Ngân hàng Nhà nước đề nghị bộ, ngành phối hợp để cho vay BOT giao thông giảm rủi ro

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp phối hợp để việc cho vay BOT giao thông có hiệu quả, giảm rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị bộ, ngành phối hợp để cho vay BOT giao thông giảm rủi ro

Báo cáo vừa gửi Quốc hội do Thống đốc Lê Minh Hưng ký nêu rõ, hiện nay, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các NHTM.

Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án BOT giao thông, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án.

Thứ ba, tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.

Hiện nay, nhu cầu vốn cho các dự án BOT, BT giao thông rất lớn. Đặc biệt, huy động vốn tư nhân hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam đang là dấu hỏi. Nhiều chủ đầu tư  “tố” ngân hàng gây khó dễ giải ngân, trong khi phía ngân hàng cũng bức xúc không kém vì lĩnh vực này rủi ro rất cao cho ngân hàng, đặc biệt là rủi ro kỳ hạn và rủi ro chính sách. 

Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại, việc cấp tín dụng với các dự án BOT, BT (xây dựng - chuyển giao) giao thông hiện nay rất rủi ro, nhất là rủi ro dài hạn. Hai nguyên nhân chính là cơ chế chính sách về thu phí chưa rõ ràng và năng lực tài chính của chủ đầu tư quá yếu. Thực tế, đầu năm nay, đã có ngân hàng phải rao bán tài sản đảm bảo là quyền thu phí phát sinh tại dự án BOT để thu hồi nợ xấu.

Theo số liệu của NHNN, ước đến tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông tăng 1,85%, chiếm 1,4%. 

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, tư duy cứ làm BOT lại nghĩ đến vốn ngân hàng là lệch lạc. Bản chất ngân hàng huy động vốn ngắn hạn, cho vay ngắn hạn. Việc cung ứng vốn cho các dự án dài hạn như BOT phải dựa vào thị trường vốn. 

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, với các dự án hạ tầng, dự án BOT, vốn tự có của chủ đầu tư chiếm khoảng 15-20%, vốn của ngân hàng chiếm 40-50%, huy động vốn từ trái phiếu 20-25% (trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ), phần còn lại là vốn vay các tổ chức quốc tế.  

Tin bài liên quan