Trong chiến lược kinh doanh, SHB luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng đến các công tác bảo vệ môi trường.

Trong chiến lược kinh doanh, SHB luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng đến các công tác bảo vệ môi trường.

Ngân hàng tích cực “xanh hóa” tín dụng

(ĐTCK) Không chỉ là kênh cung ứng vốn quan trọng nhất trong nền kinh tế, ngân hàng còn đóng vai trò trong việc “xanh hóa” dòng vốn đầu tư với việc nắn dòng vốn vào những lĩnh vực xanh, hạn chế dòng vốn vào những dự án gây ảnh hưởng tới môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Tín dụng xanh - xu hướng tất yếu

Không chỉ tại Việt Nam, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn chung của toàn cầu.

Bởi vậy, xu hướng đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm xanh của cá nhân, doanh nghiệp được Chính phủ khuyến khích áp dụng. Với ngành ngân hàng, tín dụng xanh cũng đang được các ngân hàng tập trung triển khai, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mặt trời, dự án thân thiện với môi trường...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 242.355 tỷ đồng, tăng 2% so với cuối năm 2018, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh với 131.839 tỷ đồng, chiếm 55% tổng dư nợ tín dụng xanh; quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn đạt 31.685 tỷ đồng, chiếm 13%; lâm nghiệp bền vững đạt 13.657 tỷ đồng, chiếm 5,7%; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt 8.348 tỷ đồng, chiếm 3,5%.

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, tín dụng xanh đã có nhiều chuyển biến tích cực khi có sự tham gia của ngày càng nhiều các ngân hàng nhờ tiếp cận được dòng vốn giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế, góp phần làm hấp dẫn thêm các dự án xanh.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, cho vay những dự án xanh không chỉ ít rủi ro hơn so với các khoản vay tín dụng thông thường, mà còn mang lại nhiều lợi ích hơn vì mục tiêu phát triển bền vững, dài hạn, bảo vệ môi trường.

Tất nhiên, khi cho vay, ngân hàng vẫn phải lựa chọn dự án, khách hàng, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro.

Vị này nhấn mạnh thêm, không chỉ tính đến hiệu quả kinh doanh, các ngân hàng giờ đây còn tuân thủ các yếu tố môi trường, xã hội, nhằm hướng đến sự phát triển bền vững, vì lợi ích chung của cộng đồng.

Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;

Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

“Về nhóm giải pháp, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng xanh, ban hành độc lập hoặc lồng ghép trong chiến lược, kế hoạch phát triển hoạt động kinh doanh hàng năm. Khuyến khích các ngân hàng xây dựng chính sách cụ thể cho các lĩnh vực môi trường nhạy cảm…”, bà Giang nói.

Ngân hàng tích cực “xanh hóa” tín dụng

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tích cực gia nhập cuộc đua “tín dụng xanh” sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam vào tháng 8/2018.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, SHB…

Là một trong số những ngân hàng tích cực đẩy mạnh “xanh hóa” tín dụng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã và đang triển khai khá đồng bộ các sản phẩm thế mạnh được đánh giá là phù hợp với Danh mục tín dụng xanh của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là các sản phẩm cho vay nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo/năng lượng sạch, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng…

Bên cạnh đó, SHB cũng tích cực nghiên cứu và tham gia các chương trình, hoạt động do Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, trong chiến lược kinh doanh của mình, SHB luôn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng đến các công tác bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục được tiếp cận các chương trình và hoạt động trong khuôn khổ ‘Cải cách khu vực tài chính xanh’ và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực ‘Ngân hàng xanh’ nhằm phát huy hơn nữa các thế mạnh sẵn có của SHB, nâng cao hơn nữa năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực ngân hàng - tín dụng xanh mà SHB mong muốn tiếp tục mở rộng.

Từ đó, có thêm các cơ hội phát triển, góp phần triển khai ngân hàng xanh tại SHB nói riêng và thúc đẩy phát triển hệ thống ngân hàng xanh nói chung tại Việt Nam”, ông Lê nói.

Với kinh nghiệm tham gia triển khai thành công các dự án ODA từ năm 2003, với tư cách là ngân hàng cho vay lại và ngân hàng phục vụ các dự án ODA do các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước tài trợ, SHB nhận thấy, ngoài việc cung cấp nguồn vốn trung dài hạn để hỗ trợ các chủ dự án, việc tư vấn an toàn kỹ thuật theo các quy định của nhà tài trợ, hỗ trợ cung cấp chương trình tài chính carbon, các chương trình đào tạo, bảo lãnh khoản vay… là những công cụ có thể giúp nâng cao tính khả thi của việc tài trợ cho các lĩnh vực xanh và phát triển bền vững.

Từ đó, SHB có thể áp dụng các kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển, hoàn thiện các chương trình, sản phẩm, xây dựng chính sách tín dụng, bao gồm yêu cầu đánh giá tác động môi trường, xã hội đối với một số loại dự án nhằm nâng cao nhận thức của khách hàng về tài chính và dịch vụ ngân hàng, các vấn đề về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững.

Ðiều này sẽ giúp các doanh nghiệp, các hộ nông thôn mở rộng hoạt động kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

Ðồng thời, kết nối các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, xuất khẩu; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, các hoạt động song song như các chương trình từ thiện đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá mới mẻ, xu hướng mở rộng các điều kiện xem xét cho vay đối với các dự án có tính đến yếu tố tác động môi trường mới đang được nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện.

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội.

Trong đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường là đặc biệt quan trọng.

Mặt khác, công tác thông tin, truyền thông về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và chính sách tín dụng xanh của tổ chức tín dụng cần được chú trọng thực hiện để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận, doanh nghiệp đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh của tổ chức tín dụng nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ có sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong phát triển tín dụng xanh là chưa đủ, cần có thêm các quy định, chế tài để nhiều bộ, ngành khác tham gia; có thêm chính sách không chỉ khuyến khích, mà là bắt buộc các bên tham gia đầu tư, kinh doanh phải đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường…

Tin bài liên quan