Giao dịch ngoại hối mang lại nguồn thu đáng kể cho các nhà băng. Ảnh: Đ.T
Kinh doanh ngoại hối lỗ nặng trong quý III/2021?
Báo cáo tài chính quý III/2021 của hàng loạt ngân hàng cho thấy, hầu hết ngân hàng đều thua lỗ hoặc giảm sút lãi thuần ở lĩnh vực này.
Cụ thể, trong quý III/2021, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của SeABank chỉ đạt 15,6 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, chủ yếu do lỗ trong hoạt động tài chính phái sinh tiền tệ. Tương tự, trong quý này, mảng kinh doanh ngoại hối của TPBank ghi nhận mức lỗ 44,6 tỷ đồng, do lỗ ở nghiệp vụ phái sinh tiền tệ.
Hàng loạt ngân hàng cũng công bố sụt giảm lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối trong quý III/2021, như VietABank lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm 18%; NCB lỗ 863 triệu đồng từ hoạt động này, trong khi cùng kỳ lãi 564 triệu đồng. Trong quý này, OCB giảm 72,5% lãi thuần từ nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối, trong khi mức sụt giảm tại ABBank là 70%.
Tỷ giá USD/VND đi xuống trong quý III/2021 được coi là nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh ngoại hối của ngân hàng thua lỗ. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB cho hay, tỷ giá ngày càng bình ổn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước khiến hoạt động tự doanh ngoại tệ của các ngân hàng giảm mạnh.
Theo các chuyên gia, nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối phổ biến nhất được các ngân hàng sử dụng hiện nay là FX Swap (giao dịch mua và bán cùng một lượng ngoại tệ, trong đó thời hạn thanh toán của hai giao dịch khác nhau và tỷ giá của hai giao dịch được xác định đồng thời tại thời điểm ký hợp đồng giao dịch). Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND giảm khoảng 1,5%. Theo đó, hầu hết ngân hàng kinh doanh nghiệp vụ FX Swap đều lỗ. Ước tính, quy mô nghiệp vụ này của các tổ chức tín dụng Việt Nam khoảng 2 tỷ USD.
Ngoại hối vẫn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà băng
Mặc dù trên báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh ngoại hối tại nhiều ngân hàng đang thua lỗ, giảm sút, song lãnh đạo nhiều ngân hàng phân tích, lãi ròng từ nguồn vốn ngoại hối mang lại cho ngân hàng vẫn rất lớn, nhưng được hạch toán ở hai nghiệp vụ khác nhau: lỗ ở hoạt động kinh doanh ngoại hối, song lãi lãi lớn từ hoạt động cho vay.
Tỷ giá có ổn định thì thị trường, doanh nghiệp, người nắm giữ USD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)... mới yên tâm và kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá thay đổi. Thời gian qua, tăng trưởng GDP có thể thấp, nhưng ổn định tỷ giá là điều kiện vô cùng tuyệt vời cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI để yên tâm sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc ngân hàng Nhà nước
Hiện nay, các ngân hàng đều sử dụng nghiệp vụ Swap để hoán đổi USD sang VND, sau đó dùng VND để cho vay các doanh nghiệp. Chính vì vậy, dù ngân hàng có thể lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song ngân hàng vẫn lãi ròng từ nguồn ngoại hối mang lại.
Ví dụ, ngân hàng A huy động 1 USD với chi phí huy động 1%, hoán đổi ngay sang VND với giá 23.000 đồng/USD. Cùng lúc, ngân hàng thực hiện lệnh mua lại trong tương lai với mức giá tăng khoảng 2% (tương đương 23.460 đồng/USD). Số tiền đồng được ngân hàng cho vay với lãi suất 10%/năm. Nếu sau một năm, nếu tỷ giá đứng yên, ngân hàng sẽ lỗ nhẹ chi phí Swap, song tổng thể vẫn lãi lớn. Trong trường hợp tỷ giá tăng, ngân hàng sẽ hưởng lãi kép: vừa lãi từ nghiệp vụ cho vay (10%/năm), vừa hưởng lãi nhờ tỷ giá tăng. Trong trường hợp tỷ giá giảm, ngân hàng sẽ lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối, song sẽ được bù đắp từ hoạt động cho vay.
Thực tế, lợi nhuận từ hoạt động cho vay bao giờ cũng lớn hơn nhiều so với mức giảm của tỷ giá USD/VND, nên tổng thể, lãi ròng của ngân hàng từ kinh doanh ngoại hối vẫn rất lớn.
“Hai nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối và cho vay được hạch toán theo hai phương thức khác nhau, nên nhìn vào báo cáo tài chính, có thể thấy một số ngân hàng lỗ từ hoạt động kinh doanh ngoại hối. Song thực tế, lĩnh vực kinh doanh ngoại hối vẫn mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng”, ông Lê Quang Trung khẳng định.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, tiền đồng tăng giá gần 1,5% (tỷ giá USD/VND giảm), sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp giảm giá mua vào USD kể từ tháng 6/2021. Xu hướng này cũng được cho là đi ngược với những năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so với USD. Mức độ cắt giảm đến nay được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, tiếp tục thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước.
Khối nghiên cứu toàn cầu của HSBC dự báo, tỷ giá sẽ tiếp tục giảm trong quý IV/2021, nhưng sẽ đảo chiều tăng trở lại vào năm 2022. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, cán cân thương mại trong tháng 9 đã đảo chiều xuất siêu cộng với việc Chính phủ từng bước mở cửa lại nền kinh tế sẽ khiến cán cân thương mại được cải thiện vào giai đoạn cuối năm. Cùng với đó, khả năng kiều hối tăng trưởng tốt sẽ giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.
Nhìn chung, tỷ giá dự báo tiếp tục ổn định trong thời gian tới sẽ không hỗ trợ nhiều cho các ngân hàng trong việc kiếm lời từ chênh lệch biến động tỷ giá. Tuy vậy, như đã phân tích, nghiệp vụ Swap vẫn giúp ngân hàng thu lợi lớn từ nguồn ngoại tệ huy động. Thêm vào đó, ổn định tỷ giá cũng tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo thuận lợi cho các ngân hàng hoạt động hiệu quả.