Tăng vốn ngân hàng bằng cách nào?
Lý do được các ngân hàng thương mại, trong đó có BIDV và VietinBank đưa ra khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu trong mùa đại hội đồng cổ đông vừa qua là áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR).
Thời gian qua, BIDV, Vietcombank, VietinBank bơm mạnh vốn ra nền kinh tế, khiến tổng tài sản tăng mạnh, trong khi vốn tự có hầu như đứng im, kết quả là hệ số CAR chỉ còn 9-12%, trong khi mức tối thiểu theo quy định là 9%.
Tới đây, khi Basel II được áp dụng, với các tiêu chuẩn khắt khe hơn, CAR của các ngân hàng sẽ bị đánh tụt 2-3% so với hiện tại. Như vậy, nếu không tăng vốn để nâng hệ số CAR, thì nhiều ngân hàng sẽ phải dừng hoạt động cho vay và đầu tư, nếu không muốn “thủng” lưới an toàn.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: “Có nhiều cách để tăng vốn, nhưng tăng vốn từ phần cổ tức giữ lại không phải là giải pháp căn cơ vì vốn rất nhỏ. Nếu thấy ngân hàng thương mại cần tăng vốn thì cần tiến hành các giải pháp mạnh hơn, như thoái bớt vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu”.
Câu hỏi đặt ra là, tăng vốn bằng cách khác liệu có dễ? Về lý thuyết, các ngân hàng quốc doanh có thể thoái vốn bằng rất nhiều cách, trong đó cách tăng vốn nhanh nhất, nhiều nhất là giảm sở hữu nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hiện nay, việc phát hành thêm lượng lớn cổ phiếu là không khả thi. Còn việc giảm sở hữu nhà nước là nỗi khát khao của nhiều ngân hàng. Thời gian qua, lãnh đạo BIDV, VietinBank, Vietcombank đã nhiều lần lên tiếng đề nghị, song vẫn chưa được chấp thuận. Như vậy, dường như, tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại vẫn là lựa chọn khả thi nhất của các ngân hàng.
Gánh nhiều vai, ngân hàng muốn nhả bớt sở hữu nhà nước
Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước đang đặt trên vai các ngân hàng thương mại quá nhiều trọng trách: bơm vốn cho nền kinh tế, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém…
Thực tế, trong bộ ba ngân hàng TMCP quốc doanh là BIDV, VietinBank và Vietcombank, chỉ Vietcombank trả cổ tức bằng tiền mặt, song đây cũng là ngân hàng duy nhất chưa nhận sáp nhập ngân hàng yếu nào, trong khi BIDV đã phải sáp nhập MHB, còn VietinBank thì đang làm thủ tục sáp nhập PGBank.
Bên cạnh các trọng trách trên, các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh còn phải yêu cầu nhanh chóng vươn tầm khu vực.
Theo chuyên gia ngân hàng, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, để thực hiện các mục tiêu trên, các nhà băng lớn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực tài chính.
Tất nhiên, Bộ Tài chính cũng có lý lẽ xác đáng khi đòi VietinBank, BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt. Các ngân hàng cũng không thể mãi lấy lý do tăng vốn để giữ lại lợi nhuận hàng năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh trước mắt, Chính phủ có lẽ chỉ có 2 lựa chọn: thoái bớt vốn để ngân hàng gọi thêm các cổ đông chiến lược nhằm mở rộng quy mô và chấp nhận hy sinh lợi nhuận.
Về phía ngân hàng thương mại cũng cần có chiến lược tăng thu từ lĩnh vực dịch vụ, giảm phụ thuộc vào mảng tín dụng để giảm áp lực lên hệ số CAR.
Dù Chính phủ lựa chọn giải pháp nào, thì câu chuyện Bộ Tài chính đòi cổ tức tiền mặt của VietinBank, BIDV cũng là bài học cho các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp để thống nhất đưa ra phương án phân phối lợi nhuận một cách đúng luật, trước khi cuộc họp đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp diễn ra.