Ngân hàng "săn" tiết kiệm đầu năm

Ngân hàng "săn" tiết kiệm đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn đua tung "lì xì" để "săn" tiết kiệm đầu năm Nhâm Dần, với giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Tăng lãi suất, "săn" tiết kiệm

Ngày 8/2, ACB áp dụng biểu lãi suất mới, mức cao nhất là 7,1%/năm, nhưng điều kiện khách hàng gửi từ 100 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng. Đối với khoản tiền gửi thông thường, lãi suất cao nhất là 6%/năm khi gửi kỳ hạn từ 15 tháng.

Techcombank cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,4 - 0,5%/năm với hầu hết kỳ hạn từ ngày 7/2/2022. Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Techcombank là 5,8%/năm, tăng 0,4%/năm so với tháng trước.

Đặc biệt, mức lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Nam A Bank, với hình thức gửi online.

Cụ thể, Nam A Bank áp dụng mức lãi suất cao nhất ở mức 7,4%/năm và được niêm yết cho các khoản tiền gửi online có kỳ hạn 16 - 36 tháng kể từ tháng 1/2022.

Ngoài ra, nhà băng này còn triển khai chương trình “Xuân sum vầy - Tết đủ đầy”, với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng từ nay đến hết 14/4/2022.

Ngoài dành cho khách hàng gửi tiết kiệm, chương trình khuyến mãi của ngân hàng này còn dành cho các khách hàng chi tiêu thẻ tín dụng, sử dụng Ngân hàng số Open Banking 2.0 và các điểm ONEBANK.

Trong thời gian này, khách hàng gửi tiết kiệm tại OCB cũng được nhận ngay quà tặng tri ân với tổng giá trị lên tới hơn 2,2 tỷ đồng.

Từ nay đến hết ngày 15/2/2022, Sacombank sẽ tặng lì xì may mắn trị giá từ 39.000 đồng... đến 3,99 triệu đồng khi khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 2 tháng tại quầy với số tiền từ 80 triệu đồng hoặc qua kênh online kỳ hạn từ 6 tháng với số tiền từ 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Sacombank cũng công bố cộng thêm 0,1%/năm lãi suất cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm dịp khai xuân. Chương trình áp dụng trong 9 ngày từ ngày 7/2/2022 đến hết ngày 15/2/2022.

Tại LienVietPostBank, từ 22/1 đến hết 20/2/2022, khách hàng khi kích hoạt thẻ trên ứng dụng LienViet24h, giao dịch chi tiêu qua thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế sẽ được tặng lượt lắc nhận thưởng với tổng giá trị giải thưởng là hơn 600 triệu đồng.

Tại VPBank, kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng tăng khoảng 0,3 - 0,7 điểm so với trước đây; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng ghi nhận tăng khoảng 0,7 - 0,8%/năm. Đối với tiền gửi tiết kiệm online, lãi suất tại các kỳ hạn cao hơn khi gửi tại quầy khoảng từ 0,2 - 0,3%/năm.

Nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với sản phẩm Prime Savings, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất tháng đầu tiên lên đến 12,2 - 12,4%/năm, số tiền gửi tương ứng là dưới 300 triệu đồng và từ 300 triệu đồng trở lên. Nhưng các tháng sau đó, biểu lãi suất áp dụng 6,1-6,2%/năm.

Khi tiền gửi bị rút ròng

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lượng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế vào cuối tháng 11/2021 đạt hơn 10,68 triệu tỷ đồng, tăng 6,6% so với cuối năm 2020 - mức tăng trưởng 11 tháng thấp nhất kể từ khi số liệu này được NHNN công bố.

Trong đó, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 2,63% và tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 10,78%.

Báo cáo tài chính quý IV/2021 cho thấy, tiền gửi khách hàng tại một số ngân hàng giảm hoặc tăng với tốc độ chậm nên buộc các nhà băng tái tăng lãi suất tiền gửi.

Đơn cử, tiền gửi khách hàng tại Sacombank đã giảm lần đầu tiên sau 10 năm. Cụ thể, tiền gửi khách hàng của Sacombank đã bị rút ròng 585 tỷ đồng trong năm qua, xuống còn gần 427.387 tỷ đồng.

Trong năm 2021, tiền gửi không kỳ hạn tại Sacombank tăng thêm 15.943 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 20%; trong khi tiền gửi có kỳ hạn giảm 16.608 tỷ đồng, tương đương giảm 4,8%.

Năm 2021, ABBank cũng ghi nhận tiền gửi khách hàng giảm gần 4.670 tỷ đồng so với với cuối năm 2020, tương đương giảm 6,4%. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 1.423 tỷ và tiền gửi có kỳ hạn giảm 2.886 tỷ đồng.

Tại NCB, tiền gửi khách hàng cũng giảm 7.565 tỷ đồng, tương đương 10,5% xuống còn hơn 64.520 tỷ đồng. Riêng tiền gửi có kỳ hạn giảm 7.286 tỷ đồng, còn tiền gửi không kỳ hạn giảm gần 300 tỷ đồng so với cuối năm trước.

Tiền gửi của khách hàng tại PGBank và Saigonbank cũng giảm lần lượt 663 tỷ đồng và 118 tỷ đồng trong năm 2021.

Tình trạng rút ròng tiền gửi cũng diễn ra tại SeABank khi số dư tiền gửi khách hàng vào cuối tháng 12/2021 ở mức 109.785 tỷ đồng, giảm gần 3.492 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương giảm 3,1%.

Xét về kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn của SeABank giảm gần 2.595 tỷ đồng và tiền gửi có kỳ hạn giảm 1.485 tỷ đồng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25 - 0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.

Tin bài liên quan