Tăng thu ngoài lãi
Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, không chỉ thu thuần từ hoạt động chính tăng, nhiều nhà băng còn lãi lớn từ mảng dịch vụ, trong đó đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động bán bảo hiểm (bancassurance).
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán ACB - sàn HOSE), tín dụng tăng chậm, dự phòng cao, nhưng nhà băng này vẫn thực hiện được 85% kế hoạch lợi nhuận năm 2021 sau 9 tháng, một phần nhờ thu thuần từ dịch vụ và bán bảo hiểm tăng trưởng mạnh.
Tính riêng quý III/2021, lãi từ hoạt động dịch vụ của ACB tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 636 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 67%, đạt gần 2.147 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, năm 2021, thu nhập từ phí dịch vụ (NFI) của ACB sẽ tăng 54,2% so với mức giảm 10,6% của năm 2020, nhờ vào hợp đồng bancassurance với Sun Life Việt Nam (ước tính phí trả trước 370 triệu USD sẽ được phân bổ đều trong 15 năm).
Đồng thời, tỷ lệ phí trên thu nhập (CIR) trong giai đoạn 2021 - 2023 của ACB sẽ cải thiện quanh mức 47% nhờ việc kiểm soát tốt chi phí.
Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID - sàn HOSE), quý III/2021 ghi nhận dịch vụ bảo hiểm tăng 60% so với cùng kỳ năm 2021.
Với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB - sàn HOSE), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, trong quý IV/2021, Vietcombank nhiều khả năng sẽ ghi nhận khoảng 850 tỷ đồng phí trả trước hợp đồng bancassurance, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh so với quý III.
Thu nhập hoạt động dịch vụ của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán MSB - sàn HOSE) trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 2.448 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020, đóng góp chính là nguồn thu từ hoạt động bancassurance (chiếm 65%).
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt ở hầu hết các mảng chính và chi phí được kiểm soát với chỉ số CIR ở mức 32,7%, giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt hơn nhiều so với mức tăng của chi phí hoạt động, nhất là dịch vụ.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2021 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán TCB - sàn HOSE) ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ gần 4.280 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí hoạt động, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm đạt hơn 710 tỷ đồng, tăng 31%.
Tổng giám đốc Techcombank, ông Jens Lottner cho hay, tình hình kinh doanh bảo hiểm quý III và 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng tích cực, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng tư vấn bảo hiểm qua hệ thống online và cung cấp đầy đủ các thông tin qua hình thức trực tuyến nên không bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian giãn cách.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB - sàn HOSE) ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ gần 8.490 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng gần 52% so với cùng kỳ năm trước. Do chi phí hoạt động dịch vụ tăng nên lãi thuần từ hoạt động dịch vụ có mức tăng thấp hơn là 21,5% so với cùng kỳ, đạt 3.021 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý, thu nhập từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB đạt hơn 5.656 tỷ đồng, chiếm 66% tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ và tăng 43,6% so với cùng kỳ.
Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB - sàn HOSE), thu từ hoa hồng môi giới bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt trên 186 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 106 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước, góp phần giúp thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 812 tỷ đồng.
Hiện tại, không ít hợp đồng bancassurance độc quyền đang được các ngân hàng đàm phán ký kết với công ty bảo hiểm.
Chẳng hạn, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán CTG - sàn HOSE) cho hay, Ngân hàng đang tiến hành các thủ tục hoàn tất hợp đồng bancassurance với Manulife, dự kiến ghi nhận thu nhập trong quý I/2022. BVSC nhận định, nhiều khả năng thương vụ Manulife mua lại Aviva sẽ được phê duyệt trong năm 2022 và VietinBank ghi nhận khoảng 1.400 tỷ đồng từ phí trả trước vào lợi nhuận.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB - sàn HOSE) đang thảo luận với đối tác là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA về thỏa thuận bancassurance độc quyền.
Việc đa dạng hóa dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, số hóa mạnh mẽ đang giúp các ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng, giảm gánh nặng dự phòng rủi ro.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, mã chứng khoán HDB - sàn HOSE) và Dai-ichi Life Việt Nam đang đàm phán lại hợp đồng bancassurance độc quyền dài hạn.
Việc đa dạng hóa dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu, số hóa mạnh mẽ đang giúp các ngân hàng giảm phụ thuộc vào tín dụng, giảm gánh nặng dự phòng rủi ro và sẽ tiếp tục “sống khỏe” thời gian tới, khi nền kinh tế đang quay trở lại trạng thái bình thường mới.
Tăng tỷ lệ CASA
Tín dụng tăng trưởng chậm trong 9 tháng đầu năm 2021, nhưng nhờ chi phí vốn rẻ (lãi suất huy động giảm dần), tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) được cải thiện, nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn từ mảng tín dụng.
Tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3,6% so với đầu năm, tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống, điểm tích cực khác là tỷ lệ CASA tăng từ mức 19,5% đầu năm lên 23,2% tính đến cuối tháng 9.
Nhờ tỷ lệ CASA tăng mạnh, biên lãi ròng (NIM) của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì thế, dù cho vay khách hàng chững lại nhưng Ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận tốt, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 8.968,3 tỷ đồng.
VPBank cho hay, các hoạt động đẩy mạnh nền tảng ngân hàng số cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa đã mang lại kết quả khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới.
Tổng số giao dịch qua nền tảng ngân hàng số VPBank Neo đạt hơn 95 triệu, gấp 2,24 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, Ngân hàng tối ưu hóa chi phí vốn, duy trì biên lãi thuần và cải thiện CASA.
Tỷ lệ CASA của VPBank cuối quý III đạt 22,1%, tăng so với mức 18,8% ở thời điểm cuối quý II, góp phần giảm chi phí vốn cho Ngân hàng. Theo đó, hệ số NIM bình quân 9 tháng hợp nhất là 8,5% và riêng lẻ là 5,4%. Kết quả, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 11.700 tỷ đồng, tăng gần 25% so cùng kỳ năm 2020.
TPBank có thu nhập lãi thuần quý III/2021 tăng mạnh, một phần nhờ chi phí huy động được cải thiện khi tỷ lệ CASA đạt 21,6%, dựa trên nền tảng ngân hàng kỹ thuật số ưu việt và cơ sở khách hàng mở rộng.
Ông Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, nhờ tập trung phát triển mạnh dịch vụ ngân hàng điện tử, quy mô CASA đạt hơn 29.000 tỷ đồng tính đến cuối quý III/2021 và dự kiến đạt 32.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. MSB đặt mục tiêu từ nay đến năm 2023, tổng tài sản tăng 17%/năm và huy động vốn tăng 16%/năm, CASA hướng đến mốc 40.000 tỷ đồng.
Quy mô CASA của MB tính đến cuối tháng 9/2021 tăng thêm 34.557 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ CASA đạt 37,1%, tăng 2,3% so cùng kỳ.
CASA tăng là một trong những yếu tố quan trọng giúp MB tiết kiệm chi phí huy động vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động tín dụng, thực hiện nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng vượt qua khó khăn vì đại dịch trong thời gian qua.
Dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng đầu năm 2021 tăng 43,5%, lên đến 6.018 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng vẫn lãi hơn 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
Tổng giám đốc Techcombank cho biết, kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11.500 tỷ đồng dư nợ đã được Ngân hàng tái cấu trúc cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021.
Techcombank vẫn đạt 17.100 tỷ đồng trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2021 và tự tin hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm ở mức 19.800 tỷ đồng, một phần nhờ tỷ lệ CASA tăng mạnh, đạt 49,0% tính đến cuối quý III, tăng so mức 46,1% cuối quý II, do Ngân hàng đẩy mạnh các gói sản phẩm, dịch vụ tiền gửi và giao dịch.
Với diễn biến thị trường hiện nay, Tổng giám đốc Techcombank nhận định, tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2021.
Nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, có 16 ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/7 đến 30/9/2021 với tổng số tiền lãi giảm khoảng 12.236 tỷ đồng, dự kiến cả năm 2021 giảm 20.613 tỷ đồng.