Ngân hàng ưu tiên mục tiêu phòng thủ

Ngân hàng ưu tiên mục tiêu phòng thủ

(ĐTCK) Dù tăng trưởng dư nợ tín dụng vẫn thấp, dư địa cho vay còn nhiều và nhu cầu vốn của khách hàng luôn có, song với các nhà băng lúc này, ưu tiên số 1 là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay để hạn chế nợ xấu.

Ngân hàng ưu tiên mục tiêu phòng thủ  ảnh 1

Tăng trưởng tín dụng khu vực TP. HCM 10 tháng qua mới đạt mức hơn 2%

 

Tại Sacombank, tăng trưởng dư nợ tín dụng của Ngân hàng tính đến cuối tháng 10/2012 đạt 9,1%, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Ngân hàng nhận được trong năm nay là 17%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tăng gấp đôi so với cuối năm 2011, từ 0,57% lên 1,26%. Trong đó, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn đều tăng gấp 2,5 lần so với cuối năm ngoái. 9 tháng đầu năm, khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng lên đến 484 tỷ đồng.

Trước bối cảnh này, theo ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, Ngân hàng sẽ thận trọng trong phát triển tín dụng, nhằm hạn chế nợ xấu gia tăng. Dù đã thành lập Ban Xử lý nợ xấu, nhưng lo ngại nợ xấu ngành ngân hàng tiếp tục gia tăng, HĐQT Ngân hàng nhận định, khả năng lợi nhuận sau trích lập dự phòng năm nay có thể chỉ đạt 2.800 tỷ đồng (trên kế hoạch được ĐHCĐ giao là 3.400 tỷ đồng).

Tương tự, tại OCB, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cũng cho hay, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng 10 tháng qua chỉ mới đạt hơn nửa chỉ tiêu nhận được cho cả năm là 15%. Song Ngân hàng không vì thế mà đẩy mạnh cho vay ồ ạt. “Nếu không thận trọng, rủi ro nợ xấu sẽ cao, lợi nhuận bị thu hẹp”, ông Tuấn nói. Khả năng mục tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng năm nay OCB cũng khó có thể đạt được, do chi phí trích lập dự phòng “ăn” hết lợi nhuận.

Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu vốn của doanh nghiệp trong quý IV có dấu hiệu tăng hơn so với các quý đầu năm, nhưng không bằng những năm trước. Đồng thời, số lượng hợp đồng tín dụng đã ký trong quý trước, hiện tiến độ giải ngân vốn vẫn chậm.

Phía ngân hàng cũng xem xét kỹ khách hàng, chất lượng khoản vay để tránh tình trạng nợ xấu gia tăng. Vì thế, theo lãnh đạo các ngân hàng, kỳ vọng tín dụng tăng mạnh trong dịp cuối năm là rất khó. Trong khi đó, nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm, do khả năng trả nợ của doanh nghiệp sụt giảm bởi sức mua vẫn chậm, hàng tồn kho ngày một tăng cao.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, công việc chính của Ngân hàng là cơ cấu và thu hồi nợ cũ. Đối với các khoản vay mới hầu như nhà băng này rất thận trọng và chỉ hỗ trợ cho khách hàng có khả năng trả nợ tốt. Do đó, đến thời điểm này, tín dụng của ngân hàng trên vẫn âm.

Tuy nhiên, vị tổng giám đốc trên cho rằng, không nhất thiết phải chạy đua để tăng trưởng chỉ tiêu tín dụng trước diễn biến thị trường hiện nay. “Càng cho vay nhiều, càng khó thu hồi nợ. Nhưng nói vậy, không có nghĩa là không cho vay. Bởi hoạt động chính của ngân hàng là huy động và cho vay, song lúc này, đòi hỏi phải quản lý được rủi ro từ các khoản vay”, vị tổng giám đốc này nói. 

Nợ xấu đang là vấn đề nhức nhối tại các ngân hàng, trong đó các khoản cho vay ở lĩnh vực bất động sản trước đây hầu như khó có khả năng thu hồi. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM cho biết, nợ xấu khu vực TP. HCM tính đến cuối tháng 10/2012 là 6,2%, trong đó, nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu giảm, song ông Minh từ chối cung cấp con số.

Ông Minh cũng thừa nhận, nợ xấu đang là rào cản đối với các ngân hàng trong phát triển hoạt động cho vay hiện nay nên tăng trưởng tín dụng khu vực TP. HCM 10 tháng qua mới đạt mức hơn 2% và khả năng từ nay đến cuối năm khó kỳ vọng cao.

Hiện các nhà băng đang đẩy mạnh vốn cho vay mua nhà, với lãi suất ưu đãi từ 9 - 15%/năm, nhằm cơ cấu lại nợ và giảm tỷ lệ nợ xấu ở lĩnh vực này, song theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khó có thể cải thiện được tình hình nợ xấu bất động sản. Bởi thị trường nhà đất chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn và nợ xấu vẫn làm “tắc” dòng chảy tín dụng.