MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 25 - 30%

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 25 - 30%

Ngân hàng lạc quan về lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đề ra kế hoạch lợi nhuận, tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng,… năm 2021 tăng 10 - 30% so với năm 2020.

Lợi nhuận dự kiến tăng trên 10%

Năm 2021, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30%, tương đương đạt trên 14.600 tỷ đồng; tổng tài sản tăng khoảng 15%, lên 545.000 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%.

Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 ở mức 25.200 tỷ đồng, tăng 12%; tổng tài sản tăng 6%; huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân tăng 8%; tín dụng tăng khoảng 12%.

Với VietinBank, kế hoạch năm 2021 là lợi nhuận tăng 10 - 20%, tổng tài sản tăng 3 - 6%, tín dụng tăng 8 - 11%, huy động tăng 10 - 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Không ít ngân hàng khác dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 như Agribank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng khoảng 10%, tín dụng tăng 8 - 11%, thu từ dịch vụ tăng 6 - 8%, thu hồi nợ xấu sau xử lý tối thiểu 9.000 tỷ đồng.

Mục tiêu năm nay của BIDV là tổng tài sản tăng khoảng 9%; dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%; huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng 12 - 14,8%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,6%.

Tổng giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho hay, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2021 tương đương mức đạt được năm 2020 hoặc cao hơn. Các chỉ tiêu này sẽ được triển khai khi được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông dự kiến vào tháng 4/2021. Năm 2020, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 9.596 tỷ đồng, tăng 27,7%.

Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, nền kinh tế đang dần được cải thiện, tín dụng năm 2021 có thể sẽ tăng 14 - 15%. Tín dụng tăng trở lại sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục cải thiện lợi nhuận. Ngoài ra, Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy kinh tế. Do đó, ngành ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.

Cẩn trọng nợ xấu

TS. Nghĩa cho rằng, điều đáng lo ngại nhất trong trung hạn là vấn đề nợ xấu. NHNN không nên sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ theo hướng “giấu nợ”, mà cần phải nhìn thực chất con số nợ xấu đang có là bao nhiêu, còn việc xử lý nợ có thể kéo dài nếu cần thiết. Qua một năm tái cơ cấu nợ, con số nợ xấu thực sự hiện tại chưa thể đo đếm chính xác, nhưng dự đoán là khá lớn. Nhìn vào lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại ở mức cao trong năm 2020 có thể cảm nhận nhiều khoản nợ xấu chưa được trích lập dự phòng, chưa được hạch toán đầy đủ.

Theo FiinGroup, doanh thu và lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng tốt trong quý IV cũng như cả năm 2020, nhưng tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc mở rộng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) do lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động. Đồng thời, việc trích lập dự phòng rủi ro thấp hơn thực tế nhờ Thông tư 01 và một số ngân hàng ghi nhận một phần lợi nhuận từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm, đầu tư chứng khoán. Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng của nhóm ngân hàng không mang tính bền vững có thể là rủi ro đối với lợi nhuận năm 2021. Do lãi suất huy động tiếp tục giảm, NHNN đang sửa đổi Thông tư 01 theo hướng siết chặt hơn các quy định về trích lập dự phòng rủi ro.

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, năm 2020, các ngân hàng khá thận trọng trong cho vay bất động sản, tài sản thế chấp cũng như khoản nợ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu năm 2021, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn thì nợ xấu ngân hàng khó tránh khỏi tăng lên, song kỳ vọng thị trường nhà đất năm nay sẽ có chuyển biến tích cực. Theo đó, nợ xấu không phải là mối đe dọa lớn.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước vừa thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng lạc quan hơn về mức độ rủi ro tổng thể năm 2021. Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý I/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021; dư nợ tín dụng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 3,6% trong quý I/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Lợi nhuận kỳ vọng tăng so với năm 2020.

Tin bài liên quan