Techcombank vừa vay tín chấp 800 triệu USD do Standard Chartered bảo lãnh

Techcombank vừa vay tín chấp 800 triệu USD do Standard Chartered bảo lãnh

Ngân hàng khơi nguồn vốn rẻ để hạ thêm lãi suất cho vay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãi suất huy động được thị trường đánh giá không còn dư địa giảm, vậy nguồn vốn rẻ nào sẽ giúp các ngân hàng hạ thêm lãi suất cho vay?

Huy động Vốn ngoại

Trong một thông báo ngắn gọn cuối tuần qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết, JICA và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation sẽ cung cấp khoản vay hợp vốn trị giá 100 triệu USD cho VPBank thông qua Quỹ Đầu tư và Tài chính Khu vực Tư nhân (PSIF) nhằm thúc đẩy tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ lãnh đạo.

Còn đầu tuần, thông tin từ Ngân hàng Standard Chartered cho hay, Ngân hàng vừa bảo lãnh phát hành thành công khoản vay vốn nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay trị giá 800 triệu USD cho Techcombank. Khoản vay tín chấp này bao gồm hai cấu phần: 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD với kỳ hạn 5 năm. Lãi suất của khoản tín dụng bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,35%/năm cho kỳ hạn 3 năm và 1,62%/ năm cho kỳ hạn 5 năm.

Standard Chartered là tổ chức ban đầu đứng ra bảo lãnh phát hành và thu xếp khoản vay. Sau đó, Ngân hàng Cathay United, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, Ngân hàng State Bank of India và Ngân hàng Quốc tế Taishin cùng tham gia vào giao dịch với tư cách là các bên được đồng chỉ định thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính cho khoản tín dụng.

Thị trường nhận định, việc huy động vốn lớn trên thị trường quốc tế với kỳ hạn 5 năm là dấu mốc quan trọng đối với các ngân hàng Việt Nam. Khoản vay của Techcombank hiện có giá trị lớn nhất đối với một định chế tài chính của Việt Nam trên thị trường vay hợp vốn quốc tế.

Trước đó, tháng 5/2020, thị trường chứng kiến Techcombank được giải ngân toàn bộ khoản vay hợp vốn quốc tế đầu tiên trị giá 500 triệu USD. Đây là khoản vay tín chấp có thời hạn 3 năm, với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD liên ngân hàng (LIBOR) cộng biên độ 1,5%/năm. Khoản vay được điều phối bởi Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB), đồng thời là bên đại diện quản lý khoản vay. UOB cùng với các ngân hàng Australia and New Zealand Bank Group Limited, CTBC Bank Co., Ltd, First Abu Dhabi Bank PJSC và Taishin International Bank Co., Ltd. (gọi chung là các bên được chỉ định thu xếp, bảo lãnh phát hành và dựng sổ khoản vay) đồng thu xếp khoản vay cho Techcombank.

Thực tế, tìm kiếm nguồn vốn rẻ thông qua vay vốn từ nước ngoài không phải là câu chuyện mới. Giữa năm 2019, VPBank đã huy động thành công 300 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm. Trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25%/năm, được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.

Tại thời điểm năm 2019, đây là lượng trái phiếu quốc tế lớn nhất lần đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mức lãi suất trái phiếu là mức thấp nhất do tổ chức tư nhân phát hành từ Việt Nam. Trái phiếu không có tài sản bảo đảm và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore.

Đầu năm 2020, VIB nhận khoản vay hợp vốn trị giá 70 triệu USD từ 3 định chế tài chính quốc tế gồm Ngân hàng Cathay United - Đài Loan, Ngân hàng Công thương Trung Quốc - chi nhánh Hồng Kông và Ngân hàng Bank of Communications.

Ngân hàng phải có định hạng tín nhiệm cao

Mục tiêu của các ngân hàng khi vay hợp vốn, phát hành trái phiếu ở nước ngoài đều rõ ràng như tăng quy mô nguồn vốn, bổ sung nguồn vốn lưu động nói chung, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn bằng nội tệ cũng như ngoại tệ ngày càng cao của khách hàng, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và đối tác.

Nói về khoản vay hợp vốn 800 triệu USD vừa qua, ông Trịnh Bằng, Giám đốc Tài chính Tập đoàn kiêm Giám đốc Khối Chiến lược và Phát triển Techcombank cho biết: “Với nguồn vốn trung và dài hạn dồi dào này, Techcombank sẽ luôn có thể sẵn sàng hỗ trợ cho các nhu cầu vay vốn trung và dài hạn ngày càng gia tăng của khách hàng”.

Thị trường ngân hàng quốc tế đánh giá cao tiềm lực tài chính và tin tưởng vào khả năng tăng trưởng của ngân hàng Việt Nam.

Một lãnh đạo cao cấp VIB nhấn mạnh: “Với khoản vay hợp vốn trị giá 70 triệu USD, thanh khoản của Ngân hàng sẽ tiếp tục tốt thêm khi có một cơ cấu vốn linh hoạt hơn nữa trong cho vay trung và dài hạn”.

