Saigon One Tower – dự án điển hình về nợ xấu bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Saigon One Tower – dự án điển hình về nợ xấu bất động sản. Ảnh: Lê Toàn

Ngân hàng “ngậm bồ hòn” với tín dụng giao thông, địa ốc

Theo số liệu thống kê, nợ xấu trong lĩnh vực giao thông, bất động sản rất thấp. Tình trạng này mâu thuẫn với các cảnh báo liên tục được phát ra từ cơ quan quản lý.

Nợ “sắp xấu” - tảng băng chìm trong các dự án BOT

Trong khi dư luận phản đối các trạm BOT bủa vây các thành phố lớn, các tuyến giao thông huyết mạch đang tăng cao, thì các ngân hàng cũng đang như ngồi trên lửa.

Tính đến cuối năm 2016, có khoảng 20 ngân hàng đã cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông, với tổng hạn mức cấp tín dụng là 163.097 tỷ đồng. Tổng số dư cấp tín dụng của các dự án BT, BOT là 84.235 tỷ đồng (chiếm 67,48% dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực giao thông).

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ này chỉ chiếm gần 1,6% tổng dư nợ toàn hệ thống và nợ xấu chỉ chiếm 0,003% (2,6 tỷ đồng). Khi được hỏi, lãnh đạo các ngân hàng đã mạnh tay cho vay BOT, BT thời gian qua cũng khẳng định “không vấn đề gì”.

Nhưng thực tế có như vậy?

Gần 90% vốn của các dự án BOT, BT hiện nay là vốn vay ngân hàng. Còn nhớ, thời kỳ 2014 - 2015, hàng chục ngàn tỷ đồng tín dụng đã được các ngân hàng đua nhau bơm vào các dự án này. Giai đoạn đó, tín dụng giao thông được nhà băng coi như “vỉa vàng” trong bối cảnh tín dụng toàn ngành suy giảm.

Thế nhưng, đến nay, nhiều quả ngọt BOT, BT bỗng nhiên biến thành trái đắng, khi hàng loạt bất cập được phát lộ: chậm tiến độ, đội vốn cả chục lần, thực tế thu phí chỉ bằng 1/3 phương án ban đầu, việc thu phí gặp phản ứng dữ dội của người dân…

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, một thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho hay: “Tín dụng BOT đang là một vấn đề thực sự. Do kỳ hạn vay đa phần là trung và dài hạn, nên nợ xấu lĩnh vực này hiện ở mức thấp, do chưa đến kỳ trả nợ. Song đáng lo là nợ tiềm ẩn hiện đang rất cao, lên tới con số hàng chục ngàn tỷ đồng. Số nợ này, tuy chưa được ghi nhận là nợ xấu, song đang là tảng băng chìm đe dọa nhiều ngân hàng”.

Rủi ro kỳ hạn của ngân hàng sẽ đến sớm?

Rủi ro nợ xấu có thể sẽ chưa xảy ra ngay, bởi nhiều khoản vay có kỳ han tới 15 - 20 năm. Song, rủi ro mất cân đối kỳ hạn với ngân hàng có thể đến sớm.

Hiện tỷ lệ huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng chỉ khoảng 15% (85% là vốn huy động ngắn hạn). Song 50% số vốn ngắn hạn lại được ngân hàng mang đi vay dài hạn. Chưa kể, tổng mức tín dụng mà các ngân hàng cấp cho các dự án BOT, BT rất lớn, thường lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi dự án. Chỉ cần một dự án có vấn đề là nguồn vốn của cả ngân hàng đó sẽ bị ảnh hưởng.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã giãn thời hạn siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống chỉ còn 45% đầu năm tới (thay vì 40% như đã định). Theo các chuyên gia, quy định này thực chất để “cứu” ngân hàng khỏi mất thanh khoản về kỳ hạn.

Rủi ro nợ xấu có thể sẽ chưa xảy ra ngay, bởi nhiều khoản vay có kỳ han tới 15 - 20 năm. Song, rủi ro mất cân đối kỳ hạn với ngân hàng có thể đến sớm.

Trước đó, cuối năm 2014, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 36/2014/TT-NHNN, nới tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lên 60% (trước đó là 30%) đã khiến tín dụng giao thông bùng nổ, lũ lượt đổ ra mặt đường.

“Các dự án cho vay BOT hiện nay rất nhiều rủi ro, song kỳ hạn vay lại dài. Chính 2 yếu tố đó khiến rủi ro của các ngân hàng đang âm ỉ. Chưa kể, việc ngân hàng cho vay các dự án giao thông quá nhiều đang khiến dòng vốn đổ vào sản xuất - kinh doanh bị co hẹp”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước nên quyết liệt hơn trong việc siết lại dòng vốn đổ vào lĩnh vực giao thông, dựa trên tính khả thi của phương án cũng như năng lực thực sự của các chủ đầu tư.

Hàng triệu tỷ đồng đã rót vào bất động sản

Trong khi rủi ro nhãn tiền của tín dụng giao thông đang dần bộc lộ, thì tín dụng bất động sản vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với các nhà băng. Đến nay, hầu như 100% ngân hàng đều cho vay bất động sản.

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản hiện nay chiếm khoảng 8% tổng dư nợ, tức khoảng 450.000 - 500.000 tỷ đồng. Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, tín dụng bất động sản thực chất đang “ẩn nấp” trong nhiều lĩnh vực khác.

Đơn cử, tín dụng tiêu dùng hiện nay khoảng 650.000 tỷ đồng. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 50% trong số đó là tiêu dùng mua nhà, sửa nhà.

Như vậy, có khoảng 300.000 tỷ đồng tín dụng tiêu dùng thực chất là tín dụng bất động sản. Ngoài ra, tín dụng bất động sản còn nằm một phần trong tín dụng xây dựng.

Như vậy, nếu tính một cách chi tiết, tín dụng bất động sản lên tới ngót nghét 1 triệu tỷ đồng, tức chiếm gần 20% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc ngân hàng chuộng cho vay bất động sản là điều dễ hiểu, bởi tài sản đảm bảo bất động sản luôn có giá trị tốt, tính thanh khoản cao. Hơn nữa, việc cho vay bất động sản chỉ đáng lo nếu ngân hàng rót vốn cho các dự án sân sau của cổ đông, các dự án “ma”, các chủ đầu tư thiếu năng lực.

Đáng tiếc, khá nhiều dự án bất động sản ở Việt Nam rơi vào vế sau. Việc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vừa thu hồi siêu dự án "trùm mền" Saigon One Tower – dự án đang nợ một số ngân hàng tới 7.000 tỷ đồng. Đây là ví dụ điển hình cho nợ xấu bất động sản.

Chính vì vậy, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần phải sàng lọc tín dụng bất động sản, tránh cho vay các dự án trên giấy, nhắm vào các dự án có tính khả thi và thanh khoản cao, tránh bong bóng bất động sản đi kèm “bom nợ” quay lại như thời kỳ trước đây.

Tin bài liên quan