Các ngân hàng cần dành nguồn lực để dự phòng trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến kéo dài

Các ngân hàng cần dành nguồn lực để dự phòng trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến kéo dài

Ngân hàng nhỏ sớm cán đích lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số ngân hàng nhỏ đã sớm hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021, nhưng lý do dẫn đến kết quả này rất khác nhau.

Lợi nhuận 6 tháng tăng đột biến

Ngân hàng Bản Việt đạt 337 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2021, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2020, vượt chỉ tiêu cả năm (290 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2020). Tính đến ngày 30/6/2021, Bản Việt có tổng tài sản 66.700 tỷ đồng, tăng 25%; tổng huy động vốn gần 61.000 tỷ đồng, tăng 25%; dư nợ cho vay 44.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Saigonbank cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận năm 2021, dù lợi nhuận 6 tháng tăng không cao. Cụ thể, ngân hàng này đạt 137 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm 2021, tăng 9% so với cùng kỳ; trong khi kế hoạch năm nay là 135 tỷ đồng, tăng 11,45% so với năm ngoái.

Một số ngân hàng khác có mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần trong nửa đầu năm 2021 là KienLongBank khi đạt lợi nhuận trước thuế 805,7 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ và hoàn thành 80,57% kế hoạch năm; Nam A Bank đạt lợi nhuận trước thuế gần 1.074 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ và hoàn thành 77% kế hoạch năm; SCB đạt lợi nhuận trước thuế 487,3 tỷ đồng, gấp 5,5 lần cùng kỳ (87,4 tỷ đồng)...

Thu nhập từ hoạt động chính tăng, trích lập dự phòng rủi ro giảm

Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động chính là lãi thuần và dịch vụ tăng mạnh, đồng thời dự phòng rủi ro giảm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý II/2021, Nam A Bank đạt gần 1.197 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, gấp đôi cùng kỳ năm 2020; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt đạt 55,8 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng, tăng 130%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, thu nhập lãi thuần đạt 2.098 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 86 tỷ đồng, gấp 1,8 lần; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đạt 104 tỷ đồng, gấp 2,2 lần; đồng thời, chi phí dự phòng giảm 36%.

Một số ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận tính bằng lần trong nửa đầu năm 2021 là Bản Việt, Nam A Bank, VietABank, SCB, KienLongBank...

Tương tự, chi phí dự phòng của KienLongBank giảm 21% trong nửa đầu năm 2021 đã tác động tích cực lên lợi nhuận. Lý do là Ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là 176 triệu cổ phiếu STB của Sacombank theo Phương án cơ cấu lại KienLongBank gắn với xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Tại PGBank, lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng rủi ro trong quý II/2021 giảm 7,2%, song do trích lập dự phòng giảm 66% nên lợi nhuận trước thuế tăng 264% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng đạt 175 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 58% so cùng kỳ và hoàn thành 56% kế hoạch năm.

Mục tiêu lợi nhuận thấp và đẩy mạnh thu hồi nợ

Ngược lại, tình hình hoạt động của các mảng kinh doanh cốt lõi của Saigonbank trong quý II/2021 đều kém khả quan, khiến chi phí dự phòng tính đến hết tháng 6/2021 gấp 5,1 lần cùng kỳ năm 2020. Điểm sáng của ngân hàng này là mảng thu hồi nợ mang về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận. Saigonbank đã xử lý hơn 63 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC, hiện còn 688,7 tỷ đồng. Số dư nợ xấu giảm 1,9%, còn 219 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ, xuống 1,43%.

Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigonbank cho biết, mục tiêu 135 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho năm nay là lợi nhuận sau khi trích dự phòng rủi ro tín dụng 227 tỷ đồng. Do nợ xấu có nguy cơ tăng vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên Ngân hàng thận trọng khi đề ra kế hoạch lợi nhuận 2021.

Tại Vietbank, Ngân hàng đề ra 2 chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2021. Cụ thể, với kế hoạch kinh doanh tối thiểu, Vietbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tính đến 31/12/2021 là 51.267 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 20%, đạt 110.000 tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 21%, đạt 84.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 390 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Vietbank phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế 1.100 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2020.

Kết quả kinh doanh hợp nhất cho thấy, lợi nhuận quý II/2021 của Vietbank gấp 3,5 lần cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 326 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2020; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng giảm 32% so với cùng kỳ, còn 27,7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 1,91%.

Đối với SCB, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao không đến từ hoạt động kinh doanh - thu nhập lãi thuần ghi nhận lỗ hơn 1.237 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mang về hơn 1.400 tỷ đồng, mà đến từ các mảng khác như lãi thuần từ dịch vụ tăng 91%, kinh doanh ngoại hối tăng 383%, chứng khoán đầu tư tăng 447%, chứng khoán kinh doanh có lãi, thay vì lỗ như cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động giảm hơn 41%, chi phí tăng hơn 17%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động trong nửa đầu năm nay chỉ mang về hơn 232 tỷ đồng, giảm gần 90% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ hoàn nhập hơn 255 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro nên lợi nhuận trước thuế của SCB ghi nhận tăng đột biến. Tính đến cuối tháng 6/2021, số dư nợ xấu giảm hơn 60%, còn 3.212 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 2,34% cuối năm 2020 về 0,89%.

Lợi nhuận trước thuế của VietABank trong 6 tháng đầu năm 2021 là 407 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ và thực hiện được 62% kế hoạch năm, nhờ giảm 62% chi phí dự phòng, chỉ còn trích gần 78 tỷ đồng. Lãnh đạo VietABank cho hay, Ngân hàng đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC từ tháng 8/2020 nên giảm được áp lực về việc trích lập dự phòng; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm từ 2,3% xuống 2%.

Lợi nhuận trước thuế của Bac A Bank trong 6 tháng đầu năm 2021 là 435 tỷ đồng, tăng 23,3%, nhờ dự phòng giảm 63% so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tính đến cuối tháng 6 là 0,82%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho rằng, mặc dù lợi nhuận của ngành ngân hàng khả quan hơn nhiều ngành khác, song các ngân hàng cần dành nguồn lực để dự phòng trong bối cảnh dịch Covid-19 dự kiến kéo dài. Ngân hàng phải khỏe thì mới có thể cứu được doanh nghiệp, nên kiểm soát rủi ro, an toàn hệ thống vẫn phải được coi trọng hàng đầu.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị, các tổ chức tín dụng tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn…

Tin bài liên quan