Lợi nhuận quý 3/2021 của nhiều ngân hàng vẫn khả quan

Lợi nhuận quý 3/2021 của nhiều ngân hàng vẫn khả quan

Ngân hàng tuần này: Hé lộ lợi nhuận quý III, mong sớm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ

0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận của một số ngân hàng quý III/2021 được hé lộ, tranh cãi gói cấp bù lãi suất 100.000 tỷ đồng, đề xuất luật hóa nợ xấu... là những vấn đề đáng chú ý trong tuần này.

Hé lộ lợi nhuận quý III/2021 của một loạt ngân hàng

Tính đến thời điểm này, mới chỉ có TPBank công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm với tín dụng tăng 15%, lợi nhuận đạt 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, SSI Research vừa dự báo về kết quả kinh doanh của một loạt ngân hàng. Theo SSI, quý trong III/2021, ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất là Techcombank với 5.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, mức 35,7% so với cùng kỳ. Vietcombank có lợi nhuận thấp hơn (5.000 tỷ đồng) do mạnh tay cắt giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng lợi nhuận chỉ 0,3% trong quý 3.

MB và VPBank cũng được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận tốt trong quý 3/2021 với lãi trước thuế ước đạt 3.200 (VPBank) đến 3.300 – 3.400 tỷ đồng (MB), vượt qua VietinBank (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Trong số các ngân hàng được SSI Research dự báo kết quả hoạt động quý 3/2021, duy nhất VIB được dự báo sẽ tăng trưởng âm, còn lại các ngân hàng khác đều tăng trưởng lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của tất cả ngân hàng đều tăng trưởng dương. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Vietcombank và VietinBank tăng trưởng thấp (5,4% và 2,7%) do giảm mạnh lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. Lợi nhuận nhóm ngân hàng TMCP vẫn tăng cao, đơn cử như Techcombank, MB, HDBank, ACB, VIB…

Gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng: Lo doanh nghiệp chết cơ chế vẫn chưa xong

Cộng đồng doanh nghiệp đang mong đợi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sớm tung ra gói tín dụng hỗ trợ lãi suất quy mô 100.000 tỷ đồng (ngân sách cấp bù lãi suất khoảng 3.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện đang có rất nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đối tượng và cơ chế tiếp cận gói vay này.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói tín dụng hỗ trợ lãi suất này chỉ nên tập trung vào một số địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, tập trung vào các ngành hàng thế mạnh đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh và có tiềm năng, triển vọng phục hồi tốt sau dịch bệnh, như xuất khẩu (dệt may, nông sản, linh kiện điện tử), nông nghiệp, hàng không… Sau khi xác định rõ ngành nghề được tiếp cận gói tín dụng này, thì cơ quan chức năng cũng phải có cơ chế giám sát chặt nguồn vốn vay ưu đãi, tránh tình trạng cho cho doanh nghiệp thân hữu vay ưu đãi lãi suất như đã xảy ra năm 2009.

Về cơ chế cho vay, có ý kiến cho rằng, cần hạ chuẩn vay thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận. Song cũng nhiều chuyên gia cho rằng, dù cho vay cấp bù lãi suất, song ngân hàng không nên nới lỏng điều kiện vay. Lý do là, dù cho vay hỗ trợ lãi suất, nhưng ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm thu hồi khoản vay, không được làm thất thoát ngân sách. Nếu cho vay dưới chuẩn, khả năng thu hồi vốn, bảo toàn ngân sách sẽ khó khăn.

Do những tranh cãi liên quan đến gói vay này vẫn chưa ngã ngũ, nhiều doanh nghiệp sốt ruột kiến nghị cần nhanh chóng thống nhất để “cấp bình ô xy” cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp chết mà cơ chế vẫn chưa bàn xong cơ chế.

Đề xuất luật hóa xử lý nợ xấu

Trong báo cáo gửi tới Quốc hội tuần này, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đánh giá tình hình nợ xấu, đồng thời đề nghị luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo NHNN, Nghị quyết 42 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu, song Nghị quyết này chỉ có hiệu lực trong 5 năm và sẽ kết thúc vào tháng 8/2022 tới. Trong khi đó, nợ xấu đang tăng mạnh do ảnh hưởng của Covid 19.

