Ông Jan Bellens

Ông Jan Bellens

Ngân hàng Việt không nên bỏ qua cơ hội hợp tác với FinTech

(ĐTCK) Dưới góc nhìn của ông Jan Bellens, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu, thị trường ngân hàng và vốn EY Singapore, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) với ứng dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đang tiệm cận với giai đoạn phát triển đột phá. Ngân hàng không nên bỏ qua những thay đổi lớn của FinTech để tối ưu hóa hoạt động của mình.

FinTech rất phát triển tại các quốc gia thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng đối với Việt Nam, đất nước sử dụng tiền mặt là chủ yếu, FinTech chưa phải là mối lo đối với các ngân hàng truyền thống, thưa ông?

Thanh toán không dùng tiền mặt là vấn đề chung của những quốc gia đang phát triển và cần có thời gian để thay đổi tư duy này. Nhưng FinTech có thể chứng minh được là dùng ví điện tử sẽ tốt hơn nhiều so với dùng tiền mặt. Tiền mặt được nhiều người cho là an toàn nhất khi nằm trong ví của mình bên cạnh sự tiện lợi. Nhưng như bạn cũng thấy, thực tế chưa hẳn đã an toàn khi cầm tiền trong người, bởi tiền mặt có thể bị cướp, còn nếu ví điện tử bị mất cũng chưa chắc đã mất tiền.

Còn về tính tiện dụng thì chưa chắc tiền mặt đã hơn, bởi với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong những năm gần đây, ví điện tử hoàn toàn có thể thanh toán qua điện thoại, có cả hình thức online hoặc offline, giúp người dùng dù ở những nơi không có kết nối mạng internet vẫn có thể thanh toán được… Khi đó, việc dùng tiền mặt sẽ không còn cần thiết.

Trước kia, nền tảng công nghệ thông tin, di động của Việt Nam chưa được hỗ trợ đủ tốt cho thanh toán trực tuyến, nhưng vài năm gần đây, hầu như ai cũng dùng smart phone và việc phủ sóng wifi khắp nơi nên xu hướng phát triển thanh toán qua mạng là điều tất yếu. Với xu thế như vậy, cơ quan quản lý sớm hay muộn cũng buộc phải vào cuộc, xây dựng khung pháp lý về thanh toán qua ví điện tử.

Trên thế giới, có nhiều mô hình thành công trong việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt như Singapore, Thụy Điển. Việt Nam có thể tham khảo cách thức quản lý của những quốc gia trên.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm là thực tế chưa hẳn người tiêu dùng thích dùng tiền mặt. Ví dụ, nếu FinTech đẩy mạnh các hoạt động dùng ví điện tử trong việc thanh toán sẽ đưa ra các mức chiết khấu, khuyến mại , trong khi đó các chính sách ưu đãi không dành cho việc thanh toán bằng tiền mặt. Nếu thấy rõ lợi ích của ví điện tử, khách hàng chẳng có lý do nào để từ chối và dần dần người tiêu dùng muốn sử dụng rộng rãi hơn, tạo sức ép cho những điểm chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử nếu các điểm bán hàng muốn có sự cạnh tranh, đưa lại sự trải nghiệm tốt cho khách hàng. Đây là xu thế ứng dụng cho nhiều điểm tiếp nhận thẻ, thanh toán. 

Nếu nói về tương lai mô hình FinTech tại Việt Nam, ông sẽ nói gì?

FinTech ở Việt Nam không thể kiên trì phát triển một cách từ từ. Bởi lẽ quy mô của các doanh nghiệp này vẫn còn rất nhỏ bé, nếu duy trì quy mô nhỏ trong thời gian dài sẽ dẫn đến mất hết vốn, do vậy, cần định hướng về hợp tác chiến lược. Nếu tôi là doanh nhân, sẽ không mở ra một doanh nghiệp FinTech mới bởi hoạt động thanh toán như vậy là rất khó mà bản chất phải là hợp tác với ai?

Mô hình ngân hàng truyền thống có điểm mạnh là đáng tin cậy, khung pháp lý vững, đảm bảo an toàn của khách hàng, nhưng có trở ngại là ít linh hoạt, không tạo sự trải nghiệm cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ, sản phẩm. Ngược lại, FinTech mang lại trải nghiệm tốt, linh hoạt cho khách hàng, với công nghệ tiên tiến, nhưng chưa thể gây dựng được lòng tin cần thiết vì là các thương hiệu chưa mạnh.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng trưởng của FinTech thường chậm lại sau thời gian đầu vì thiếu nguồn tài chính. Tại Việt Nam, mặc dù FinTech bắt đầu chậm, nhưng hoạt động đã diễn ra trên diện rộng và tiệm cận với giai đoạn đột phá. Mô hình ngân hàng - FinTech là một tương lai tươi sáng tại thị trường Việt Nam. 

Ngân hàng nên xác định FinTech là đối tượng cạnh tranh hay là hợp tác, theo ông?

Câu trả lời của tôi là cả hai. Ngân hàng có thể lợi dụng sự tăng trưởng và đổi mới của FinTech cũng như có thể dựa trên đội ngũ của FinTech qua hợp tác để tối ưu dịch vụ ngân hàng đang cung cấp. Nhưng để có được lợi ích từ khai thác FinTech thực sự, ngân hàng phải có sự gắn bó, cộng tác chặt chẽ hơn với các ứng dụng FinTech, thay vì chỉ thuê một bên thứ ba thực hiện.

Hoặc có thể thông qua kênh M&A giữa một bên ngân hàng có tiềm lực vốn mạnh với một doanh nghiệp FinTech có sự đột phá về công nghệ, hay là đầu tư mạo hiểm, tham gia trong ban điều hành của một doanh nghiệp FinTech… Ngân hàng không nên bỏ qua những thay đổi lớn của FinTech để tối ưu hóa hoạt động của mình và cần xác định rõ FinTech là cánh tay nối dài của các ngân hàng.

Tin bài liên quan