Ngân hàng dần nắm hầu bao công ty bảo hiểm

Ngân hàng dần nắm hầu bao công ty bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đâu đó còn có phàn nàn của khách hàng về cách bán, nhưng con số cho thấy công ty bảo hiểm ngày một lệ thuộc nhiều hơn vào ngân hàng.

Số liệu thống kê sơ bộ từ các công ty bảo hiểm nhân thọ cho thấy, tổng doanh thu phí mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đến từ kênh bancassurance đạt hơn 7.800 tỷ đồng, kênh đại lý là hơn 13.700 tỷ đồng, các kênh khác là hơn 400 tỷ đồng.

Bancassurance được nhìn nhận tiếp tục phát triển nhanh hơn nhiều so với kênh đại lý. Tại một số công ty bảo hiểm như Prudential, Dai-ichi Life, Sun Life, MB Ageas, FWD…, doanh thu phí mới từ bancassurance trong 6 tháng qua đã tăng ngang bằng, thậm chí cao hơn doanh thu đến từ kênh đại lý.

Về phía ngân hàng, bán bảo hiểm cũng đang mang lại nguồn thu lớn. Một loạt ngân hàng như Techcombank, SCB, MB, ACB… công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng đột biến, trong đó có đóng góp không nhỏ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Thống kê trên khá tương đồng với khảo sát mới đây của Vietnam Report khi cho biết, doanh thu kênh bancassurance của nhiều công ty bảo hiểm đến nay đã xấp xỉ bằng doanh thu từ kênh đại lý. Còn thống kê sơ bộ từ các doanh nghiêp bảo hiểm cho thấy, tăng trưởng phí mới từ kênh bancassurance đã vượt xa kênh đại lý trong 6 tháng qua.

Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu phí mới từ bancassurance của Prudential đã vượt qua kênh đại lý, doanh thu phí mới từ kênh này của MB Ageas tăng gần gấp đôi doanh thu phí mới từ kênh đại lý, còn tại Sun Life thì chiếm tới gần 90% tổng doanh thu phí mới. Kênh bancassurance tăng trưởng mạnh mẽ với doanh thu xấp xỉ kênh đại lý cũng giúp Dai-ichi Life vượt lên giữ vị trí thứ 2 trong các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài về doanh thu thị phần khai thác mới trong 6 tháng qua…

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bancassurance đang trở thành kênh bán hàng ngày càng quan trọng và hiệu quả, nhất là với khối nhân thọ. Nếu như năm 2019, tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới qua ngân hàng chiếm khoảng 11%, thì đến năm 2020 đã tăng lên khoảng 40%.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa hết căng thẳng, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý được đánh giá sẽ còn gặp nhiều khó khăn vì không thể tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, trong khi hiệu quả từ các kênh thay thế như bán trực tuyến trên các nền tảng thương mại hay trên chính trang web của công ty cũng chưa cao, dù đã được đẩy mạnh. Chính vì thế, bancassurance được xem là động lực tăng trưởng doanh thu phí mới chủ yếu cho hầu hết công ty bảo hiểm đang khai thác kênh này.

Dẫu vậy, như Báo Đầu tư Chứng khoán đã có nhiều bài phản ánh, dù đang trên đà tăng trưởng tốt, nhưng bancassurance còn tồn tại không ít vấn đề cần giải quyết triệt nhằm tránh để lại hệ lụy cho các công ty bảo hiểm sau này, một trong số đó là tình trạng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi phát sinh giao dịch với ngân hàng. Việc chấp nhận mua bảo hiểm chỉ để được giải ngân khoản vay mà không xuất phát từ nhu cầu thực cũng như không được tư vấn kỹ càng sẽ khiến tỷ lệ duy trì hợp đồng từ kênh bán bảo hiểm này giảm sút, chưa kể việc tư vấn chưa đúng và đủ cũng dễ phát sinh tranh chấp sau này… Hiện tại, không công ty bảo hiểm nào công bố tỷ lệ hủy hợp đồng hay duy trì hợp đồng của khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng, nhưng đại diện một công ty bảo hiểm thừa nhận, đây là bài toán khá “đau đầu”.

Được biết, để giải quyết tình trạng trên, đã có công ty bảo hiểm áp dụng chính sách hợp đồng thay thế. Cụ thể, trước hoặc sau khi một hợp đồng mới được phát hành, nếu khách hàng hủy hợp đồng hiện hữu thì người tư vấn sẽ phải chịu các chế tài như không nhận được hoa hồng của hợp đồng mới, hoặc nếu đã nhận thì phải trả lại.

Thực tế, chính sách này đã bước đầu đem lại hiệu quả, song vẫn chưa được thực hiện đồng bộ trên toàn thị trường. Nhiều thành viên thị trường cho rằng, cơ quan chức năng cần yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải có chính sách giảm thiểu hợp đồng thay thế, bởi giải pháp này sẽ tác động tích cực đến trải nghiệm của người mua bảo hiểm.

Tin bài liên quan