Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng đã thấy cơ hội tăng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tranh thủ đà tăng giá của cổ phiếu “vua”, ngân hàng đồng loạt phát hành cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Đua phát hành tăng vốn, chốt room ngoại

Viet Capital Bank vừa thông báo ngày 4/1/2021 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để chào bán hơn 35,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 9:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị chào bán hơn 352 tỷ đồng. Thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua cổ phiếu từ ngày 8-27/1/2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 hồi tháng 8/2020, cổ đông Viet Capital Bank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm gần 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.077 tỷ đồng. Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank cho hay, việc tăng vốn đã được lên kế hoạch và đang trong giai đoạn chuẩn bị. Theo ông Trung, tăng vốn là điều kiện cần thiết để Viet Capital Bank nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngoài tăng vốn, Viet Capital Bank còn thực hiện lấy ý kiến cổ đông để chốt tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 30% trong thời gian tới. Lãnh đạo Viet Capital Bank thông tin, Ngân hàng đang đàm phán với nhà đầu tư ngoại.

Nam A Bank đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 7.000 tỷ đồng, trong đó có phương án phát hành 57 triệu cổ phiếu (tương đương 570 tỷ đồng) để chi trả cổ tức với tỷ lệ gần 12,5% và chào bán 143 triệu cổ phiếu riêng lẻ (tương đương 1.430 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 1/9/2020, Nam A Bank tăng vốn điều lệ từ 3.890 tỷ đồng lên hơn 4.564 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và chào bán riêng lẻ, tổng cộng phát hành thêm hơn 67,4 triệu cổ phiếu.

Đáng chú ý, sau 2 tháng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, Nam A Bank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, việc chuyển sàn niêm yết nhằm nâng cao tính minh bạch cũng như thanh khoản cổ phiếu Ngân hàng. Cùng với kế hoạch chuyển sàn, Nam A Bank sẽ chốt room ngoại ở mức tối đa 30%.

Đại hội đồng cổ đông bất thường của SCB ngày 7/12/2020 đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030. Trong đó, riêng giai đoạn 2020-2021, SCB sẽ tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông bất thường SCB còn thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB trên sàn HOSE, chậm nhất vào năm 2025.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020 cho phép các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ được bổ sung vốn

Đầu tháng 10/2020, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 10.959 tỷ đồng qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 25%. Dự kiến OCB sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 31,6 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong quý I/2021. Trước đó, cuối tháng 6/2020, OCB hoàn tất bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài Aoroza Bank, giá trị thương vụ khoảng 160 triệu USD.

HDBank vừa phân phối xong 338 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2019 đợt 2 để tăng vốn lên hơn 16.000 tỷ đồng. LienVietPostBank cũng hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.700 tỷ đồng trong năm 2020.

Áp lực sử dụng vốn tăng lên

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, sở dĩ các ngân hàng cấp tập tăng vốn thời gian qua là để đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II. Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ thì hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên trong tương lai. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế, cho nên các ngân hàng đã chạy đua tăng vốn ngay từ bây giờ.

Thực tế, tăng vốn không chỉ cần thiết đối đối với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ, đây còn là vấn đề bức thiết ở các ngân hàng lớn, nhưng vì nhiều nguyên nhân nên chưa thể thực hiện trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nút thắt này đã có hướng gỡ khi mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 12 - Nghị định 91/2015 về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó ngân hàng được thêm vào danh sách cho phép đầu tư bổ sung vốn nhà nước, áp dụng với các ngân hàng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Điều chỉnh này tạo cơ sở pháp lý để VietinBank, Vietcombank và BIDV được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn thặng dư để tăng vốn điều lệ. Vì thế, cả 3 ngân hàng này đều đã chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức.

Tăng được vốn đã là không đơn giản, nhưng sử dụng vốn tăng thêm sao cho hiệu quả cũng tạo áp lực lên các ngân hàng. Lãnh đạo SCB cho biết, với nguồn vốn tăng thêm, Ngân hàng sẽ ưu tiên bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh, tập trung vào đầu tư tài sản cố định, hiện đại hóa công nghệ thông tin và đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh.

Còn đại diện Viet Capital Bank cho hay, sẽ dùng 200 tỷ đồng từ vốn tăng thêm để đầu tư tài sản cố định phục vụ cho việc mở rộng, phát triển mạng lưới hoạt động, hiện đại hóa công nghệ, dùng 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn để cho vay, phần còn lại bổ sung nguồn vốn lưu động.

Theo lãnh đạo HDBank, khi vốn điều lệ tăng lên sẽ giúp Ngân hàng nâng cao hơn nguồn lực tài chính, sẵn sàng thực thi các kế hoạch tăng trưởng cao theo chiến lược đề ra. Cũng nhằm mục đích nâng cao năng lực tài chính, ngoài phát hành cổ phiếu để tăng vốn, HDBank còn hoàn tất kế hoạch phát hành 160 triệu USD trái phiếu quốc tế cho 2 định chế tài chính lớn và uy tín khu vực châu Á.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HDBank, hiện là thời điểm thuận lợi để huy động các nguồn vốn giá rẻ từ trong và ngoài nước, từ đó bổ sung nguồn lực tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi thời kỳ hậu Covid-19.

Chủ tịch LienvietPostBank - ông Huỳnh Ngọc Huy cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng nâng cấp hệ thống mạng lưới, tăng lợi thế cạnh tranh trong mảng bán lẻ, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số theo xu hướng 4.0, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Trước đó không lâu, nhiều ngân hàng khác cũng đã hoàn tất kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 như ACB tăng vốn từ hơn 16.627 tỷ đồng lên hơn 21.615 tỷ đồng; BAC A BANK từ 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng, VIB từ 9.244 tỷ đồng lên 11.093 tỷ đồng, SeABank từ 9.369 tỷ đồng lên 12.088 tỷ đồng... Nguồn vốn tăng thêm đến từ việc chia cổ tức, cổ phiếu thưởng...

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, rủi ro từ dịch bệnh gia tăng càng khiến việc tăng vốn không thể chậm chễ, bởi sẽ giúp ngân hàng tăng “bộ đệm” thanh khoản, từ đó ứng phó tốt hơn với rủi ro. Thế nhưng, làm sao để sử dụng đồng vốn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay là áp lực không nhỏ đối với các nhà băng, khi mà tín dụng khó tăng trưởng nhanh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng gần như “giậm chân tại chỗ” trong nửa đầu năm 2020 khi cuối quý I và II lần lượt tăng 1,31% và 3,65%, đà tăng chỉ tích cực hơn kể từ quý III khi tính đến cuối quý này và đến 21/12/2020 lần lượt tăng 6,08% và 10,14%, dự kiến tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11%. Năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành được dự báo ở mức 10-12%.

Tin bài liên quan