Đến cuối tháng 6/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,73% (cuối năm 2020 là 1,69%). Song nếu tính cả nợ ngoại bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu, nợ được cơ cấu lại thì tỷ lệ này là 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Vì thế, NHNN đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc luật hoá các chính sách quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD, theo hướng ban hành 1 luật riêng quy định về xử lý nợ xấu.

Nhanh chóng tăng vốn cho ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội tuần qua, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho đề nghị, Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, đồng thời, mong Quốc hội và các bộ, ngành xem xét chấp thuận chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, giúp ngân hàng tăng năng lực tài chính.

Trong báo cáo vừa gửi tới Quốc hội, NHNN cũng đề nghị bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo đủ mức vốn tự có theo chuẩn an toàn vốn của Basel II.

Trong số 3 ngân hàng TMCP nhà nước, ngoài VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn thành công, cuối tháng 9/2021 vừa qua, Vietcombank cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Riêng BIDV hiện vẫn chưa được Chính phủ thông qua phương án tăng vốn.

Chưa cần siết thêm tín dụng bất động sản

Liên tiếp những trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc và rủi ro tương tự tại Việt Nam khiến giới chuyên gia khuyến nghị NHNN và Bộ Tài chính giám sát dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, hai quả bom nợ phát nổ của tại thị trường Trung Quốc chính là bài học nhãn tiền cho Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam phát hành trái phiếu rất dễ dãi, kém minh bạch, không qua xếp hạng tín nhiệm. Thậm chí, theo chuyên gia này, tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam còn tệ hơn cả tình hình của Evergrande.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù doanh nghiệp bất động sản Việt Nam sử dụng đòn bẩy tài chính lớn không kém doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu khoảng 0,6-0,7 lần), song khả năng trả nợ lại tốt hơn nhiều doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc.

Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận gộp ngành bất động sản tại Việt nam cũng cao hơn nhiều so với Trung Quốc nên doanh nghiệp bất động sản vẫn sống khỏe, nhiều tiềm năng phát triển, khó có trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp xảy ra như Trung Quốc.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, chưa nhất thiết phải siết thêm tín dụng bất động sản. NHNN cũng khẳng định, tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm dần thời gian qua và tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là nhu cầu thiết yếu của người dân và nền kinh tế (chiếm hơn 60% dư nợ bất động sản). NHNN cũng thường xuyên thanh tra, giám sát, chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Tín dụng dự báo sẽ phục hồi 3 tháng cuối năm:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9/2021 đạt 7,17%, cao hơn mức 4,99% cùng kỳ năm 2020. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, dự kiến tín dụng sẽ hồi phục trong 3 tháng cuối năm. Ông Tuấn cho rằng, tín dụng cả năm sẽ đạt 12%.

Theo lý giải của ông Tuấn Anh, mục tiêu tín dụng năm nay là 12%, nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Ngân hàng không hề siết chặt, mà còn mong muốn doanh nghiệp được vay vốn thuận lợi. NHNN có thể tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. NHNN cũng tiếp tục theo dõi diễn biến lãi suất của thị trường và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cân đối, xem xét tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.

Các chuyên gia phân tích của VNDirect cũng cho rằng, tín dụng chững lại trong quý III/2021, nhưng nhờ môi trường lãi suất cho vay giảm thấp, nên nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát đáy

Giữa tuần qua, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 5/10, cổ phiếu ngân hàng hồi phục mạnh mẽ, sắc xanh cũng phủ rộng của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã giúp thị trường đi lên. Trong đó, CTG tăng 2,79% đóng góp tới 1,02 điểm của thị trường, VCB (+1,06%) góp 0,97 điểm tăng, STB (+5,97%) góp 0,75 điểm tăng...

Tuy vậy, trong các phiên giao dịch tiếp đó, cổ phiếu ngân hàng không còn giữ được đà tăng. Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 8/10), cổ phiếu ngân hàng lại ngập trong sắc đỏ, trở thành lực cản của thị trường, đơn cử như: HDB, MBB, CTG, VIB, TPB, ACB, VCB.

Đáng lưu ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa, bên cạnh đa số cổ phiếu giảm điểm thì cũng có những cổ phiếu bứt phá phiên giao dịch cuối tuần qua như: VCB, VPB, SSB.

Tin bài liên quan