Những con số đáng chú ý
Tại Hội thảo “Số hóa ngân hàng - Cơ hội đột phá” được tổ chức cuối tuần trước, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc công nghệ IBM Việt Nam nhận định, ngành ngân hàng toàn cầu đang trải qua sự biến đổi chưa từng thấy và phải thay đổi để đáp ứng những chuyển động này. Theo đó, các ngân hàng đang định hình lại mô hình kinh doanh để quản lý các đột phá, bắt đầu từ những việc như phân tích và kiếm tiền từ số lượng lớn dữ liệu khách hàng và giao dịch trong thời gian thực.
Bên cạnh đó, định vị lại các giá trị của các dịch vụ cốt lõi trên cơ sở gắn với các công nghệ tiên tiến hay gia tăng trải nghiệm khách hàng trên các kênh được ưa thích. Đặc biệt, xây dựng hệ sinh thái, tăng cường kết nối với các đối tác FinTech để tạo ra các mô hình kinh doanh mới.
Theo ông Tâm chia sẻ, trên thế giới, 93% cán bộ cấp cao của các ngân hàng cho biết, tổ chức của họ đang đầu tư vào các công cụ phân tích dữ liệu lớn; 51% coi việc cải thiện trải nghiệm khách hàng là vấn đề ưu tiên; 43% kỳ vọng rằng các chức năng ngân hàng sẽ ngày càng trở nên “thông dụng, thuận tiện hơn”; 35% đã và đang điều chỉnh chiến lược của mình do những gián đoạn mà FinTech mang lại.
Đồng thời, 66% các lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng toàn cầu nhận thấy các chuỗi giá trị truyền thống đang bị thay thế; 57% nhận thấy ranh giới giữa các lĩnh vực đang bị xóa nhòa; 61% cảm nhận được áp lực cạnh tranh đến từ các hướng mới và theo những cách không lường trước được.
“Tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: Trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; nâng cao tính an toàn, bảo mật”, ông Tâm nói
Còn tại Việt Nam, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 35% ngân hàng đã và đang triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số và 6% nhà băng hiện chưa tính đến việc xây dựng một chiến lược chuyển đổi số tổng thể.
Thử thách cần đối diện
Theo ông Dũng, hiện nay, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Cụ thể, chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Chẳng hạn, về quy trình, hầu hết các ngân hàng nhóm đầu và nhóm giữa đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, đem lại kết quả tích cực; đối với kênh giao tiếp, một số ngân hàng đã triển khai ứng dụng trợ lý ảo, tư vấn dịch vụ 24/7 trên mạng xã hội...
Đối với nền tảng dữ liệu, các nhà băng đã xây dựng kho dữ liệu lớn thu thập tự động từ nhiều nguồn phục vụ việc ra quyết định, phân tích hành vi khách hàng nhằm cung ứng sản phẩm phù hợp, mọi lúc, mọi nơi.
Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận, ngân hàng số Việt vẫn còn không ít thách thức như chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo sự thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa; rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng; tốn nhiều chi phí đầu tư và thời gian chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số; mức độ sẵn sàng hợp tác của đối tác; mức độ hợp tác - cạnh tranh với FinTech.
Ông Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện khung khổ pháp lý, quản lý phù hợp với xu hướng phát triển ngân hàng số như hoàn thiện các quy định về an ninh, bảo mật trong lĩnh vực ngân hàng; xây dựng cơ chế về e-KYC, Open API...;
Xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thiện các hệ thống hạ tầng quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, FinTech; giám sát và quản lý an ninh mạng.
Đối với các ngân hàng thương mại, theo ông Dũng, cần triển khai chiến lược chuyển đổi số theo từng giai đoạn; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng được nền tảng công nghệ sẵn có; giải pháp quản trị rủi ro, đảm bảo an ninh, bảo mật, đảm bảo dữ liệu người dùng…
“Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan về bảo mật dữ liệu người dùng, an ninh, an toàn thông tin nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an toàn, tin cậy”, ông Dũng đề xuất.