Tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng đạt 1,91 triệu tỷ đồng

Tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng đạt 1,91 triệu tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước Hà Nội, cầu nối ngân hàng - doanh nghiệp

(ĐTCK) Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ngành ngân hàng TP. Hà Nội đã triển khai đồng bộ, kịp thời nhiều giải pháp hỗ trợ sự phát triền bền vững của nền kinh tế Thủ đô.

Từ năm 2016, NHNN và Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ký kết quy chế phối hợp số 02/UBND-NHNN ngày 4/6/2016; Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch kết nối ngân hàng - doanh nghiệp số 105/KH-UBND ngày 20/5/2014 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.

Việc thực hiện chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, trong đó ghi nhận đóng góp tích cực của NHNN - Chi nhánh Hà Nội, đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, vươn lên trong sản xuất - kinh doanh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. 

Những con số ấn tượng

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Hà Nội

Thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn, phát triển nhiều sản phẩm, dịch vụ dành cho khách hàng tổ chức cũng như cá nhân; tích cực tiếp cận, phục vụ và chăm sóc khách hàng; đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt đối với khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, đồng thời hạn chế cho vay những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục, quy trình cho vay vốn theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn Hà Nội, tổng dư nợ tín dụng đạt 1,91 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 145.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt gần 310.000 tỷ đồng, chiếm 16,2%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.000 tỷ đồng, chiếm 9,5%. Nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn Thành phố có tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản suất - kinh doanh và đời sống, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngoài yếu tố hỗ trợ lãi suất, nhiều TCTD trên địa bàn đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như đồng hành cùng doanh nghiệp, tư vấn cho doanh nghiệp trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất - kinh doanh, tổ chức cho vay theo chuỗi các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp...

Theo đó, tổng số tiền cam kết cho vay chương trình kết nối doanh nghiệp chiếm khoảng 25% tổng số tiền cam kết cho vay của cả nước tham gia chương trình. Từ khi bắt đầu triển khai chương trình đến nay, đã có hàng trăm hội nghị đối thoại, kết nối với doanh nghiệp được tổ chức, với dư nợ cho vay đạt trên 523.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 8 - 9%/năm đối với các khoản vay trung - dài hạn. Ngoài ra, các TCTD còn thực hiện các hình thức hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh như gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ...

Lãi suất cho vay của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất chung từ 1 - 1,5%/năm. Đặc biệt, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn tại các ngân hàng thương mại lớn được hưởng lãi suất ưu đãi thấp hơn, góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Những giải pháp thiết thực

Bên cạnh việc tiết giảm thủ tục trong quan hệ tín dụng với khách hàng, NHNN - Chi nhánh Hà Nội tiếp tục triển khai và vận hành có hiệu quả hệ thống văn bản điện tử giữa Chi nhánh với các TCTD, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hệ thống văn bản thông suốt, hiệu quả; nắm bắt thông tin đa chiều, tiếp nhận những kiến nghị về công tác quản lý, khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách, đồng thời tiết giảm chi phí trong hoạt động.

Ngoài ra, trang tin điện tử của Chi nhánh cũng góp phần tích cực trong việc triển khai văn bản pháp luật, các quy định, chính sách, tiếp nhận và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời thông tin về các quy định, chính sách của NHNN, cũng như của UBND Thành phố đến các TCTD và doanh nghiệp một cách nhanh chóng. Đây là một trong những kênh hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất - kinh doanh.

Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn. Thông tư 39/2016/TT-NHNN được ban hành ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng. Trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro, các ngân hàng cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên luôn được đảm bảo

Ngày 16/10/2018, NHNN - Chi nhánh Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP với sự tham gia và chỉ đạo của Đoàn công tác Liên ngành NHNN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Về phía TP. Hà Nội, có sự tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học công nghệ, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Nông dân TP. Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã TP. Hà Nội và các TCTD trên địa bàn. Hội nghị đã quán triệt, chỉ đạo về chính sách cho vay khu vực nông nghiệp - nông thôn giai đoạn mới, tập trung đưa ra các giải pháp, đề xuất các cơ chế chính sách để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và quỹ hỗ trợ nông dân phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 và định hướng của NHNN, trong đó tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank... đã giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, đồng thời đưa ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp tín dụng như phát triển, chỉnh sửa các sản phẩm nhằm giảm thời gian thẩm định cho vay; tiếp tục nghiên cứu, cải tiến các chương trình, sản phẩm tín dụng, phát triển mới các chính sách tín dụng, quy trình và thủ tục cấp tín dụng dành riêng cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp.

Các TCTD cũng cố gắng đa dạng hóa hình thức tài sản đảm bảo như chấp nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa, các khoản phải thu hoặc cho vay tín chấp trong hoạt động cho vay. Một số sản phẩm tín dụng chuyên biệt dành cho đối tượng khách hàng là doanh nghiệp đã được các ngân hàng đưa ra nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn khác nhau như gói hỗ trợ vốn lưu động cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu các mặt hàng dệt may, gói hỗ trợ các doanh nghiệp vay mua ô tô, gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ...

Trong những năm qua, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai các chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi. Nhiều ngân hàng thương mại như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VIB, Agribank, VietinBank, MBBank, TPBank... đã tích cực phối hợp với các sở ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Thông tin và truyền thông, Xây dựng... để cung cấp thông tin về các chương trình, sản phẩm, gói tín dụng ưu đãi lãi suất của ngân hàng đến các doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp đang hoạt động, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

Hai năm gần đây, NHNN - Chi nhánh Hà Nội đã làm việc với nhiều quận, kết nối các TCTD với chính quyền để nắm bắt được tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, các chương trình mục tiêu, dự án như dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển nghề và làng nghề, các chương trình xóa đói - giảm nghèo, cũng như các dự án an sinh xã hội. Chỉ đạo các TCTD chuẩn bị nguồn vốn, chủ động tiếp cận các chương trình, dự án nhằm đưa vốn vào phát triển kinh tế địa phương, đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, NHNN và các cơ quan liên quan xem xét giải quyết.

Nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng cho các nhu cầu của khách hàng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Các TCTD tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng dư nợ, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh các khoản vay theo chủ trương của Chính phủ, NHNN. Các chương trình, chính sách ưu đãi được các ngân hàng triển khai kịp thời và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn hợp lý để duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh, mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm việc làm cho người lao động. 

Phương hướng triển khai giai đoạn mới

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN và Ủy ban nhân dân Thành phố; tạo điều kiện thuận lợi để khách hàng tiếp cận vốn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, đồng thời tạo lập môi trường thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện kết nối ngân hàng và doanh nghiệp gắn với các chương trình tín dụng của NHNN, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã, các ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, hiệp hội ngành nghề tổ chức các hội nghị đối thoại, trao đổi thông tin, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh.

Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn Thành phố tiếp tục dành nguồn vốn cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; nâng cao tính chủ động và trách nhiệm với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tiếp tục tham gia thực hiện chương trình có hiệu quả.

Tin bài liên quan