Không dễ để các ngân hàng cắt bỏ “món nợ” đeo đẳng

Không dễ để các ngân hàng cắt bỏ “món nợ” đeo đẳng

Ngân hàng miệt mài rao bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) 2020 được xem là năm bán nợ xấu dồn dập của ngân hàng khi thời hạn tất toán trái phiếu VAMC đến hạn. Thế nhưng, việc bán tài sản thu hồi nợ của ngân hàng khó đẩy nhanh.

Rao bán chục lần chưa xong

Sacombank đang rao bán đấu giá hàng loạt bất động sản ở khu vực TP.HCM, Bình Dương, Hải Phòng… để xử lý, thu hồi nợ. Trong đó, khu đất số 41 - 45 hẻm 281 Lý Thường Kiệt, quận 11, TP.HCM được rao bán tới lần thứ 10. Tài sản gắn liền với lô đất này là khách sạn 2 sao Ngân Kiều, có tổng diện tích sử dụng hơn 4.000 m2, giá khởi điểm 122 tỷ đồng.

Hai năm qua, Sacombank có tới 4 lần đưa ra đấu giá nguyên trạng Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Nhà Bè, TP.HCM) để xử lý các tồn đọng do ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch Sacombank để lại. Từ mức giá trên 9.000 tỷ đồng trong đợt đầu đã giảm dần về mức 6.600 tỷ đồng, tức giảm gần 2.500 tỷ đồng, song nhà băng này chưa xử lý được tài sản đảm bảo trên để thu hồi nợ xấu, tất toán trái phiếu VAMC.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn hợp tác xử lý tài sản đảm bảo nói trên, nhưng tài sản này còn vướng các thủ tục pháp lý. Ngân hàng đang đợi ý kiến của UBND TP.HCM để có thể phát mãi tài sản trở lại.

Dự án Khu công nghiệp Phong Phú bị “treo” gần 20 năm qua đang trở thành tâm điểm trong vụ bán đấu giá tài sản để thu hồi nợ của Sacombank, vì có sự giả mạo chữ ký một thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú. Trước đó, ngày 24/10/2018, Thanh tra Bộ Tư pháp có công văn gửi Công ty cổ phần Dịch vụ đấu giá Toàn Cầu và Sacombank, đề nghị hai đơn vị tạm dừng tổ chức đấu giá khu công nghiệp này.

Thực tế, với khối lượng nợ xấu lớn để lại từ hậu sáp nhập SouthernBank, đến nay, Sacombank còn nhiều bất động sản giá trị lớn chưa thể phát mãi thu hồi nợ. Theo bà Diễm, quá trình xử lý nợ xấu, gồm các khoản nợ phát sinh từ SouthernBank khá phức tạp, tồn đọng lãi dự thu, tài sản đảm bảo là các dự án chưa hoàn thiện pháp lý. Trong khi đó, thủ tục khởi kiện mất nhiều thời gian. Sacombank kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cần có cơ chế đặc thù cho Ngân hàng, nhất là trong hoạt động xử lý nợ xấu để có thể nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng.

Ảnh tác giả

Một trong những điểm đột phá của Nghị quyết 42 là quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng

Mới đây, BIDV thông báo tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỷ đồng.

Việc phát mãi tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở BIDV cũng chật vật chẳng kém Sacombank. Sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo ở Công ty cổ phần Thúy Đạt, giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được người mua. Tài sản của nhóm Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi... nhưng đến nay vẫn bán chưa thành.

Một số liệu đáng chú ý, năm 2020, 28 ngân hàng dành bình quân 39% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh để trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu thì con số này tại BIDV lên tới gần 72%, cao hơn nhiều so với VietinBank (42%) và Vietcombank (30%). Điều này cũng có nghĩa, cứ 100 đồng làm ra, BIDV phải dành 72 đồng để dự phòng.

Năm 2021, lãnh đạo BIDV dự báo, mức trích lập dự phòng rủi ro sẽ tương đương năm 2020, khoảng 24.000 tỷ đồng.

Kéo dài thời gian giải quyết

Theo luật sư Nguyễn Văn Trình, Trưởng phòng Pháp lý Sacombank, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau khi Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được ban hành, các ngân hàng đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quá trình xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông các dòng vốn tồn đọng, đưa trở lại nền kinh tế. Trong đó, Sacombank đã và đang thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu Ngân hàng, với nhiệm vụ trọng tâm là xử lý triệt để các khoản nợ, tài sản tồn đọng từ đơn vị sáp nhập.

Năm 2020, công tác thu hồi nợ được đẩy mạnh, doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu được kéo về 1,6%. Tuy nhiên, với hành lang pháp lý như hiện nay, hầu hết khối nợ xấu, tài sản tồn đọng tại Sacombank vẫn đang được giải quyết tại cơ quan tòa án, thi hành án dân sự.

Sacombank là một trong những ngân hàng liên tục phát mãi tài sản thời gian qua

Sacombank là một trong những ngân hàng liên tục phát mãi tài sản thời gian qua

Cụ thể, tính tại khu vực TP.HCM, Sacombank đang có 86 hồ sơ xử lý nợ tại tòa án và thi hành án, với tổng dư nợ 602,155 tỷ đồng. Đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và nhận ủy quyền để xử lý, Sacombank có 10 hồ sơ xử lý nợ tại tòa án, với tổng dư nợ là 44,944 tỷ đồng. Dù vậy, quá trình xử lý nợ thông qua biện pháp tố tụng dân sự theo luật sư Trình vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, để hoạt động xử lý nợ đạt được hiệu quả cao.

