giảm.

Đồng thời, Ngân hàng cơ cấu lại nợ không được thu lãi dự thu nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng cũng phải giảm lương, chỉ tiêu lợi nhuận năm nay để chia sẻ với khách hàng trong việc tái cơ cấu cho nợ. 

Trong khi đó, do chi phí huy động vốn trước đây cao nên ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay quá sâu. Hiện các ngân hàng và bản thân Sacombank đang giảm lãi suất huy động nên hy vọng trong thời gian tới, lãi suất cho vay giảm thêm. 

Vì vậy, theo ông Tuệ, có chăng việc tiếp cận vốn ngân hàng khó mà một số doanh nghiệp kêu trong thời gian qua chỉ là trong một thời điểm, chứ không phải phổ biến. Bởi thực tế hiện nay, các ngân hàng cũng đang phải cạnh tranh trong việc tìm khách hàng tốt để cho vay. 

Cũng theo ông Tuệ, hiện nay doanh nghiệp đã đang và tiếp tục khó khăn nên các chính sách vừa rồi chưa đủ, vì thế cần có thêm các chính sách quyết liệt hơn để hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng. Vì vậy, việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cần duy trì, nhưng phải nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thiết thực của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM kiến ghị, cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp bị thiệt hại và không thiệt hại bởi dịch để doanh nghiệp có thể vực dậy hoạt động sau dịch bệnh. Đồng thời, thủ tục cần được giảm thiểu hơn để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn hỗ trợ dễ dàng hơn.

Tin bài liên quan