Giấu lãi
Những ngày cuối năm 2018, một doanh nghiệp nọ như bị sốc khi chi nhánh Ngân hàng B báo cho biết chi nhánh Ngân hàng A vừa chuyển nợ của doanh nghiệp từ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang nhóm 2 (nợ cần chú ý) và thông tin này đã được đưa lên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Doanh nghiệp lập tức liên lạc với cán bộ tín dụng chi nhánh Ngân hàng B để kiểm tra thông tin và yêu cầu gửi công văn giải trình rõ ràng.
Chi nhánh Ngân hàng A cho biết, chi nhánh đánh giá doanh nghiệp “luôn hoàn thành các nghĩa vụ trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn và hiện nay không phát sinh chậm trả nợ gốc lãi”. Vậy tại sao doanh nghiệp bị chuyển nhóm? Chi nhánh này lý giải, Ngân hàng mẹ (hội sở chính) “hạ điểm” doanh nghiệp là do “mô hình và cơ cấu tổ chức thay đổi”!
Trước lý do cảm tính này, doanh nghiệp đã gửi công văn cho Ngân hàng A, tới Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để kêu cứu. Cuối cùng, Ngân hàng A ra văn bản cho biết “do lỗi tác nghiệp của cán bộ ngân hàng, một số khách hàng… đã bị chuyển nhầm nhóm nợ tại một số thời điểm”. Hoá ra, không chỉ một mình doanh nghiệp trên, mà cả một danh sách khách hàng chịu chung cảnh ngộ.
Những người hiểu chuyện cho hay, các ngân hàng năm nay lãi nhiều, không muốn hạch toán hết cho năm 2018, nên chuyển nợ nhiều doanh nghiệp từ nhóm trên xuống nhóm dưới để trích dự phòng tín dụng nhiều hơn cho năm 2019, sau đó hoàn nhập lại và khoản này được tính vào lợi nhuận năm 2019.
Theo quy định hiện hành, mức trích lập dự phòng cho nợ nhóm 2 là 5%, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%. “Âm mưu” của ngân hàng là chỉ chuyển nhóm nợ qua thời điểm 31/12/2018 một vài ngày, sau đó trả về nhóm cũ cho doanh nghiệp.
Thực tế, khi một khoản vay ở bất cứ ngân hàng nào bị chuyển nhóm nợ thì tất cả các khoản vay khác của doanh nghiệp tại các ngân hàng khác đều bị chuyển nhóm theo. Điều này có thể khiến hoạt động giải ngân của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí có thể rơi vào tình trạng khốn đốn về tài chính.
Chỉ một thời gian ngắn nữa thì chuyện lời lãi của các ngân hàng sẽ được công bố. Bởi vậy, chuyện ngân hàng muốn “giấu” lãi - theo giới thạo tin - còn do "ngại" mang tiếng với khách hàng khi thu phí "hơi quá tay".
Chốt số liệu
Tại thời điểm cuối quý và cuối năm, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đại chúng, có nhu cầu duy trì số dư tiền mặt trong tài khoản. Tuy con số dư không cần quá lớn, nhưng cũng phải "ra tấm, ra món" để khi các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhìn vào báo cáo tài chính không thấy "băn khoăn" về dòng tiền. Có doanh nghiệp vì mục đích này đã đi vay mượn tạm đâu đó một vài ngày để chốt số dư cho "đẹp" báo cáo.
Các ngân hàng cũng vậy. Cuối mỗi quý và cuối năm, từng chi nhánh trong cùng một ngân hàng, cũng như mỗi ngân hàng đều muốn số dư tiền gửi tại tổ chức mình càng lớn càng tốt. Những tưởng doanh nghiệp và ngân hàng có chung một mục đích thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nhưng không hẳn vậy.
Trên thực tế, doanh nghiệp thường cùng lúc có tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Nếu muốn duy trì số dư tiền thì doanh nghiệp chỉ để tiền tại một hoặc vài ba ngân hàng, còn lại tài khoản tại các ngân hàng khác phải được sử dụng để thanh toán cho các khoản chi tiêu nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh được thông suốt, không bị gián đoạn.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng muốn duy trì một số dư "đẹp" và vấn đề phát sinh từ đây. Không ít ngân hàng đã chặn hết các lệnh thanh toán và chuyển tiền của doanh nghiệp mà không báo trước với các lý do như hệ thống bị treo, nhân viên nghỉ phép nên thiếu người, nhiều lệnh tập trung một lúc nên không kịp xử lý…
Nếu thời điểm cuối quý, cuối năm rơi vào ngày thứ Sáu thì khả năng các lệnh thanh toán và chuyển tiền của doanh nghiệp không thực hiện được còn cao hơn, bởi lệnh đi ngân hàng vào ngày này thường nhiều và chậm hơn so với các ngày khác trong tuần.
Với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhân công, những khoản "nhạy cảm" như lương, thưởng nếu chậm trễ sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, cho nên doanh nghiệp thường thống nhất với ngân hàng trả lương, thưởng cho người lao động trước ngày cuối tuần.
Hết room
Những tháng cuối năm 2018, một số ngân hàng thông báo hết room tín dụng, doanh nghiệp muốn được giải ngân thì phải chờ sang đầu năm 2019. Ví dụ, Ngân hàng X năm 2018 được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% so với dư nợ cuối năm 2017, nhưng mới đến tháng 10/2018 đã đạt tốc độ tăng trưởng này nên hết "quota" để giải ngân.
Thực tế, room tín dụng ngân hàng thường không hết ngay lập tức, mà cạn từ từ. Chẳng hạn, khi chuẩn bị hết hạn mức, ngân hàng chỉ cho giải ngân tối đa mỗi ngày 10 tỷ đồng, tháng sau giảm xuống còn 5 tỷ đồng, rồi 2 tỷ đồng và ngưng hẳn.
Ngân hàng chỉ có thể giải ngân khi có khách hàng nào đó trả nợ. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nào muốn được ngân hàng giải ngân phải gửi đăng ký trước, chờ trong ngày nếu có khách hàng nào trả nợ thì ngân hàng sẽ giải ngân. Tiền có nhiều thì ngân hàng giải ngân nhiều, có ít thì giải ngân ít và tất nhiên, không có thì không giải ngân.
Song, vấn đề đáng nói ở chỗ, ngân hàng biết trước chuyện hết room, nhưng vẫn “ỉm” đi để nhận thêm tài sản thế chấp của doanh nghiệp. Ví dụ, ngân hàng cấp cho doanh nghiệp hạn mức vốn lưu động 100 tỷ đồng, doanh nghiệp đã đưa tài sản trị giá 60 tỷ đồng để thế chấp và đang làm thủ tục đưa thêm tài sản vào cho “full” hạn mức, nhưng đâu có biết 40 tỷ đồng này sẽ khó được giải ngân vì ngân hàng sẽ sớm hết room tín dụng.
Để đưa một tài sản vào thế chấp, doanh nghiệp phải trải qua hàng loạt thủ tục, giấy tờ như định giá tài sản, lập biên bản họp Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo…
Mặt khác, tài sản của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn có, mà thường đang cầm cố hoặc thế chấp ở đâu đó. Trước khi muốn đưa về cầm cố, thế chấp tại chỗ này, thì phải giải chấp từ chỗ khác và muốn giải chấp thì phải có tiền… Quá trình này không phức tạp, nhưng mất thời gian và phải tính toán chính xác, vì bất cứ một sự trục trặc nào ở bất cứ khâu nào cũng sẽ khiến việc giải ngân bị chậm trễ, dẫn đến doanh nghiệp có thể bị thiếu hụt nguồn vốn.