Khó khăn tứ bề
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 vừa được công bố cho thấy, chỉ số này đã giảm 13% so với tháng 3.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 4 tháng đầu năm chỉ còn tăng 1,8% so với cùng kỳ - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cùng trong xu hướng giảm, chỉ số quản lý thu mua (PMI) tháng 4 cũng chỉ đạt 32,7 điểm - mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được khảo sát ở Việt Nam.
Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm 37,8% với sự sụt giảm diễn ra ở tất cả các thị trường trọng điểm như châu Á (-40%), châu Âu (-25,4%), châu Mỹ (-37,6%).
Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 4 giảm mạnh so với tháng trước đó, ở mức 20,5% và là tháng thứ 3 liên tiếp doanh số bán lẻ giảm.
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, vốn FDI đăng ký (bao gồm đăng ký mới và điều chỉnh vốn) tăng 31% so với cùng kỳ, nhưng vốn FDI thực hiện giảm 9%, vốn góp mua cổ phần giảm 65%.
Trong khi đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tháng 4 đạt 23.214 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 23.262 tỷ đồng trong tháng 3. Lũy kế 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách chỉ còn tăng 2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, chỉ số tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm mạnh 1,54% so với tháng 3 và giảm gần một nửa so với mức đỉnh 6,4% hồi cuối tháng 1/2020.
Trước câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về hoạt động của hệ thống ngân hàng trước các số liệu vĩ mô vừa công bố, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, những thông tin này không gây bất ngờ bởi các ngân hàng thường chủ động trong công tác nghiên cứu vĩ mô.
“Ảnh hưởng của tháng 4 sẽ tiếp tục xấu trong tháng 5 và 6 tới, nên việc kinh tế hồi phục khó diễn ra nhanh, cho dù Nhà nước đã quyết định dừng cách ly xã hội. Mặt khác, đại bộ phận người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh, trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước có hạn. Điều quan trọng hiện tại là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sau khủng hoảng”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đồng quan điểm, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần chia sẻ: “Việc sử dụng dịch vụ tại cá tổ chức tín dụng tăng với tốc độ thấp hơn so với trước, bởi người dân và doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo lắng.
Điều này dẫn tới nhu cầu vay vốn khó kỳ vọng tăng cao hơn trong bối cảnh các ngân hàng đang tìm mọi cách để có thể cho vay, cho dù rủi ro nợ xấu có thể chuyển sang các năm tới”.
Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ ở trạng thái dồi dào trong tháng 5 do tín dụng tiếp tục tăng trưởng yếu, trong khi dự kiến sẽ có một lượng vốn lớn quay trở lại hệ thống trong tháng này qua kênh tín phiếu (phát hành hồi tháng 2, kỳ hạn 91 ngày).
Theo đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp. Dù vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp sẽ vẫn ở trạng thái tương đối yếu do tác động của dịch bệnh.
“Tình hình kinh doanh thời gian tới của các ngân hàng sẽ rất khó khăn và khốc liệt. Một mặt, hỗ trợ các khách hàng có nguồn vốn để khôi phục lại hoạt động kinh doanh. Mặt khác, vẫn phải cơ cấu lại nợ cho khách hàng theo Thông tư 01. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu và chất lượng nguồn thu của ngân hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn phải cạnh tranh quyết liệt, tìm kiếm các phần khúc khách hàng mới để bù đắp nguồn thu bị hụt trong 4 tháng đầu năm do dịch Covid-19”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở trong miền Nam phân tích.
Giám đốc chiến lược một ngân hàng nhận định, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế quốc tế và trong nước, tác động tới nhiều ngành kinh tế, tình hình kinh doanh của ngành tài chính-ngân hàng trong quý II/2020 sẽ kém tích cực hơn so với các quý trước.
Nguyên do bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khách hàng có biểu hiện chững lại, đặc biệt là nhu cầu tín dụng. Trong khi đó, mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng được dự báo tăng ngay trong quý I/2020 và trong xu hướng tăng mạnh hơn từ quý II/2020.
“Vừa chỉ đạo, điều hành ngân hàng vừa ‘run’”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Khẩn cấp vấn đề tăng vốn
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, điều các lãnh đạo ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là việc tăng vốn ngày càng khó thực hiện, bởi lợi nhuận giữ lại trong năm nay sẽ không như kỳ vọng do hệ quả của việc tạm ngừng các hoạt động sản xuất - kinh doanh và suy giảm lợi nhuận của hệ thống ngân hàng.
Theo các lãnh đạo ngân hàng, biện pháp gia tăng vốn cấp 2 chỉ thích hợp khi thanh khoản của ngân hàng bị thiếu hụt, nhưng hiện tại đang khá dồi dào.
Đồng thời, do chi phí phát hành vốn cấp 2 cao, nên phương án tăng vốn cấp 2 trong năm nay sẽ không hiệu quả.
Biện pháp khả thi nhất trong bối cảnh hiện tại là tăng vốn cấp 1 bằng việc tạm dừng thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt, thay vào đó là bằng cổ phiếu và tăng phát hành cổ phiếu mới.
“Việc dừng chi trả cổ tức bằng tiền mặt để trả bằng cổ phiếu đã có sự ‘hậu thuẫn’ của cơ quan quản lý, nhưng vẫn chưa đủ, trong khi việc phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư là nhiệm vụ bất khả thi thời điểm này”, chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần nói.
Trong khi đó, nếu hệ số an toàn vốn (CAR) thấp hơn quy định của Basel II thì các ngân hàng sẽ phải hạn chế, thậm chí có thể phải ngừng cấp tín dụng.
Điều này dẫn đến hệ lụy lớn hơn là tác động đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khi các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ.
Không có nhiều cơ hội huy động vốn bằng phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, nên việc phát triển của doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng.
“Khó khăn của doanh nghiệp tiềm ẩn khả năng nợ xấu tăng, làm suy giảm quy mô vốn của ngân hàng. Do đó, nếu bài toán về tăng vốn của các ngân hàng không được giải quyết có thể dẫn đến suy thoái kép cho nền kinh tế”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Đặc biệt, việc tăng vốn là rất khó khăn đối với 4 ngân hàng có vốn nhà nước - những tổ chức tín dụng chủ lực của thị trường.
Trong báo cáo gửi Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề nghị Bộ Tài chính sớm có ý kiến với dự thảo tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội của NHNN về việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước để NHNN sớm hoàn thiện gửi Văn phòng Quốc hội phục vụ phiên họp tới.
Đồng thời, Thống đốc đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng vốn điều lệ cho 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối khác là BIDV, Vietcombank và VietinBank.
Thực tế, sau thương vụ bán 15% vốn cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong hệ thống, đạt 40.220 tỷ đồng, tiếp theo là VietinBank với 37.234 tỷ đồng, Vietcombank là 37.089 tỷ đồng và Agribank là 30.591 tỷ đồng.
BIDV tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về tổng tài sản với gần 1,5 triệu tỷ đồng, tiếp theo là Agribank đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, VietinBank là 1,24 triệu và Vietcombank là 1,22 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, CAR theo chuẩn mực vốn Basel I bình quân của BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank hiện đã sát mức tối thiểu 9,4% theo quy định và thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước là 13%.
Trong đó, trường hợp khẩn cấp nhất là VietinBank bởi ngân hàng này có tốc độ tăng vốn chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại nhà nước và từ năm 2014 tới nay không được bổ sung thêm vốn điều lệ.
Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank hiện đã xuống dưới mức tối thiếu 65% theo chủ trương của Chính phủ.