Thực tế, việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ không hẳn dễ dàng

Thực tế, việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ không hẳn dễ dàng

Ngân hàng liên tục 'rao bán' cao ốc, ai mua?

(ĐTCK) Kể từ ngày 15/8/2017, thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 chính thức có hiệu lực, các tổ chức tín dụng liên tục thông báo đấu giá, hoặc thu giữ tài sản thế chấp của khách hàng dính nợ xấu, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản.

Ngân hàng ráo riết siết nợ, phát mãi tài sản

Mới đây, Maritime Bank thông báo thu giữ giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại số 1/229 Khu biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) lô H21, 22, 27, 28 đường Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Thời gian thu giữ từ đầu tháng 11/2017. Cũng trong tháng 11, Maritime Bank cho biết, sẽ thu giữ nhiều tài sản khác của các khách hàng khu vự phía Bắc như  Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình…

Tương tự, BIDV - Sở giao dịch 2 sẽ đấu giá toàn bộ khoản nợ của CTCP Đầu tư y tế Việt Nam và CTCP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 với tổng trị giá gần 1.100 tỷ đồng (bao gồm cả tiền vay và lãi phát sinh đến 31/7/2017). Theo thông báo, giá đấu khởi điểm là 810,3 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp là khu đất 174,5 m2 và Dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh, TP HCM, bao gồm 41.242 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất là 2 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, có tổng cộng khoảng 700 căn hộ. Trong đó, một block đã đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng đến nay chỉ có 30-40 hộ dân vào ở; block còn lại bị bỏ hoang từ mấy năm nay, dù đã gần như hoàn thiện.

Agribank - Chi nhánh Bình Chánh cho biết, sẽ bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Dự án căn hộ số 339 đường Bông Sao, phường 5, quận 8, TP.HCM của Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Vạn Hưng Phát, với giá bán khởi điểm là 63 tỷ đồng. Được biết, khoản nợ có giá trị 161,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 62,7 tỷ đồng, còn lại gần 100 tỷ đồng là lãi.

Ngoài những cái tên kể trên, cũng trong tháng 10, hàng loạt ngân hàng như Viet Capital Bank, HDBank, TPBank, PVcomBank, Nam A Bank, OCB… cũng đã ra thông báo về việc thu giữ và xử lý tài sản là bất động sản.

… nhưng thực tế không dễ xử lý

Kể từ khi Nghị quyết 42 ra đời, không chỉ ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác cũng đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu. Đơn cử, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) đã thu giữ và rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất tại số 129 A - 131 - 131 A - 133 - 135 A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM…

Trước đó, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tiến hành thu giữ Cao ốc phức hợp Saigon One Tower để cấn trừ số nợ lên tới 7.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch VAMC cho biết, VAMC đã mời Viện kiểm soát nhân dân Tối cao, công an và 2 ngân hàng là chủ nợ của dự án này tham gia vào hội đồng xử lý nợ, thuê các đơn vị thẩm định giá, đấu giá theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, cũng như theo thực tế thị trường.

“Tuy nhiên, có những khoản nợ thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi, nhưng cũng có các khoản nợ phải bán dưới giá trị gốc theo tinh thần của Nghị quyết 42”, ông Đông chia sẻ.

Thực tế cũng cho thấy, việc phát mãi tài sản để thu hồi nợ không hẳn dễ dàng. Chẳng hạn, Agribank AMC đã thất bại trong cả 5 lần tổ chức đấu giá. Mới nhất, Agribank AMC tiếp tục thông báo sẽ đấu giá tòa nhà nói trên với giá khởi điểm 299,052 tỷ đồng. Để tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải đặt cọc trước 15% so với giá khởi điểm, tương đương khoảng 45 tỷ đồng, phí tham gia đấu giá là 500.000 đồng…

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, nhằm đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, các ngân hàng đẩy mạnh việc siết nợ và phát mãi tài sản là điều bình thường.

“Ở Mỹ, khi khoản nợ vay rơi vào nợ xấu, các ngân hàng có thể ngay lập tức xử lý tài sản để thu hồi nợ. Trong khi đó, ở Việt Nam, lâu nay, các ngân hàng chưa được phép làm điều này cho đến khi Nghị quyết 42 ra đời”, ông Hiếu nói và cho biết, các chính sách hiện tại đang tạo điều kiện cho hoạt động xử lý nợ xấu.

Các tổ chức tín dụng cần xác định mục tiêu, lộ trình kiển khai xử lý nợ cho từng năm, nếu có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan quản lý hoàn thiện các văn bản hướng dẫn xử lý nợ xấu.

“Đây sẽ là nền tảng tạo khung hành lang pháp lý để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn kích thích phát triển nền kinh tế”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan