Bị đơn bị rút giấy phép, giải thể
Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tuyên hủy bản án sơ thẩm trong vụ án VDB kiện đòi nợ CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Được biết, năm 2006, VDB ký hợp đồng tín dụng với Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, cho vay mức tối đa là 120 tỷ đồng. Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam vay vốn nhằm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê nhân tại tỉnh Lâm Đồng.
Khi triển khai dự án, Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam đã giao cho Công ty TNHH Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng (sau này chuyển thành CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng) thực hiện xây dựng Nhà máy chế biến cà phê nhân, cà phê hòa tan và sản xuất phân vi sinh.
Năm 2009, dự án hoàn thành và CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng đã quản lý, vận hành nhà máy đi vào sản xuất kinh doanh.
Đến năm 2010, các bên ký các hợp đồng sửa đổi, bổ sung để Công ty Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng kế thừa quyền và nghĩa vụ nhận nợ, trả nợ của Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là nhà máy chế biến cà phê nhân và tài sản gắn liền với đất như nhà xưởng, tổng kho, nhà văn phòng...
Tính đến tháng 3/2018, VDB đã giải ngân 119,8 tỷ đồng, thu được một phần nợ gốc và lãi. Hiện số nợ còn lại là 66,4 tỷ đồng nợ gốc và 69 tỷ đồng nợ lãi.
Ngoài ra, Công ty Thái Hòa Lâm Đồng còn vay vốn tín dụng xuất khẩu của nhà nước tại VDB để thu mua nguyên liệu cà phê chế biến xuất khẩu. Tính đến tháng 3/2018, Công ty còn nợ VDB số tiền 60 tỷ đồng nợ gốc và 127 tỷ đồng nợ lãi.
Do Công ty Thái Hòa Lâm Đồng không trả được nợ nên tháng 12/2015, hai bên thống nhất bán đấu giá tài sản bảo đảm. Sau khi đấu giá, số tiền thu về là 101 tỷ đồng. Tuy nhiên, VDB mới thu được 19,5 tỷ đồng và trừ vào nợ gốc tín dụng xuất khẩu.
Đến tháng 3/2018, VDB khởi kiện yêu cầu Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam phải trả 150 tỷ đồng cả gốc và lãi, đồng thời yêu cầu CTCP Thái Hòa Lâm Đồng phải trả hơn 190 tỷ đồng nợ gốc và lãi.
Ông Nguyễn Văn An (SN 1956) là người đại diện theo pháp luật của cả 2 Công ty Thái Hòa Việt Nam và CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tại phiên tòa, ông An thừa nhận việc vay vốn và đồng ý cấn trừ số tiền bán đấu giá tài sản 101 tỷ đồng vào nợ gốc và lãi của Thái Hòa Việt Nam tính đến thời điểm 31/12/2015 (thời điểm hai bên đối chiếu công nợ).
Đối với việc VDB yêu cầu Thái Hòa Lâm Đồng trả nợ gốc và lãi, ông An không đồng tình vì Công ty Thái Hòa Lâm Đồng đã bị rút giấy phép, hiện đã giải thể.
Tòa nào giải quyết?
Tòa án phúc thẩm cho rằng VDB khởi kiện 2 doanh nghiệp là CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam và CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng. CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam có trụ sở tại số 5 ngõ 120 đường Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội. CTCP Thái Hòa Lâm Đồng có trụ sở tại tỉnh Lâm Đồng.
Theo quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án phải thuộc về Tòa án nhân dân quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Mặc dù có việc kế thừa quyền và nghĩa vụ nhận nợ, trả nợ từ Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam sang CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ vì sao để xác định trách nhiệm trả nợ.
Từ tháng 10/2016, CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tình trạng pháp lý giải thể. Theo quy định tại Điều 202, 203 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ, các nghĩa vụ và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ.
Tòa án cấp sơ thẩm đã không đưa ông Nguyễn Văn An và các cổ đông sáng lập CTCP Cà phê Thái Hòa Lâm Đồng vào tham gia tố tụng là thiếu sót.
Đáng chú ý, CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam bị vướng mắc nhiều khoản nợ lớn. Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Tập đoàn Thái Hòa bị khởi tố, điều tra, xét xử vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 8/2018, Tòa án nhân dân Hà Nội tuyên án sơ thẩm, buộc Nguyễn Văn An phải chịu mức án tù 20 năm. Sau đó, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm và hủy án yêu cầu điều tra lại.
Số tiền 230 tỷ đồng Tập đoàn Thái Hòa nợ VDB đã được Cơ quan an ninh điều tra tách rút để điều tra xem xét xử lý sau. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xác minh số tiền trong vụ kiện này có liên quan đến vụ án hình sự nói trên là thiếu sót.
Từ những lý do trên, Tòa án tỉnh Lâm Đồng đã hủy án sơ thẩm, giao về tòa sơ thẩm giải quyết lại.