VPBank bán 31 triệu cổ phiếu ESOP
Cuối tháng 11/2019, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức công bố phương án phát hành 31 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ, công nhân viên, chậm hơn nửa năm so với dự kiến được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Giữa hai lựa chọn phát hành cổ phiếu mới hoặc bán cổ phiếu quỹ, VPBank đã quyết định sử dụng nguồn cổ phiếu quỹ có sẵn.
Được bổ sung 50 triệu cổ phiếu sau đợt mua lại tháng 10/2019, VPBank hiện sở hữu 123,2 triệu cổ phiếu quỹ, với giá trị hơn 3.600 tỷ đồng, tương đương bình quân 29.227 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, giá phát hành cổ phiếu ESOP chỉ bằng gần 1/3 (10.000 đồng/cổ phiếu), thặng dư vốn cổ phần của VPBank ước hụt đi gần 600 tỷ đồng, nếu phân phối hết.
Từ đầu năm đến nay, đã có khá nhiều ngân hàng lên chương trình cũng như hoàn tất tưởng thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, bao gồm Ngân hàng TMCP Đông Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank).
Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cũng có thông báo phát hành 43 triệu cổ phiếu, tương đương 2% vốn điều lệ, sau 2 đợt năm 2015 (15 triệu cổ phiếu) và năm 2017 (17 triệu cổ phiếu). Ngân hàng TMCP Á châu (ACB) bán cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho người lao động.
22,55% ngân hàng thiếu lao động cần thiết
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm tháng 9/2019, 22,55% ngân hàng thiếu lao động cần thiết và có gần 60% tổ chức tín dụng dự kiến tuyển thêm lao động trong quý IV/2019. Mức lương bình quân mà các ngân hàng chi trả cho các nhân viên tăng lên nhanh chóng trong các năm gần đây. Tính bình quân 9 tháng gần đây, đã có 3 ngân hàng chi trả cho nhân viên mức thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/tháng.
Phương thức sử dụng chính cổ phiếu quỹ bán lại cho người lao động cũng không hiếm gặp. Giữa năm 2017, khi cổ phiếu còn chưa được niêm yết, Techcombank đã phân phối gần 14,7 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng, trong khi số cổ phần này được Ngân hàng mua lại từ cổ đông chiến lược HSBC với giá bình quân 23.445 đồng/cổ phiếu.
Với tính chất ưu đãi nhằm giữ chân nhân tài, giá bán cổ phiếu ESOP thường thấp hơn giá thị trường và đi kèm thời gian hạn chế chuyển nhượng. Với VPBank, số cổ phiếu ESOP trên sẽ được giải tỏa dần trong lộ trình 3 năm; nếu cán bộ, công nhân viên nghỉ việc, sẽ phải bán lại cổ phiếu với giá đã mua. Nếu nắm giữ đến khi hết thời hạn hạn chế chuyển nhượng, phần chênh lệch khi bán lại cổ phiếu sẽ là thu nhập mà họ được hưởng, có thể là “chốt lời” hoặc “cắt lỗ” tùy thuộc vào biến động giá cổ phiếu.
Phát hành cổ phiếu ESOP bằng nguồn vốn cổ phiếu quỹ mang về hai lợi ích: vừa để giữ chân nhân tài, vừa không làm tăng lượng cổ phiếu hiện có, từ đó tránh hiện tượng pha loãng cổ phiếu. Bên cạnh đó, giao dịch mua vào cổ phiếu quỹ thường có tác động tích cực hỗ trợ giá cổ phiếu. Lợi ích của cổ đông và cán bộ, công nhân viên phần nào được dung hòa.
Phân bổ ESOP cô đặc
Dù khoản thu nhập tương lai của người lao động không phải là chi phí ngân hàng trả nhân viên, không trực tiếp trừ vào lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp, nhưng một phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp đã bị giảm do chính sách này. Riêng ở đợt chào bán cổ phiếu ESOP mới nhất của VPBank, gần 600 tỷ đồng bị hao hụt do chênh lệch giá mua bán.
Các chương trình ESOP của một số ngân hàng thường tập trung vào nhóm cán bộ cấp cao. Như trường hợp của VPBank, một nửa trong số cổ phiếu ưu đãi năm 2019 được dành cho Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh (15,4 triệu cổ phiếu). Đợt phát hành cổ phiếu ESOP của Techcombank 3 năm gần đây cũng chỉ dành cho tỷ lệ nhân sự rất nhỏ.
Xét về yếu tố thu nhập, bên cạnh thu nhập chính từ lương thưởng, số cổ phiếu ESOP có thể nhận về chắc chắn cũng là yếu tố để các nhân viên cân nhắc và quyết định đi hay ở lại một tổ chức. Mặt tích cực của chương trình là tạo động lực, sự gắn bó với hoạt động kinh doanh ngân hàng, từ đó phản ánh vào giá trị công ty, tác động vào sự lên xuống giá cổ phiếu. Song việc mua cổ phiếu ESOP và trở thành ông chủ sở hữu cổ phần của ngân hàng cũng là sự “đặt cược” đối với họ.