Rút lui hay thay đổi chiến lược?
Gần đây, thị trường xôn xao trước hàng loạt thông tin như Ngân hàng VIB mua lại Chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Commonwealth (Australia), HSBC thoái vốn khỏi Techcombank sau 12 năm gắn bó, Ngân hàng ANZ vừa bán toàn bộ mảng bán lẻ của mình tại Việt Nam cho Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc), hay Standard Chartered chuẩn bị “chia tay” Ngân hàng Á Châu (ACB).
HSBC đã thoái hết vốn khỏi Techcombank. Ảnh: Chí Cường
Những bước “lùi” này khiến thị trường không khỏi lo ngại rằng, phải chăng các ngân hàng nước ngoài đang đồng loạt rời bỏ Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), những lo ngại này là chưa đủ cơ sở. Thứ nhất, các trường hợp ngân hàng ngoại thoái vốn khỏi ngân hàng Việt Nam là hoạt động bình thường trong quá trình tái cơ cấu danh mục của bất kỳ nhà đầu tư nào. Việc này không liên quan đến hoạt động kinh doanh riêng của các ngân hàng này tại Việt Nam.
“Sau một thời gian rót vốn vào ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng ngoại có thể quyết định đầu tư tiếp hoặc không. Không phải ngân hàng ngoại đang rời bỏ Việt Nam, mà họ chỉ đang tái cơ cấu danh mục và có thể đang cân nhắc những cơ hội đầu tư khác tại Việt Nam sau đợt thoái vốn này”, ông Linh phân tích.
Thứ hai, Việt Nam vẫn hấp dẫn các ngân hàng ngoại vì dư địa phát triển thị trường tài chính còn lớn. Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đặn vào Việt Nam chính là cơ hội tốt để các ngân hàng này theo chân khách hàng của họ. Do vậy, các ngân hàng ngoại không dễ gì từ bỏ cơ hội dài hạn này vì những khó khăn ngắn hạn.
Khẳng định cam kết với thị trường Việt Nam
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhiều ngân hàng nước ngoài tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của thị trường Việt Nam.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam cho biết, ngân hàng nước ngoài có mạng lưới hoạt động khắp thế giới, nên phù hợp để đáp ứng nhu cầu làm ăn, học tập và mua sắm với nước ngoài ngày càng tăng cao của khách hàng Việt Nam.
“Đây là thời điểm tốt để ngân hàng nước ngoài tăng cường hiện diện tại Việt Nam, vì người tiêu dùng Việt ngày càng ‘chịu chi’ và mong muốn trải nghiệm dịch vụ tài chính tiện lợi, hiệu quả nhất”, ông Sapru nhấn mạnh.
Tương tự, ông Jens Ruebbert, Giám đốc Chi nhánh Deutsche Bank tại Việt Nam tiết lộ rằng, ngân hàng này vừa quyết định tăng gấp đôi vốn điều lệ của Chi nhánh Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thanh toán, tín dụng của hàng loạt doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
“Sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu xuất hiện tại Việt Nam sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, nên chúng tôi không thể đứng yên trước cơ hội này”, ông Ruebbert chia sẻ.
Một số ngân hàng khác như UOB (Singapore) tiếp tục theo đuổi kế hoạch mở ngân hàng con tại Việt Nam. Kế hoạch này đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chấp thuận sơ bộ vào tháng 3/2017. Đại diện của KBank (Thái Lan) cũng cho biết, chỉ cần NHNN “gật đầu” là họ sẽ mở ngay ngân hàng con tại Việt Nam.
Có thể thấy, trong trường hợp của VIB và Commonwealth, phía ngân hàng Australia vốn là cổ đông lớn, với 15% cổ phần tại VIB. Việc bán lại chi nhánh TP.HCM là để Commonwealth tiếp tục phát triển kinh doanh tại Việt Nam thông qua VIB, chứ không phải rút lui khỏi Việt Nam.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, Commonwealth vừa ký kết mới với VIB một thỏa thuận trao đổi năng lực và đối tác Australia cũng vừa thành lập công ty phát triển các giải pháp ngân hàng điện tử tại Việt Nam. Điều này đã thể hiện cam kết của Commonwealth tại Việt Nam sau thương vụ bán chi nhánh vừa qua.