Tất cả các nhà băng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng kịch trần cho phép

Tất cả các nhà băng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng kịch trần cho phép

Ngân hàng tăng hút vốn

Với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tiếp tục cải thiện trong năm 2017, các ngân hàng đã tranh thủ thu hút nguồn tiền gửi ngay những ngày mở cửa sau Tết Nguyên đán.

Ra “chiêu” đầu năm

Tại Ngân hàng Xây dựng (CB), khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ 10 triệu đồng trở lên sẽ có cơ hội nhận ngay hàng ngàn quà tặng đầu năm. CB còn áp dụng trong 9 ngày vàng đầu xuân với mức lãi suất 8%/năm khi gửi mới hoặc gia hạn thẻ tiết kiệm chỉ từ 100 triệu đồng, kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.

Không chỉ các nhà băng nhỏ tăng khuyến mãi trong những ngày mở cửa sau Tết, mà ngay cả những nhà băng quy mô như Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hay Ngân hàng Quốc tế (VIB)… cũng rầm rộ tung “chiêu” hút khách hàng. Sacombank triển khai chương trình “Lộc xuân may mắn” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 2 tháng tại các điểm giao dịch, với tổng giá trị quà tặng bằng tiền mặt lên đến gần 1 tỷ đồng. Khách hàng cũng có thể nhận lì xì đến 1 triệu đồng khi mở sổ tiết kiệm tại VIB từ nay đến ngày 28/2.

Ngoài phần thưởng là quà tặng, các nhà băng cũng tăng lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,8%/năm lên 5,5%/năm. Tại Ngân hàng Á Châu (ACB) thẻ tiết kiệm mở mới, tái tục của khách hàng tất cả các kỳ hạn tiền gửi từ nay đến hết ngày 10/4 sẽ được cộng thêm lãi suất tiết kiệm lên đến 0,2%/năm…

Trước lo ngại một cuộc đua tăng lãi suất, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, do ngân hàng khó có thể tăng lãi suất cho vay ra, nên lãi suất đầu vào sẽ không tăng nhiều.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng nhận định, lãi suất vẫn là một trong những vấn đề được quan tâm trong năm 2017. Bởi nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hành động theo như kế hoạch thêm ba lần tăng lãi suất trong năm nay thì không chỉ tỷ giá, mà lãi suất cũng khó tránh được áp lực.

Đó cũng là một trong những lý do được các chuyên gia tài chính cho là cơ quan điều hành ngành ngân hàng chưa thể bỏ trần lãi suất. Hiện trần lãi suất kỳ hạn ngắn từ 6 tháng trở xuống được duy trì mức 5,5%/năm.

Đẩy mạnh tín dụng?

Với mục tiêu tín dụng tăng 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18% mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay, lãnh đạo các nhà băng cho biết, sẽ bám sát mục tiêu này để triển khai kế hoạch năm. Theo đó, các nhà băng đều đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng kịch trần cho phép, nhất là ở những nhà băng lớn, ngay khi nhận được “room” mới đã đẩy mạnh cho vay.

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của Ngân hàng sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng của ngành, trong đó đẩy mạnh tín dụng cho vay nhỏ lẻ. Lãi suất cho vay sẽ nỗ lực giảm thêm để mở rộng thị phần tín dụng.

Tại VIB, lãnh đạo nhà băng này cho biết, tiếp tục áp dụng lãi suất vay ưu đãi từ 7,6%/năm cho các khoản vay mới để mua, xây dựng sửa chữa nhà và mua ô tô. Thời gian phát hành cam kết cho vay là trong vòng 4 giờ kể từ khi khách hàng cung cấp đủ hồ sơ và tiến hành giải ngân trong vòng 2 giờ sau khi khách hàng có giấy hẹn lấy đăng ký xe… Theo lãnh đạo VIB, mục tiêu của Ngân hàng trong năm nay tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ, cho vay phân tán.

Là một trong những nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng âm hơn 3 quý đầu năm qua và chỉ mới trở lại trạng thái dương, nhưng ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14% và có thể cân nhắc cao hơn, nhưng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành.

Theo ông Quyết, sau một giai đoạn dài quyết liệt và nỗ lực xử lý nợ xấu, thì năm 2017 sẽ là cơ hội để Eximbank đẩy mạnh hoạt động tín dụng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, một trong những thành công của ngành ngân hàng trong năm qua chính là ổn định mặt bằng lãi suất, dù không ít áp lực. Đến cuối năm 2016, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm được 0,5-1%. Nhìn vào cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch vào lĩnh vực ưu tiên, song bên cạnh đó vẫn còn những lĩnh vực chứa đựng rủi ro cần được quan tâm.

Trong Chỉ thị đầu tiên của năm 2017, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên rà soát, đánh giá việc cho vay đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, giao thông. Bên cạnh đó, việc sử dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cấp tín dụng trung, dài hạn vẫn có rủi ro về thanh khoản, do đó, cần thực hiện đúng các quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN nhằm hạn chế rủi ro cũng như nợ xấu.

Tin bài liên quan