Chuyên gia về nguồn vốn của một định chế tài chính nước ngoài cho hay, tiền tại các ngân hàng ở nước ngoài đang thừa, thanh khoản trong hệ thống dồi dào, vì thế cho ngân hàng ở các thị trường như Việt Nam vay để thu lợi cao hơn so với cho vay trong nước.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, vay vốn nước ngoài với lãi suất thấp trong khi tiền đồng giữ giá trị, thậm chí tăng giá so với USD là yếu tố thuận lợi đối với các ngân hàng Việt và các tổ chức phát hành quốc tế. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 12 liên tiếp đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp gần nhất trong lịch sử. Mức lãi suất tham chiếu hiện tại ổn định trong phạm vi 0 - 0,25%/năm, trong khi đó, việc nâng lãi suất dự kiến sẽ được thực hiện nhưng diễn ra rất chậm, dự kiến tăng lên 1%/năm vào năm 2023 và 1,8%/năm vào năm 2024.

Số liệu tại báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho thấy, trong quý III/2021, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam (VND) với USD giảm 16 đồng so với cuối quý II, tương đương giảm 0,07%. Tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm 247 đồng, tương đương VND lên giá 1,07% so với USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tỷ giá trung tâm tăng 31 đồng, tương đương tăng 0,13%, trong khi tỷ giá thực giảm 337 đồng, tương đương VND lên giá 1,46%.

Dẫu vậy, TS. Hiếu nhận xét về nguồn vốn quốc tế: “Đây là miếng bánh ngon, nhưng không phải ngân hàng nào muốn cũng có được, bởi để các nhà đầu tư ngoại giải ngân, trước tiên, các ngân hàng phải qua được vòng “gửi xe”, đó là định hạng tín nhiệm ngân hàng. Thông thường, việc này sẽ do các hãng xếp hạng tín nhiệm như S&P, Moody’s thực hiện”.

Được biết, Techcombank có nguồn vốn vững mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao, chiến lược đa dạng hóa nguồn thu thành công và kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm 2021, nên S&P tin tưởng rằng, Techcombank sẽ duy trì được vị thế trên thị trường và giữ vững ổn định kinh doanh trong 12 - 18 tháng tới.

Moody's đang xem xét nâng hạng hàng loạt chỉ số xếp hạng quan trọng cho VPBank. Cụ thể, Moody’s tuyên bố sẽ xem xét nâng hạng các chỉ số xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội - ngoại tệ dài hạn (hiện tại ở mức B1 với triển vọng “tích cực”), chỉ số tín dụng cơ sở (hiện được xếp ở mức b1), chỉ số xếp hạng và đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (đang ở mức Ba3), chỉ số xếp hạng nhà phát hành dài hạn (đang ở mức B1 với triển vọng “tích cực”) và nhiều chỉ số khác liên quan đến tín dụng, kiểm soát rủi ro của Ngân hàng.

Đại diện lãnh đạo VPBank chia sẻ, việc VPBank là ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Việt Nam nhận được khoản vay hợp vốn 100 triệu USD của một tổ chức phát triển thuộc Chính phủ Nhật Bản và định chế tài chính tư nhân lớn nhất Nhật Bản khẳng định vị thế của VPBank trên thị trường vay vốn quốc tế, dù trong bối cảnh thách thức của đại dịch Covid-19. Khoản đồng tài trợ này còn đóng vai trò quan trọng mở cánh cửa cho VPBank tiếp cận thị trường vốn Nhật Bản với những tiêu chuẩn tín dụng thận trọng và khắt khe nhất thế giới.

“Kết quả này có được nhờ chiến lược kiểm soát dịch hiệu quả mà Chính phủ thực hiện thời gian qua đã tạo được lòng tin cho ngành ngân hàng Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế và VPBank cũng đã nỗ lực duy trì hoạt động kinh doanh tăng trưởng bền vững”, vị đại diện lãnh đạo VPBank nói.

Tại VIB, lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh: “Khoản vay hợp vốn của Ngân hàng thể hiện sự tín nhiệm của các định chế tài chính với uy tín và năng lực của VIB, ngay cả trong tình hình quốc tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19”.

Trong diễn biến có liên quan, ông Bryan Liew, Giám đốc Điều hành phụ trách thu xếp hợp vốn của Standard Chartered cho biết: “Giao dịch vay vốn trị giá 800 triệu USD là một cột mốc lớn đối với thị trường cho vay Việt Nam, xét về vị thế của bên đi vay cũng như quy mô và kỳ hạn của khoản vay. Việc khoản vay đã thu hút hơn 20 nhà đầu tư tham gia hợp vốn và giá trị của khoản vay tăng thêm tới 60% so với giá trị dự định vay ban đầu khẳng định sự tin tưởng của thị trường ngân hàng quốc tế đối với tiềm lực tài chính và khả năng tăng trưởng của ngân hàng Việt”.

Tin bài liên quan