Dự phòng rủi ro được xem là “của để dành” của ngân hàng.

Dự phòng rủi ro được xem là “của để dành” của ngân hàng.

Ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu từ đầu năm

(ĐTCK) Với kết quả tích cực đạt được trong năm 2019, nhiều ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 15-20% trong năm 2020. Để hoàn thành mục tiêu này, công tác xử lý nợ xấu đã sớm được thực hiện.

Nợ xấu hoàn thành mục tiêu dưới 2% đến hết năm 2019

Gần đây các ngân hàng nỗ lực tất toán trái phiếu VAMC, tức là mua lại các khoản nợ đã bán cho công ty này trước đó để xử lý hoặc tăng trích lập dự phòng đối với các khoản nợ xấu chưa thể sớm xử lý.

Tính đến nay, có khoảng 11 ngân hàng thương mại công bố sạch nợ tại VAMC, bao gồm Vietcombank, Agribank, Techcombank, MBBank, VPBank, VIB, TPBank, NamABank, OCB, SeABank, Kienlongbank.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính đến hết tháng 12/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%).

Tính từ năm 2012 đến cuối năm 2019, toàn hệ thống ước tính đã xử lý được 1,064 triệu tỷ đồng nợ xấu.

Trong báo cáo ngành ngân hàng 2020, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, chất lượng tài sản được cải thiện ở khối ngân hàng niêm yết.

Các ngân hàng này đang tập trung xử lý nợ tồn đọng từ quá khứ, làm sạch bảng cân đối. Đây được xem là tín hiệu tích cực trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống.

Năm 2019, VAMC cho biết, đã mua nợ thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt của 381 khoản nợ, đạt 20.544 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 19.846 tỷ đồng.

Phối hợp với các TCTD xử lý dự kiến đạt 69.778 tỷ đồng dư nợ gốc.

Trong năm 2020, VAMC sẽ đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả công tác mua nợ theo giá thị trường như phương án được NHNN phê duyệt.

Cùng với đó, VAMC tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt, triển khai các nghiệp vụ như hoạt động bảo lãnh, đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần...

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng diễn ra hồi đầu năm nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2020, định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%.

Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện quyết liệt và hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, tập trung xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đảm bảo an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Tiếp tục xử lý sớm nợ xấu 

Tại báo cáo đánh giá mới nhất về cổ phiếu STB của Sacombank, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, kế hoạch của Sacombank là sẽ xử lý 12.000-15.000 tỷ đồng nợ tồn đọng trong năm 2020, không bao gồm việc thanh lý quỹ đất Phong Phú.

Nhưng nếu thanh lý thành công diện tích đất này thì con số nợ được xử lý của Sacombank sẽ cải thiện hơn.

Theo VSCS, các thông tin chi tiết về khoản xử lý nợ lớn như thanh lý quỹ đất Phong Phú và thu nợ gốc ở Cần Đước sẽ chỉ được công bố tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 dự kiến tiến hành vào ngày 24/4.

Sacombank sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội vào ngày 28/2. Thực tế, những năm gần đây, Sacombank liên tục phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu. Chỉ trong 3 năm qua, nhà năng này đã xử lý không dưới 40.000 tỷ đồng nợ xấu.

BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất năm 2019, với 19.451 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm trước đó.

Trong kế hoạch năm 2020, BIDV tiếp tục bán nợ tại CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và công ty thành viên Vinaxuki Thái Nguyên, cùng nhiều doanh nghiệp khác, tổng giá khởi điểm hơn 2.000 tỷ đồng. 

Các ngân hàng nỗ lực xử lý nợ xấu để giảm chi phí dự phòng, từ đó giúp tăng lợi nhuận. Một số ngân hàng ghi nhận chi phí dự phòng giảm mạnh thời gian qua nhờ đẩy mạnh xử lý nợ như Techcombank, ACB…

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCRs) ở các ngân hàng này được cải thiện, ở mức 90%.

BSC nhận định, trong năm 2020, kỳ vọng chi phí trích lập dự phòng trong tỷ trọng tổng thu nhập hoạt động (TOI) sẽ giảm khi nhiều ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu VAMC trong năm 2019, trong khi những ngân hàng đã xử lý xong nhiều nợ tồn đọng thời gian trước đó sẽ giảm áp lực trích lập chi phí dự phòng trong năm nay...

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm qua cũng là yếu tố giúp các ngân hàng có thêm nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Điều đó thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu (được tính bằng số dư dự phòng rủi ro của các khoản nợ xấu chia cho nợ xấu) tại nhiều nhà băng tăng mạnh so với năm trước.

Đơn cử, tại Vietcombank, mặc dù nợ xấu đã giảm mạnh xuống 5.724 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, nhưng số dư dự phòng rủi ro của nhà băng này vẫn tăng thêm 123 tỷ đồng, lên 10.417 tỷ đồng, qua đó nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 182%, từ mức 165% hồi đầu năm 2019. Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống.

Nhiều ngân hàng khác cũng có tỷ lệ dự phòng nợ xấu trên ngưỡng 100% như BAC A BANK (131,45%), VietinBank (119,7%), MBBank (110,5%)...

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức tương đối thấp như Saigonbank (40,9%)...

Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra trong quá trình hoạt động cho vay. Số dự phòng rủi ro cần phải trích lập bao gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung.

Hiện dự phòng chung được tính bằng 0,75% tổng giá trị của các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4; trong khi dự phòng rủi ro cụ thể đối với nợ nhóm 1 là 0%; nhóm 2 là 5%; nhóm 3 là 20%; nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%.

Thực tế, việc duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng, thậm chí trước đây NHNN từng cấm các nhà băng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro được chia cổ tức.

Nhưng ở khía cạnh khác, dự phòng rủi ro cũng là “của để dành” của ngân hàng, bởi khi nợ xấu được xử lý xong, khoản này sẽ được chuyển vào lợi nhuận, giúp gia tăng lợi nhuận.

Tin bài liên quan