Hạ giá hàng nghìn tỷ đồng… vẫn "ế"
Một trong những tài sản đảm bảo bằng bất động sản giá trị lớn mà Sacombank chưa thể phát mãi là Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trong 2 năm qua, tài sản này 4 lần mang ra đấu giá nhưng đều bán không thành công dù liên tục giảm giá từ 9.000 tỷ đồng về 6.600 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, hiện chủ đầu tư vẫn hợp tác, nhưng do tài sản này còn vướng các thủ tục pháp lý nên khó xử lý. Vì thế, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã yêu cầu Sacombank tạm dừng phát mãi để xem xét lại.
Ngoài dự án Phong Phú, Sacombank còn nhiều bất động sản giá trị lớn khác chưa thể phát mãi để thu hồi nợ, nhất là sau khi sáp nhập thêm SouthernBank. Theo bà Diễm, Ngân hàng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu do các khoản nợ phát sinh từ SouthernBank phức tạp, tồn đọng lãi dự thu, tài sản đảm bảo là các dự án chưa hoàn thiện pháp lý..., trong khi thủ tục khởi kiện mất nhiều thời gian, kéo dài. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
“Sacombank đã kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần có cơ chế đặc thù trong hoạt động xử lý nợ để Ngân hàng có thể nhanh chóng giải quyết các khoản nợ xấu, tài sản tồn đọng”, bà Diễm thông tin.
Mới đây, BIDV thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá là 4.063 tỷ đồng (tính đến ngày 29/3/2020). Được biết, tài sản trên ban đầu được định giá hơn 7.836 tỷ đồng và đồng thế chấp tại nhiều ngân hàng, trong đó BIDV chiếm 58%, tương đương 4.554 tỷ đồng. Tương tự, tài sản của nhóm Công ty Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại thời điểm đấu giá cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi...
Tại SCB, ngân hàng này liên tục bán đấu giá nhiều tài sản trị giá lớn như dự án BMC Hưng Long tại số 1323 (số cũ 60/7) Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM với giá khởi điểm là 2.530 tỷ đồng; quyền sử dụng đất kho Phước Sơn, phường An Phú, xã Thuận An, Bình Dương, giá khởi điểm 830 tỷ đồng.
Mới nhất, SCB tiến hành bán quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Khu công viên phần mềm Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM, được sử dụng để xây dựng Trường Kỹ thuật tin học Sài Gòn, với giá khởi điểm là 191 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Tuy nhiên, việc phát mãi gặp khó khăn do vướng thủ tục pháp lý.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, do lượng nợ xấu sau M&A để lại rất lớn, lên đến 30.000 tỷ đồng, nên đến nay ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, thậm chí còn phải xin kéo dài thời gian xử lý nợ.
Theo vị này, sở dĩ ngân hàng khó phát mãi tài sản bởi giá trị các tài sản này đều rất cao, giá trị hàng nghìn tỷ đồng, trong khi tiềm lực của nhà đầu tư trong nước hạn chế nên cần đến thị trường mua - bán nợ để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa hình thành được thị trường này. Mặt khác, thủ tục pháp lý của nhiều dự án còn chưa được hoàn thiện nên rất khó để đem ra đấu giá.
“Nếu không sớm phát mãi thì thu hồi nợ lãi dự thu sẽ tiếp tục tăng lên, dẫn đến phải tăng trích lập dự phòng, gây khó khăn thêm cho ngân hàng”, vị lãnh đạo trên nói.
Tất toán trái phiếu VAMC, dự phòng rủi ro cũng tăng lên
Tại Viet Capital Bank, ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, do tác động của đại dịch nên quá trình xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu chậm lại. Ngân hàng đã tất toán xong trái phiếu VAMC (là khoản nợ xấu trước đó đã bán cho VAMC - Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) từ cuối tháng 4/2020, nhưng phải tăng trích lập dự phòng do chưa thu hồi được nợ.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV thì cho biết, cuối năm 2019, Ngân hàng còn 9.312 tỷ đồng trái phiếu VAMC và đã trích dự phòng 6.300 tỷ đồng. Từ tháng 3/2020, BIDV đã mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC và phải ra sức xử lý nợ xấu để hoàn dự phòng. Tính đến 30/6/2020, nợ xấu BIDV ở mức 22.767 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, trong đó nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gần 2.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu theo đó tăng từ 1,74% lên gần 2%.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cũng cho hay, đến nay,
Sacombank còn nắm giữ hơn 25.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC và phải tăng trích dự phòng rủi ro cho khoản nợ này. Cụ thể, Sacombank đã trích 1.147 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2020, tăng 86% so với cùng kỳ 2019, kéo tỷ lệ trích lập lũy kế 6 tháng đầu năm nay tăng thêm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank hiện đạt 5.000 tỷ đồng.
Chính vì dự phòng rủi ro tăng cao nên lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2020 của Sacombank đã giảm 2,3% xuống mức 1.428 tỷ đồng. Tính đến 30/6/2020, tổng nợ xấu nội bảng của Sacombank ở mức 6.682 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng tới 186% lên mức 851 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 31,5% lên mức 543 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay theo đó tăng lên 2,15%, so với mức 1,94% hồi đầu năm.
Tại VietinBank, trong 6 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng đã mua lại thêm hơn 6.000 tỷ đồng nợ đã bán cho VAMC, nâng tổng giá trị nợ đã mua lại từ thời điểm bán nợ tháng 12/2018 đến nay lên gần 6.800 tỷ đồng (chiếm hơn 50% số nợ ban đầu). Số còn lại VietinBank cũng đã trích dự phòng rủi ro khoảng 50% giá trị khoản nợ.
Với SCB, quỹ dự phòng rủi ro được ngân hàng này trích lập hiện đạt 14.000 tỷ đồng. Thế nhưng, lượng trái phiếu VAMC còn nắm giữ vẫn lớn, ở mức hơn 20.000 tỷ đồng và đã trích dự phòng được phân nửa. SCB cho biết vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm hoàn nhập dự phòng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện còn nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, gây khó khăn cho việc phát mãi tài sản của các ngân hàng.
“Đơn cử, theo Nghị quyết 42, quyền thu giữ tài sản đảm bảo đi kèm với điều kiện hồ sơ thế chấp phải có thỏa thuận về điều khoản thu giữ tài sản đảm bảo, trong khi tính đến thời điểm Nghị quyết có hiệu lực, nhiều hợp đồng thế chấp chưa có điều khoản này. Vì vậy, các tổ chức tín dụng phải đàm phán với bên vay để điều chỉnh hợp đồng, dẫn đến việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế”, ông Lực nêu ví dụ.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng đưa ra nhận định, việc mua lại nhà ở, bất động sản là tài sản thế chấp khoản vay từ các ngân hàng không đơn giản do đòi hỏi nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản, sự đồng thuận của chủ tài sản cũng như các cơ sở pháp lý về quyền mua, quyền bán của ngân hàng, nên người mua luôn thận trọng.
Một nguyên nhân khác khiến ngân hàng gặp khó khi xử lý tài sản đảm bảo được chỉ ra, đó là đa phần các tài sản phát mãi được định giá ban đầu quá cao, nên dù giảm giá nhưng vẫn chưa sát với giá trị thực. Đồng thời, một số ngân hàng còn cộng cả tiền gốc và lãi khoản vay vào giá bán, trong khi các tài sản đó đã bị khấu hao trong quá trình sử dụng.