Ngân hàng "ngán" vàng?

Ngân hàng "ngán" vàng?

Những quy định ngày càng siết chặt đã khiến cho việc kinh doanh vàng không còn hấp dẫn với nhiều ngân hàng.

Ngày 25/6/2012, NHNN "bất ngờ" có văn bản số 3854/NHNN-QLNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại Thông tư số 12/2012/TT-NHNN và Chỉ thị số 05/CT-NHNN về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng.

 

Theo đó, các TCTD chỉ phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng với khối lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả theo yêu cầu của khách hàng và phải chấm dứt vào ngày 25/11/2012. Đồng thời, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố sẽ tiến hành ngay việc kiểm tra, thanh tra.

 

Theo lẽ thông thường, ngay sau đó người ta chờ đợi động thái đối phó của các TCTD, kiểu như ngoài mặt thì vẫn tuân thủ qui định mới nhưng bên trong thì tìm cách lách, mở các cuộc đua ngầm về lãi suất huy động, cho vay bằng vàng...

 

Tuy nhiên, trên thực tế điều này đã không xảy ra. Bởi không đợi đến khi cơ quan điều hành thị trường tiền tệ lên tiếng, trước đó nhiều NHTM cũng đã nhanh tay chủ động hạ lãi suất huy động vàng, rút bớt cơ cấu kỳ hạn, dù còn 5 tháng nữa mới phải chấm dứt nghiệp vụ này.

 

Thực tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước gửi công văn nhắc nhở các ngân hàng sớm ngưng huy động vàng, các ngân hàng đã lập tức giảm lãi suất huy động vàng.

 

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), một trong những ngân hàng có mức lãi suất huy động vàng rất cao, có khi lên đến 4,6%/năm thì nay đã hạ xuống, cao nhất chỉ còn mức 2,2% dành cho kỳ hạn 6-9 tháng, còn lại chủ yếu ở mức 2%.

 

Cũng từng huy động với lãi suất đến 4%/năm, nhưng nhân viên Ngân hàng Nam Á cho hay đến, từ 2/7 lãi suất huy động vàng đã về mức 1,8% cho kỳ hạn 1 đến 3 tháng, các kỳ hạn dài hơn cũng chỉ khoảng 2%/năm.

 

Còn tại Ngân hàng Á Châu (ACB), mức lãi suất huy động vàng đến nay chỉ còn cao nhất là 0,9%/năm, cho kỳ hạn 11 tháng, lãnh lãi cuối kỳ, trong khi lãi suất vào tháng trước thường xấp xỉ 2%. Tại Việt Á, Eximbank lãi suất huy động vàng cũng chỉ còn dao động từ 0,6-0,9%. Các ngân hàng cũng rút ngắn kỳ hạn huy động xuống, cao nhất chỉ còn 9 tháng.

Ngân hàng "ngán" vàng? ảnh 1

 

Theo lãnh đạo một ngân hàng, trong thời gian qua, nhiều ngân hàng nhỏ tăng lãi suất huy động vàng để tăng thanh khoản, dùng vàng làm tài sản thế chấp để vay tiền trên thị trường liên ngân hàng, nay việc vay vốn trên thị trường này không còn quá căng thẳng, thanh khoản nhiều ngân hàng cũng cải thiện, cộng vào đó, quy định các ngân hàng phải chấm dứt huy động vàng từ ngày 25-11 tới đã khiến các ngân hàng giảm bớt hoạt động huy động vàng.

 

Lý giải cho động thái đi trước của các TCTD, người ta cho rằng đây là hệ lụy của hiện tượng mãi lực mua bán trên thị trường vàng đang vào hồi èo uột, đặc biệt là tuần rồi giá vàng miếng SJC đã giảm 450.000 đồng/lượng, (tương đương 1%), mức giảm theo tuần mạnh nhất của vàng SJC trong 1 tháng qua.  Đặc biệt hơn, dù theo quy đổi với giá USD thì vàng trong nước vẫn cao hơn giá thế giới hơn 2 triệu đồng/lượng.

 

Tuy nhiên, nếu như trước đây, biên độ "vênh" giá nói trên sẽ khiến cho thị trường vàng vật chất nóng ran, thì nay việc này không thúc đẩy giới đầu tư quay lại với vàng miếng.

 

Sâu sa hơn, người ta sợ rằng sau đây khi NHNN lấy thương hiệu vàng miếng SJC làm "thương hiệu quốc gia" và giá sẽ do chính cơ quan này quy định, công bố mỗi ngày. Và như vậy, vàng miếng sẽ được quản lý chặt như việc in tiền và việc lưu thông vàng trên thị trường sẽ coi như lưu thông ngoại tệ. Thế nên, cất trữ thì được nhưng không phải ai cũng được mua, được bán. Vì thế, dẫu vẫn có quyền mua nhưng để đổi được vàng ra tiền thì rất khó, nên người ta lại "lạnh" thêm với vàng.

 

Đó là chưa kể đến trường hợp, nếu NHNN đi bước tiếp theo, tức sẽ cho ra "chứng chỉ vàng". Lúc đó, người dân khi mua vàng miếng sẽ không được cầm vàng thật như hiện nay mà sẽ cầm "vàng chứng chỉ" tức một cái giấy chứng nhận sở hữu vàng thì tình hình lại càng gay go. Bởi dân ta thì cứ hay có thói quen "tiền tươi, thóc thật", xuất tiền tươi ra mua mà chỉ thu về được tờ giấy, dù cho tờ giấy ấy có chữ, có dấu hẳn hoi thì người ta cũng chẳng mặn mà gì...

 

Chính sách huy động vàng của Ngân hàng Nhà nước nếu được thực hiện trong thời gian tới sẽ tạo ra nguồn dự trữ ngoại hối về vàng để có thể bình ổn thị trường lúc cần thiết.

 

Trong khi đó, nhân viên của một công ty kinh doanh vàng cho rằng, khả năng việc xảy ra cơn sốt vàng như hồi tháng 8 năm ngoái là rất thấp. Bởi, áp lực tỷ giá USD/VND không lớn

 

Thị trường lạnh, đương nhiên các nhà đầu cơ cũng phải lạnh theo, có gì phải bất ngờ?