Đặc biệt khẩn cấp cần tăng vốn điều lệ hiện nay là VietinBank

Đặc biệt khẩn cấp cần tăng vốn điều lệ hiện nay là VietinBank

Ngân hàng tăng vốn, vẫn chờ Nghị định 91 sửa đổi

(ĐTCK) Tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối ngày càng cấp bách hơn.

Tăng vốn điều lệ vẫn phải chờ…

Một trong nhiều nội dung đáng chú ý của Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 đã được Chính phủ ban hành là: “Phấn đấu đến cuối năm 2020, các ngân hàng thương mại cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, kịp thời tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Agribank”.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thông tin về việc các ngân hàng có vốn nhà nước sẽ được tăng vốn ngay trong quý I/2020 đã làm “rộn ràng” thị trường. Cụ thể, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank. Còn với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thống đốc NHNN đã phải đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến với Dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của NHNN về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước để NHNN sớm hoàn thiện gửi Văn phòng Quốc hội phục vụ phiên họp tới.

Nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời để cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối đều tăng được vốn thì Nhà nước sẽ bảo đảm được vai trò chi phối, từ đó phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các ngân hàng này.

- Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO

Đồng thời, Thống đốc NHNN đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước nắm quyền chi phối (BIDV, Vietcombank, VietinBank).

Thực tế cho thấy, sau thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống, đạt 40.220 tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank với 37.234 tỷ đồng, Vietcombank là 37.089 tỷ đồng và Agribank là 30.591 tỷ đồng. BIDV tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản với con số gần 1,5 triệu tỷ đồng, tiếp theo là Agribank đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, VietinBank là 1,24 triệu và Vietcombank ở con số 1,22 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, CAR theo chuẩn mực vốn Basel I bình quân của BIDV, Vietcombank, VietinBank và
Agribank đã sát mức tối thiểu theo quy định 9% và thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước là 13%. Để tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn)…

Đặc biệt khẩn cấp cần tăng vốn điều lệ là VietinBank, bởi ngân hàng này có tốc độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước và từ năm 2014 tới nay không được bổ sung thêm vốn điều lệ. Do đó, hệ số CAR của VietinBank tương ứng bị sụt giảm và hiện đã tiến sát ngưỡng tối thiểu theo quy định. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank hiện đã xuống dưới mức tối thiểu 65% theo chủ trương của Chính phủ.

“Nếu không tăng được vốn điều lệ, các ngân hàng này sẽ phải giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn phục vụ nền kinh tế, từ đó có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế, đồng thời có nguy cơ vi phạm tỷ lệ an toàn vốn, ảnh hưởng xấu đến an toàn hoạt động, mức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, uy tín trên thị trường; hạn chế vai trò chủ lực của các ngân hàng này trong toàn hệ thống (các ngân hàng thương mại nhà nước hiện có tổng tài sản và dư nợ tín dụng chiếm thị phần khoảng 50% toàn hệ thống ngân hàng - PV)”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịchHội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nhấn mạnh.

… đến khi nào?

Về chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” đã đề ra mục tiêu: Tăng vốn điều lệ để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các ngân hàng thương mại nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ mức tối thiểu 65% tổng số cổ phần.

Đồng thời, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã yêu cầu: Đến năm 2020, các ngân hàng thương mại nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực an toàn vốn của Basel II.

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp”.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa được Vietcombank công bố cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.

Tương tự, VietinBank cũng giảm lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí
dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng trong quý I/2020 tăng 35,52% so với cùng kỳ năm 2019 do tăng trích lập cho nợ nhóm 3 tăng lên. Việc đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro xuất phát từ chính sách quản trị rủi ro thận trọng của VietinBank. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 2.974 tỷ đồng.

Tại BIDV, trong quý I, thu nhập lãi thuần đạt 9.149 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2019. Hoạt động dịch vụ tăng khá mạnh từ 876 tỷ đồng lên 1.086 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh cũng có sự khởi sắc khi mang về 419 tỷ đồng, 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và 361,5%. Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm mạnh xuống 581 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đạt 1.264 tỷ đồng.

Mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng nhẹ lên 7.855 tỷ đồng nhưng do chi phí dự phòng rủi ro tăng khá mạnh lên hơn 6.000 tỷ đồng, quý I/2020, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.814 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2019 đạt 2.025 tỷ đồng).

Rõ ràng, trước tác động bởi đại dịch Covid-19, lợi nhuận các ngân hàng đã sút giảm, đặc biệt, trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng.

“Nếu nhận được sự hỗ trợ kịp thời để cả 4 ngân hàng đều tăng được vốn thì Nhà nước sẽ bảo đảm được vai trò chi phối, từ đó phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các ngân hàng này là công cụ đắc lực để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có việc cung ứng vốn cho tăng trưởng kinh tế, góp phần giúp Chính phủ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm nay và những năm tiếp theo; gia tăng nguồn thu ngân sách; về lâu dài, bảo đảm an toàn hoạt động cho hệ thống các tổ chức tín dụng...”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Được biết, theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014), chỉ có một số loại hình doanh nghiệp được nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của nhà nước. Hướng dẫn nội dung này, Nghị định 91/2015/NĐ-CP và Nghị định 32/2018/NĐ-CP cụ thể hoá danh mục về lĩnh vực nhà nước phải bổ sung vốn để giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, bảo đảm an ninh, quốc phòng; trong đó, không có “ngân hàng thương mại Nhà nước giữ cổ phần chi phối”.

Theo đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91 và phải hoàn thành trong tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định sửa đổi vẫn nằm ở dạng... dự thảo.

Tin bài liên quan