Luật sư Trình cho biết, Bộ luật Tố tụng dân sự (khoản 2, 3, Điều 192) quy định thời hạn tối đa thụ lý vụ án là 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, tuy nhiên, trong thực tiễn không hiếm gặp trường hợp tòa án thụ lý vụ án vượt quá thời hạn theo quy định trên.

Việc khởi kiện tại tòa án là biện pháp xử lý “chẳng đặng đừng”, sau khi ngân hàng và khách hàng không thể tìm kiếm giải pháp chung, trong khi số nợ ngân hàng cần phải thu hồi gia tăng qua từng ngày. Thời gian xử lý nợ càng bị kéo dài, áp lực thu hồi nợ cho ngân hàng càng tăng, tiềm ẩn khả năng tổn thất càng lớn. Ngân hàng không hiếm lần buộc phải làm việc trực tiếp với thẩm phán thụ lý vụ án, thậm chí khiếu nại về việc thụ lý quá hạn, nhưng vấn đề này vẫn tồn tại.

Tính tại khu vực TP.HCM, Sacombank hiện có 8 hồ sơ xử lý nợ tại tòa án đã khởi kiện từ năm 2018 nhưng chưa giải quyết xong, với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng; 13 hồ sơ xử lý nợ đã khởi kiện trong giai đoạn từ năm 2010 - 2016 nhưng tới nay vẫn được xét xử, với tổng dư nợ là 352.569 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo phản ánh của SCB, có trường hợp khách hàng vay rồi không trả được nợ, ngân hàng khởi kiện ra tòa, có quyết định thi hành án nhưng không thể tiến hành bởi tài sản phát sinh tranh chấp. Người trong gia đình khách hàng nộp đơn kiện khiến việc thi hành án phải ngưng lại. Nhưng thực chất là khách hàng cố tình làm khó để trục lợi, khi căn nhà này đang được cho thuê từ 80-100 triệu đồng/tháng. Do đó, SCB kiến nghị cần có chế tài mạnh đối với những trường hợp khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp ảo, trì hoãn việc giao tài sản thế chấp cho cơ quan thi hành án.

Quá tải hồ sơ xử lý và nhiều vướng mắc

Thống kê của Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM trong 3 năm gần đây cho thấy, tỷ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn được giải quyết chỉ đạt cao nhất hơn 24%/năm. Thậm chí, trong năm 2019, con số này chưa tới 12%.

Nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Số tiền thu hồi lại theo đó cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10%. Cụ thể, trong năm 2020 (từ ngày 1/10/2019 đến 30/9/2020), các đơn vị thi hành án trên địa bàn Thành phố tiếp nhận 4.541 vụ việc liên quan đến các tổ chức tín dụng phải giải quyết, tương ứng với số tiền là 63.321 tỷ đồng (chiếm 4,49% về việc và 59,2% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Tuy vậy, tỷ lệ giải quyết chỉ đạt 24,14% về việc và 36,81% về số tiền.

Dự án Kenton Node phát sinh số nợ đọng tới 4.063 tỷ đồng tại BIDV

Dự án Kenton Node phát sinh số nợ đọng tới 4.063 tỷ đồng tại BIDV

Theo ông Phan Văn Thụy, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng lý do chính vẫn là các quy định về trình tự thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản trong thi hành án còn rất phức tạp, ngoài ra còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Số lượng tiền phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng là rất lớn, chiếm trên 50% tổng giá trị mà các cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành. Trong khi đó, hệ thống tòa án đang chịu áp lực giải quyết khối lượng lớn các vụ án và có xu hướng tăng theo từng năm.

Trước đây, khi các ngân hàng muốn làm “sạch” bảng cân đối kế toán đã chuyển nợ xấu qua VAMC. Nhưng sau 5 năm, nếu không xử lý được, lượng nợ xấu này lại quay về khiến nợ xấu nội bảng của ngân hàng tăng lên thời gian qua.

Sau gần một thập kỷ hợp nhất, đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, đến nay, SCB đã xử lý được lượng lớn nợ xấu. Quỹ dự phòng rủi ro cũng được nhà băng này trích lên đến 14.000 tỷ đồng. Thế nhưng, lượng trái phiếu VAMC mà nhà băng này nắm giữ hiện còn hơn 20.000 tỷ đồng và đã trích dự phòng được phân nửa. Sacombank còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và nỗ lực xử lý.

Đó cũng là lý do khiến nhiều nhà băng đã sớm tất toán trái phiếu VAMC, nhưng vẫn còn khối lượng nợ xấu lớn trước đây chưa thể xử lý được.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng cho rằng, còn nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Một trong những điểm đột phá của nghị quyết này là quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản. Theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản đảm bảo đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản đảm bảo, vậy nhưng, tính đến thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này.

Hàng loạt vướng mắc trong thủ tục sang tên cho người mua tài sản đảm bảo, chuyển nhượng dự án bất động sản, giới hạn phạm vi lựa chọn tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đảm bảo thi hành án... cùng với việc thiếu thị trường mua bán nợ xấu khiến cho việc rao bán nhiều tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chưa có “hồi đáp”.

Tin bài liên quan