Ngân hàng vượt trần lãi suất có thể bị phạt 1 tỷ đồng

Ngân hàng vượt trần lãi suất có thể bị phạt 1 tỷ đồng

Huy động vốn cao hơn mức lãi suất quy định, nhà băng có thể bị phạt từ 500 triệu đến một tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng có thể bị phạt 2 tỷ đồng nếu không trích lập dự phòng rủi ro đúng và đủ.

Trên đây là những quy định vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Dự thảo này sẽ thay thế Nghị định 202 của Chính phủ.

Theo đó, dự thảo nêu rõ, các hành vi vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối đa là 2 tỷ đồng, chưa kể phạt bổ sung bằng các hình thức như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề...

Riêng về các vi phạm đối với hoạt động huy động vốn, mức xử phạt cao nhất là 1,6 tỷ đồng. Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nếu có hành vi không niêm yết công khai lãi suất huy động vốn và mức phí cung ứng dịch vụ sẽ bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng.

 

Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các ngân hàng sẽ được nâng lên cao nhất là 2 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm giới hạn góp vốn, mua cổ phần quy định tại Điều 129 Luật các tổ chức tín dụng chỉ là 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng mức xử phạt 2 tỷ đồng là nhẹ. "Với mô hình sở hữu chéo, lợi ích nhóm phức tạp trong hệ thống hiện nay, phát hiện đã khó và xử phạt chỉ dừng lại ở 2 tỷ đồng là thấp. Bởi lợi ích mà kẻ vi phạm thu về sẽ lớn hơn con số này nên họ sẽ không ngại làm trái", vị này phát biểu.

Về phía ngân hàng, lãnh đạo một nhà băng cổ phần quy mô khá lớn nhìn nhận, mức xử phạt lách trần lãi suất cao nhất một tỷ đồng là cao. Tuy nhiên, vị này thừa nhận thẳng thắn: "Việc xác định đâu là mức độ vi phạm cao nhất của mỗi nhà băng lách trần lãi suất chắc chắn sẽ phức tạp".

Tương tự, đối với hành vi vi phạm về dự phòng rủi ro, mức phạt cao nhất theo quy định hiện hành là 12 triệu đồng. Ngân hàng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 tỷ đồng nếu không trích lập dự phòng rủi ro hoặc không thực hiện thu hồi đối với khoản nợ đã dùng dự phòng rủi ro để bù đắp đúng quy định.

Một trong những điểm mới của dự thảo lần này là nếu không mở tài khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước, không duy trì đủ số dư bình quân lần đầu trong năm tài chính, nhà băng cũng bị phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, nếu không duy trì đủ số dư bình quân phải dự trữ bắt buộc từ lần thứ hai trong năm tài chính theo quy định thì bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng.

Còn Dự thảo mới cũng đề xuất mức phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với hành vi không duy trì một trong các tỷ lệ đảm bảo an toàn: Tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có... Đồng thời, phạt tiền từ 1 - 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Trong khi đó, Điều 26, Nghị định 202 chỉ quy định phạt tiền từ 5 - 12 triệu đồng đối với ngân hàng không thực hiện đúng quy định về duy trì tỷ lệ an toàn về khả năng chi trả, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.