Ngày 25/3, Sacombank sẽ tổ chức ĐHCĐ, trong đó thông qua đề án sáp nhập Southern Bank

Ngày 25/3, Sacombank sẽ tổ chức ĐHCĐ, trong đó thông qua đề án sáp nhập Southern Bank

Ngân hàng giảm bớt từ "nhạy cảm" với cổ đông

(ĐTCK) Các ngân hàng đang chuẩn bị tiến hành ĐHCĐ thường niên, mở đầu là SCB, kế đến sẽ là Sacombank, NamA Bank, Eximbank, DongA Bank… Tuy nhiên, khác với những năm trước, trước thềm đại hội năm nay, thông tin từ các ngân hàng được công bố khá cụ thể, gồm cả nội dung trước đây vẫn coi là "nhạy cảm".

SCB sẽ là ngân hàng đầu tiên mở màn cho mùa ĐHCĐ ngân hàng năm nay. ĐHCĐ SCB sẽ diễn ra vào ngày 17/3 tới. Các nội dung về kế hoạch hoạt động cũng như định hướng kinh doanh trong năm 2014 đã được SCB công bố.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, năm 2014, Ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài chính toàn diện, nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính của SCB và hoàn tất đề án hợp nhất, lộ trình 3 năm. Trong năm nay, SCB sẽ tăng thêm 1.500 - 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ; tổng tài sản dự kiến đến cuối năm đạt 237.870 tỷ đồng; tổng vốn huy động đạt 206.108 tỷ đồng; tăng trưởng tín dụng đạt 8.600 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 121 tỷ đồng.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, SCB sẽ thành lập/mua mới một công ty bảo hiểm, với tỷ lệ góp vốn tối thiểu 51% để từng bước đa dạng hóa loại hình hoạt động và tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Đối với NamA Bank, Ngân hàng sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 27/3. Ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank cho hay, tình hình thị trường năm qua buộc Ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay để chia sẻ khó khăn với khách hàng, nên kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Dự báo, thị trường năm nay vẫn còn có những khó khăn nhất định nên NamA Bank sẽ thận trọng khi đề ra các chỉ tiêu kinh doanh.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 mà NamA Bank nhận được là 13% (nhóm 1). Hơn 2 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng của NamA Bank đạt xấp xỉ 6%, nhưng do quy mô Ngân hàng còn nhỏ nên xét về con số tuyết đối, tăng trưởng dư nợ mới đạt vài ngàn tỷ đồng. Nếu sử dụng hết “room” tín dụng được phép, NamA Bank sẽ kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới “room” tín dụng.

Tuy nhiên, ông Vũ chia sẻ, nợ xấu vẫn là mối lo trong tăng trưởng tín dụng năm nay. Do đó, mục tiêu tăng trưởng dư nợ của NamA Bank tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên như: phát triển cây công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu… và cho vay đối với khách hàng nhỏ lẻ. Kế hoạch lợi nhuận năm 2014 của NamA Bank sẽ không quá cao so với chỉ tiêu Ngân hàng đưa ra năm 2013 ở mức 400 tỷ đồng.

Trước đây, những thông tin như chuẩn bị sáp nhập, hợp nhất, mua lại…, đều được các ngân hàng giữ kín, đến ngày ĐHCĐ diễn ra mới hé lộ. Nhưng trước thềm ĐCHĐ ngân hàng năm nay, thông tin dạng này được các ngân hàng công bố khá chi tiết, giúp cổ đông, nhà đầu tư nắm rõ trước khi tham dự đại hội, cũng như khi có nhu cầu chất vấn.

Southern Bank, Sacombank và một số ngân hàng lớn khác đã sớm công bố kế hoạch sáp nhập, hợp nhất trước ngày ĐHCĐ diễn ra. Sacombank công bố thông tin sẽ sáp nhập Southern Bank trong những ngày đầu tháng 3, trước khi Ngân hàng tiến hành ĐHCĐ vào ngày 25/3. Theo Tổng giám đốc Sacombank, ông Phan Huy Khang, Ngân hàng muốn mọi thông tin được minh bạch để nhà đầu tư, cổ đông có thể nắm được một cách cụ thể.

Có thể thấy, các ngân hàng đã sẵn sàng chuẩn bị cho kỳ đại hội năm nay, kể cả khi có vấn đề “nhạy cảm” như: nợ xấu cao, lợi nhuận thấp, không chia cổ tức… Theo lãnh đạo các ngân hàng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ưu tiên hàng đầu là đảm bảo hoạt động một cách an toàn. Vì thế, việc trích lập dự phòng đầy đủ để đảm bảo rủi ro cho hoạt động ngân hàng sẽ khiến lợi nhuận không còn để chi trả cổ tức cho cổ đông.

Chẳng hạn, tại SCB, lợi nhuận trước thuế thu về năm qua trên 60 tỷ đồng, nhưng chủ trương của Ngân hàng là không chia cổ tức, mà tập trung trích lập dự phòng. Hay tại Eximbank, lợi nhuận năm qua chỉ đạt hơn 30% kế hoạch nên cổ đông khó có thể kỳ vọng nhận được cổ tức như kế hoạch đưa ra ban đầu ở mức 12 - 13%, thậm chí là không có cổ tức khi ngân hàng này cho biết, sẽ dùng lợi nhuận để mua 36 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Kế hoạch lợi nhuận Eximbank đưa ra cho năm nay ở mức 1.800 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 8%.         

Tin bài liên quan