Ngày 19/9/2019 là ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông MBBank chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo đó, MBBank sẽ phát hành 169 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 8%, để tăng vốn điều lệ thêm 1.691 tỷ đồng, lên mức 25.800 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng vốn thêm 4.200 tỷ đồng trong năm 2019, bên cạnh việc trả cổ tức, ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành 43,2 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 10 và chào bán 258,4 triệu cổ phần (bao gồm phát hành riêng lẻ 211,4 triệu cổ phần và bán 47 triệu cổ phiếu quỹ), tương ứng 10% vốn điều lệ, trong quý IV này. Trước đó, Ban lãnh đạo MBBank đã chia sẻ về khả năng phát hành 7,5% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
BIDV cho biết sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank và dự kiến nhận tiền trong tháng 10/2019.
Như vậy, sau 3 tháng kể từ khi thông qua việc chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu (tương đương 15% vốn điều lệ) cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phiếu vào tháng 7/2019, vốn điều lệ của BIDV ước tăng thêm gần 20.300 tỷ đồng. Hiện tại, BIDV có vốn điều lệ 34.187 tỷ đồng.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo sửa đổi nội dung về vốn điều lệ của VIB với mức vốn điều lệ mới là 9.245 tỷ đồng, tăng so với mức cũ là 7.834 tỷ đồng. Trước đó, VIB đã phát hành hơn 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành là 18%.
Tương tự, vốn điều lệ của OCB cũng chính thức tăng lên 7.898 tỷ đồng sau khi phát hành gần 130 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 20%. Cuối quý II/2019, OCB có vốn điều lệ 6.599 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Ban lãnh đạo OCB, Ngân hàng sẽ trình cổ đông và NHNN kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng thêm vốn trong những tháng cuối năm nay, trong đó không loại trừ khả năng OCB sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nam A Bank vừa được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng. Nhà băng này cũng cho hay, sẽ hút thêm nguồn vốn nước ngoài trước khi niêm yết trên HOSE. Nam A Bank có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng trong năm nay.
Tại SeABank, được sự phê duyệt của các cơ quan quản lý, tháng 9 vừa qua, ngân hàng này đã hoàn thành đợt chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng.
Với kế hoạch phát hành cổ phiếu trong thời gian tới, dự kiến vốn điều lệ mới của một số ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2020. Bởi một trong những điều kiện để đáp ứng chuẩn Basel II là ngân hàng phải tuân thủ một số quy định về tỷ lệ giới hạn an toàn vốn.
Chẳng hạn, trong quy định về cấp tín dụng, ngân hàng cho vay một khách hàng không quá 15% vốn chủ sở hữu, nếu muốn mở rộng tín dụng cho khách hàng này thì ngân hàng phải tăng vốn.
Thực tế, trong 2 năm qua, NHNN đã giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành, nên room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cũng bị hạn chế. Vì thế, muốn tăng trưởng tín dụng cao, ngân hàng phải bổ sung vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn.
Hiện tại, trong số các nhà băng nói trên, mới có MB, VIB và OCB hoàn tất áp chuẩn Basel II, nên cơ chế về hạn mức tăng tưởng tín dụng sẽ “thông thoáng” hơn.
Được biết, lộ trình áp dụng Basel II được NHNN đưa ra gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là thí điểm áp dụng từ tháng 2/2016 đối với 10 ngân hàng là Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và MSB; giai đoạn 2 là cơ bản các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó có ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công toàn bộ tiêu chuẩn này.
Tuy nhiên, tính đến nay, có 10 ngân hàng hoàn tất chuẩn Basel II là Vietcombank, VIB, MBBank, ACB, VPBank, Techcombank, MSB và 3 ngân hàng khác nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB, TPBank và HDBank.
Trong khi đó, hệ thống hiện còn 8 ngân hàng có vốn điều lệ bằng hoặc nhỉnh hơn so với vốn pháp định 3.000 tỷ đồng là PGBank, Saigonbank, BAOVIET Bank, Viet Capital Bank, Nam A Bank, Kienlongbank, CBBank và GPBank, trong đó 2 ngân hàng được NHNN mua lại "0 đồng" là CBBank và GPBank. Riêng Dong A Bank đang bị kiểm soát đặc biệt.